Ngày 28/6, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED), Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada (GAC) và Văn phòng Phát triển bền vững (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) đã phối hợp tổ chức phát động “Giải Báo chí với phát triển bền vững 2018”.
Phát triển bền vững (PTBV) đã trở thành xu thế toàn nhân loại đang hướng tới. Các mục tiêu trong Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hiệp quốc được xem như là định hướng mang tính toàn cầu và mỗi quốc gia cần đặt ra các mục tiêu phù hợp với bối cảnh của của mình để thực hiện.
17 Mục tiêu PTBV toàn cầu (SGDs) đã được Việt Nam thể hiện trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 (VSDGs) được Chính phủi ban hành tháng 5/2017 với 115 mục tiêu cụ thể để phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của quốc gia, trên cơ sở kết quả thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDGs). Khác với các mục tiêu thiên niên kỷ (nhấn mạnh vai trò nhà nước), các mục tiêu PTBV đòi hỏi sự chung tay của mọi người, với thông điệp “không để ai ở lại phía sau”.
PTBV vừa là lợi ích, là thước đo cho phát triển chất lượng và là sự sống còn của quốc gia, dân tộc. Chiến lược PTBV theo hướng kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển con người, xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường, đã được ghi nhận trong các chương trình của nhà nước cần được mọi người nhận thức và thực hiện.
“Giải Báo chí với phát triển bền vững”, được phát động là một trong những sáng kiến truyền thông của RED, được ghi nhận nhằm khích lệ hoạt động truyền thông hiệu quả về PTBV tại Việt Nam, trong đó nhấn mạnh và cổ vũ cho việc truyền thông hiệu quả về phát triển bền vững, dành cho các sản phẩm báo chí điện tử viết về hai lĩnh vực là “giới và môi trường”. Viết về lĩnh vực “giới” ưu tiên các chủ đề về định kiến và bạo hành giới; bạo lực gia đình; sức khỏe sinh sản và tình dục, quyền sinh sản; giới trong giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số; phụ nữ và tiếp cận thông tin; phụ nữ trong bảo vệ và phát triển rừng; sự tham gia của phụ nữ vào mọi lĩnh vực xã hội; LGBT; bảo vệ trẻ em. Viết về lĩnh vực “môi trường”, ưu tiên các chủ đề về bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên, khoáng sản, tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, năng lượng tái tạo; canh tác bền vững; rác thải đại dương; báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp; sự tham gia của cộng đồng trong quản lý và bảo vệ rừng; bảo vệ động vật hoang dã.