LTS: Từ đầu năm đến nay, tình trạng phá rừng, chuyển đổi sử dụng đất rừng, đất lâm nghiệp trái phép… vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Vậy, để giải quyết vấn nạn này, cần những giải pháp gì?
Thực tế nhức nhối cho thấy, nơi nào chính quyền và cán bộ địa phương buông lỏng quản lý, nơi đó “máu rừng” sẽ chảy.
“Máu rừng” vẫn chảy
Bất chấp hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý của các cơ quan chức năng, thời gian qua, lâm tặc vẫn ngang nhiên chặt phá những cánh rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ… tại nhiều địa phương.
Tại Quảng Nam, vụ phá rừng khu vực rừng phòng hộ ở sông Kôn trong tháng 4-2018 đã khiến nhiều thân gỗ có đường kính hàng mét, dài hàng chục mét, chủng loại từ nhóm 1 đến nhóm 6 bị cưa hạ ngổn ngang, trong đó, một phần gỗ đã đưa ra ngoài trót lọt. Điều đáng nói, trước đó, trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng đã xảy ra nhiều vụ việc phá rừng tương tự ở hai huyện Nam Giang và Đông Giang. Sau khi phát hiện vụ việc, Công an huyện Nam Giang đã điều tra, bắt giữ nhiều đối tượng trong đường dây phá rừng quy mô lớn. Cũng trong thời điểm này, gần 11ha rừng tự nhiên ở xã An Thắng (tỉnh Bắc Kạn) cũng bị chặt phá tan hoang…
Trong khi đó tại tỉnh Hà Tĩnh, trong 5 năm trở lại đây, khi thực hiện chủ trương tách nhập các cơ quan nông – lâm nghiệp, địa phương này đã tổ chức bán đấu giá cây rừng cho những đơn vị, cá nhân có nhu cầu. Ngoài bán đấu giá cây rừng, rừng đầu nguồn còn bị “chia năm, xẻ bảy” thành nhiều vùng để giao lại cho các đơn vị phòng hộ tiếp nhận quản lý. Đây là cách làm thiếu đồng bộ và tính khoa học, dẫn đến việc quản lý rừng gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Đoàn Hoài Nam, Giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã, do chính sách chưa đồng bộ nên đã tạo kẽ hở trong cơ chế giao rừng cho người dân và doanh nghiệp dẫn tới việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác còn nhiều bất cập… Điển hình như tại khu vực Tây Nguyên, chỉ tính từ năm 2015 đến nay, diện tích rừng ở khu vực này đã giảm 3.300ha, bình quân mỗi năm giảm hơn 1.000ha.
Mặc dù đã giảm từ 31% đến 47% số vụ việc và diện tích rừng bị phá so với cùng kỳ, song từ đầu năm tới nay, cả nước vẫn xảy ra hơn 200 vụ phá rừng tự nhiên, phát hiện 4.226 vụ vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, diện tích rừng bị thiệt hại là 252ha…
Ngay tại Hà Nội, dù diện tích đất rừng, đất lâm nghiệp không nhiều và không có những vụ chặt phá gỗ rừng quý hiếm nhưng vẫn xảy ra một số vụ vi phạm đất rừng, đất lâm nghiệp như ở các xã Yên Bài, Vân Hòa… của huyện Ba Vì. Tại huyện Sóc Sơn cũng xuất hiện ngày một nhiều các trang trại, nhà ăn… ngay ven rừng phòng hộ.
Để giữ được rừng, lực lượng kiểm lâm phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, trong khi tội phạm phá hoại rừng ngày càng manh động, nguy hiểm. Các vụ chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng diễn ra ngày càng phức tạp. Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, trong 10 năm qua, đã có 423 vụ chống người thi hành công vụ, 10 nhân viên kiểm lâm đã hy sinh.
Quản lý còn nhiều bất cập
Quảng Nam là địa phương có diện tích rừng lớn thứ 2 cả nước với khoảng 450.000ha rừng tự nhiên. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, để xảy ra những vụ phá rừng trong thời gian vừa qua là do ban quản lý rừng chưa phát huy hết trách nhiệm của mình. Các ban quản lý rừng chưa thực hiện tốt việc phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng công an, nhóm hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng nhằm tổ chức tuần tra thường xuyên, kịp thời phát hiện các vụ phá rừng. Đáng chú ý, những vụ phá rừng vừa qua dù đã bị các cơ quan pháp luật xử lý, tuy nhiên, tính răn đe chưa cao.
Quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp – Bộ NN&PTNT Đỗ Quang Tùng chia sẻ: “Thách thức lớn nhất của ngành Lâm nghiệp hiện nay là nguồn tài nguyên rừng ngày càng cạn kiệt, phục hồi rất chậm, trong khi nhu cầu về sử dụng lâm sản, đất đai ngày càng nhiều. Mặt khác, hiện chưa quy được trách nhiệm người đứng đầu chính quyền cơ sở trong việc bảo vệ rừng”.
Ngoài ra, theo Nghị định 119/2006/NĐ-CP ngày 16-10-2006 của Chính phủ quy định định mức biên chế bình quân toàn quốc thì cứ 1.000ha rừng và 500ha rừng đặc dụng có 1 biên chế công chức kiểm lâm. Tuy nhiên, thực tiễn lại không phù hợp đối với những tỉnh có ít rừng hoặc không có rừng vẫn phải thành lập tổ chức Kiểm lâm để quản lý các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản, quản lý, gây nuôi động vật hoang dã và thực hiện các nhiệm vụ về phát triển lâm nghiệp trên địa bàn. Trong khi đó, có những nơi là trọng điểm về phá rừng cần lực lượng kiểm lâm lớn hơn.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) Nguyễn Văn Thành cho biết: Hương Sơn là huyện có tổng diện tích gần 90.000ha rừng đặc dụng nhưng chỉ được biên chế 24 kiểm lâm, địa hình phức tạp, sông suối nhiều, đi lại khó khăn, cách trung tâm huyện hàng trăm cây số, chủ yếu là biên giới Việt – Lào nên việc tuần tra bảo vệ càng căng thẳng, thiếu thốn trăm bề; nhiều khi còn phải đối phó với lâm tặc kiểu “một mất, một còn” giữa rừng, có những cán bộ chiến sĩ đã hy sinh xương máu để bảo vệ rừng.
Nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Kiểm lâm Nguyễn Văn Cương cho rằng, vừa qua đã có hàng loạt cán bộ kiểm lâm ở tỉnh Quảng Nam xin nghỉ việc do không chịu được các áp lực trong việc bảo vệ rừng bởi chế tài xử phạt từ trước tới nay còn lỏng lẻo. Thông thường, khi phá rừng xảy ra, người bị kiểm điểm đầu tiên là cán bộ kiểm lâm địa bàn, trong khi đó, lại chưa rõ vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, của ban quản lý rừng… “Thực tế hiện nay hệ thống tổ chức kiểm lâm chưa được thống nhất, một huyện có rất nhiều kiểm lâm, hạt kiểm lâm, có hạt kiểm lâm rừng đặc dụng và hạt kiểm lâm rừng phòng hộ. Trong khi kiểm lâm có thẩm quyền điều tra, khởi tố hình sự, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản thì các tổ chức kiểm lâm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ lại nằm trong đơn vị sự nghiệp là các ban quản lý rừng, là viên chức kiểm lâm… dẫn đến khó khăn, bất cập trong các hoạt động thực thi pháp luật theo thẩm quyền…” – ông Cương nhấn mạnh.
(Còn nữa)