Một trong những nguyên nhân khiến rừng “chảy máu” là do yếu kém trong công tác quản lý và bất cập về cơ chế, chính sách. Do đó, cùng với việc xử lý nghiêm đối tượng vi phạm, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này, trong đó rất cần sự chung tay của cả cộng đồng.
Chính sách cần sát thực tế
Liên quan công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Chỉ thị 13-CT/TƯ ngày 12-1-2017 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên từ năm 2016 và mới đây tiếp tục có công văn yêu cầu các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý rừng và đất lâm nghiệp. Hiện, Bộ NN&PTNT đang dự thảo Nghị định mới về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Theo đó, đối với các vườn quốc gia, ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ có hạt kiểm lâm sẽ thuộc cục kiểm lâm hoặc chi cục kiểm lâm quản lý để thống nhất đầu mối tổ chức kiểm lâm.
Theo ông Lê Minh Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, để nâng cao trách nhiệm của UBND cấp huyện, đối với các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng do địa phương quản lý, nên phân cấp trực thuộc UBND cấp huyện quản lý để bảo vệ rừng hiệu quả. Khi đó, chủ tịch UBND xã, huyện phải chịu trách nhiệm chính trong bảo vệ rừng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng – phòng hộ Hà Nội cũng cho rằng, không nên thành lập các hạt kiểm lâm trong ban quản lý rừng đặc dụng. Bởi, ban quản lý rừng đặc dụng là đơn vị sự nghiệp, do đó việc tồn tại đơn vị quản lý hành chính là không hợp lý. Bên cạnh đó, để phát huy vai trò của chủ rừng là phải tự bảo vệ, quản lý, phát triển, sử dụng rừng thì lực lượng này phải có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, phải trải qua các kỳ thi tuyển viên chức, không áp dụng hợp đồng ngắn hạn…
Trong tình hình hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, bản thân kiểm lâm cũng phải thay đổi phương thức quản lý, lãnh đạo để bám dân, bám rừng, khuyến nông, khuyến lâm, giúp người dân từ quản lý bảo vệ rừng đến phát triển kinh tế. Tiến sĩ Nguyễn Phi Truyền, Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì chia sẻ, đơn vị đã tổ chức khoán quản lý bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư sống gần rừng nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập trên diện tích được khoán, đồng thời có chính sách hưởng lợi từ rừng mà không làm mất đi tính đa dạng sinh học. Kết quả đã khoán quản lý bảo vệ rừng cho 150 hộ gia đình sống gần rừng với 3.350ha trong khu phục hồi sinh thái; đồng thời, phối kết hợp chặt chẽ với UBND các xã, thôn, bản xây dựng quy ước bảo vệ rừng, xây dựng hệ thống đường dây nóng nhằm ngăn chặn các vụ phá rừng và kiên quyết xử lý các vụ vi phạm tài nguyên rừng.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Trước tình hình phá rừng xảy ra ở nhiều địa phương, mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có công văn yêu cầu các địa phương như: Quảng Nam, Bắc Kạn… xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phá rừng, chuyển nhượng rừng và đất rừng trái pháp luật; xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp; sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích. Qua đó, rà soát lại các khâu quản lý, bảo vệ, phát triển… đến việc sử dụng hợp lý việc trồng rừng, cải tạo rừng; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng theo phương pháp nông – lâm kết hợp…
Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, ngành Lâm nghiệp cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách lâm nghiệp; tiếp tục đổi mới hoạt động phù hợp yêu cầu thực tiễn đổi mới. Mặt khác, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật; phối hợp với các ngành, các cấp kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng. Bộ NN&PTNT cùng các địa phương, ban, ngành cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của xã hội về quản lý, bảo vệ rừng; kiên trì thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa bảo vệ rừng. Đặc biệt, lực lượng kiểm lâm cần tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, chỉnh đốn lực lượng, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong đấu tranh, bảo vệ rừng.
Thực tế cho thấy, để công tác bảo vệ rừng hiệu quả, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp. Qua đó, các địa phương có rừng phối hợp cùng lực lượng chức năng xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 71/NQ-CP ngày 8-8-2017 về ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TƯ ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư về Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.