Nhiều nghiên cứu và bằng chứng thực tế cho thấy các rạn san hô đang đối mặt với thảm họa suy thoái nghiêm trọng do mực nước biển dâng và tình trạng đại dương ngày càng ấm lên.
Kết luận này tiếp tục được củng cố bởi nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học đến từ Đại học Exter (Anh), công bố trên Tạp chí Nature vào tuần trước.
Tìm hiểu tốc độ phát triển tại hơn 200 rạn san hô nhiệt đới phía tây Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, các nhà nghiên cứu phát hiện hầu hết các rạn san hô đang bị suy thoái nghiêm trọng do không thể phát triển kịp với mực nước biển dâng và chỉ 9% trong số này có thể thích ứng được trong điều kiện lạc quan nhất về nước biển dâng do Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu dự báo.
Mực nước biển đã tăng vài inch (1inch = 2,54cm) trong thế kỉ qua và các phép đo cho thấy tốc độ này đang tăng nhanh đáng kể. Hai nguyên nhân có thể kể tới ở đây là do tác động của biến đổi khí hậu khiến nước biển ấm hơn và từ đó làm mực nước tăng, thứ hai là do hiện tượng băng tan.
Không chỉ bị đe dọa bởi mực nước biển dâng, các rạn san hô còn ngày càng suy yếu trước tình trạng đại dương ấm lên và axít hóa đại dương (do biển hấp thụ ngày càng nhiều CO2). Hệ quả là hàng loạt dải san hô rộng lớn bị tẩy trắng và chết hoặc hạn chế phát triển.
Theo dự đoán của Giáo sư Peter Mumby – Đại học Queensland, đồng chủ trì nghiên cứu, ngay cả trong trường hợp lạc quan nhất thì vào năm 2100, việc các rạn san hô bị ngập chìm sẽ khiến các cộng đồng ven biển đối mặt với những hiểm họa nghiêm trọng do sự thay đổi đáng kể của bờ biển.
Nhà Hải dương học người Mỹ Ilsa Kuffner cũng ủng hộ quan điểm này khi bình luận trên Nature rằng “Hệ quả mà nghiên cứu chỉ ra rất thảm khốc. Nhiều quốc đảo và vùng lãnh thổ sẽ nhanh chóng mất đi những nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng”.