Lãnh đạo VNT19 thừa nhận việc nhập thiết bị cũ này, nhưng số lượng rất nhỏ, khoảng 600 tỷ đồng/tổng vốn đầu tư dự án gần 9.900 tỷ đồng. Đồng thời, cam kết nếu xảy ra sự cố môi trường, nhà máy sẽ dừng hoạt động ngay lập tức.
Việc Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cho phép Nhà máy Bột – Giấy VNT19, thuộc Công ty CP Bột – Giấy VNT19 (gọi tắt là VNT19) hoạt động xả thải ra vịnh Việt Thanh (xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), khiến đông đảo người dân, cử tri, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi lo ngại xuất hiện một “Formosa 2” tại vùng biển tỉnh này.
Ngày 27-6, UBND tỉnh Quảng Ngãi gửi đi văn bản số 3685/UBND-CNXD đến Bộ TN-MT trình bày những lo ngại xung quanh việc bộ này phê duyệt cho phép VNT19 xả thải ra vịnh Việt Thanh (xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi); dự kiến cách bờ biển khoảng 500 – 1.500m. VNT19 sẽ lắp mới tuyến ống thoát nước thải từ nhà máy ra biển dài 5,2km; hệ thống xử lý nước thải có công suất 73.000m³/ngày đêm…
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, việc Bộ TN-MT phê duyệt báo cáo đánh giá ĐTM (vào ngày 7-9-2015) để VNT19 xả thải ra môi trường là chưa đảm bảo cơ sở khoa học. Bởi dựa vào các số liệu thông tin trong báo cáo ĐTM về khu vực xả thải (số liệu về hình ảnh, hệ sinh thái, chế độ thủy hải văn, các đối tượng bị tác động…) được chủ dự án điều tra, đánh giá sơ sài; chưa đánh giá sức chịu tải và khả năng tiếp nhận của nguồn tiếp nhận; chưa xây dựng các mô hình để tính toán mức độ lan truyền của dòng nước thải và các kịch bản khi sự cố nước thải vượt qua chuẩn xả thải ra môi trường…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính bày tỏ lo ngại: “Mặc dù VNT19 chưa chính thức đi vào hoạt động, chưa có hoạt động xả thải, nhưng qua sự cố môi trường biển tại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa, Hà Tĩnh, chính quyền, người dân và cử tri huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, hết sức quan tâm, lo ngại về vấn đề xả thải của nhà máy sẽ ảnh hưởng, tác động đến môi trường và đời sống sinh hoạt của người dân…”.
Theo báo cáo trước đó của Thường trực Huyện ủy Bình Sơn, vào tháng 5-2017, một số hộ dân tại thôn Lệ Thủy (xã Bình Trị) đã đứng ra ngăn cản việc thực hiện khảo sát địa hình, địa chất phục vụ việc lắp ống xả thải của VNT19.
Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng có chỉ đạo “khẩn” đến Sở TN-MT có biện pháp cương quyết yêu cầu VNT19 phải tổ chức nghiêm túc việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về vị trí xả thải, để có cơ sở trả lời cho chính quyền địa phương, người dân và cử tri.
UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ TN-MT có ý kiến về các nội dung này, đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, đánh giá lại báo cáo ĐTM của VNT19.
Trước đó, làm việc với VNT19, tỉnh Quảng Ngãi đề xuất cần phải làm hồ chỉ thị sinh học, bằng cách trích dẫn đường lấy nước sau khi xử lý, để tiến hành nuôi cá nhằm kiểm chứng nước trước khi bơm xả ra vịnh Việt Thanh; DN sử dụng trạm bơm dẫn nước từ hồ điều hòa kiêm hồ chỉ thị sinh học qua đường ống đi ngầm ra ngoài biển theo đúng hướng tuyến thoát ra bãi biển.
Ngoài ra, dư luận và người dân cũng xôn xao trước việc VNT19 nhập các thiết bị cũ, lạc hậu từ Nhà máy TOFTE (Na Uy) không đảm bảo đáp ứng yêu cầu công nghệ, môi trường.
Trả lời báo chí, lãnh đạo VNT19 thừa nhận việc nhập thiết bị cũ này, nhưng số lượng rất nhỏ, khoảng 600 tỷ đồng/tổng vốn đầu tư dự án gần 9.900 tỷ đồng. Đồng thời, cam kết nếu xảy ra sự cố môi trường, nhà máy sẽ dừng hoạt động ngay lập tức.
Để tạo điều kiện cho VNT19, ngoài đất đai của người dân, tỉnh Quảng Ngãi còn “nhượng” lại 50ha rừng dừa nước Cà Ninh (xã Bình Phước, huyện Bình Sơn) cho dự án làm hồ chứa nước. Khi thi công, dự án đã làm bồi lấp 25.841m2 kênh mương, đất sản xuất nông nghiệp và mồ mả của người dân xã Bình Phước, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Nhà máy Bột – Giấy VNT19 được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp chứng nhận đầu tư vào năm 2011. Công suất giai đoạn 1 là 350.000 tấn bột giấy tẩy trắng/năm; diện tích đất sử dụng giai đoạn 1 là 117ha (xã Bình Phước), thời gian hoạt động 50 năm; thi công từ năm 2015, dự kiến quý 4-2019 đi vào hoạt động.