Nhật hỗ trợ nghiên cứu bảo tồn rừng và quản lý hạ lưu vực Mê Công

Ủy hội sông Mê Công (MRC) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa công bố một nghiên cứu chung về bảo tồn rừng và quản lý lưu vực sông ở hạ nguồn Mê Công tại một cuộc họp diễn ra ở Viêng Chăn, Lào trong ngày 22/6.

Nghiên cứu sẽ được triển khai tại năm quốc gia gồm Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam và Myanmar trong thời gian từ nay đến tháng 3/2019.

Đây là sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nêu ra tại Hội nghị cấp cao Mê Công – Nhật Bản lần thứ 8 (tổ chức tại Viêng Chăn vào tháng 9/2016) về việc cần thiết phải thực hiện một nghiên cứu chung nhằm bảo vệ sức khỏe môi trường lưu vực, đặc biệt là nguồn tài nguyên rừng quý giá ở hạ nguồn.

Đại diện MRC và JICA ký Biên bản ghi nhớ hợp tác và bắt tay tại cuộc họp ngày 22/6

Theo ông Morita Takahiro, Phó Tổng Giám đốc cấp cao JICA, Nhật Bản sẽ hỗ trợ chuyên môn, công nghệ và nguồn lực nhằm giúp MRC tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề môi trường mà lưu vực đang phải đối mặt, qua đó tạo ra sự cân bằng giữa phát triển và bảo tồn thiên nhiên theo hướng bền vững.

Ông Phạm Tuấn Phan, Giám đốc điều hành Ban Thư ký MRC nhận định: “Dự án này cho phép chúng ta đánh giá hiện trạng che phủ rừng và bảo tồn rừng ở các quốc gia thành viên và cả tại Myanmar, từ đó đưa ra các khuyến nghị chính sách về quản lý chất lượng toàn lưu vực nhằm mục đích bảo tồn rừng”.

Sông Mê Công đoạn chảy qua khu vực Châu Đốc, An Giang (Ảnh: Nhật Anh)

Cũng theo tin từ MRC, đầu năm nay, Ủy hội cũng khởi động hai dự án chung giữa Campuchia và Lào, Campuchia và Thái Lan nhằm quản lý tốt hơn các nguồn tài nguyên ở lưu vực Mê Công và giải quyết vấn đề lũ lụt, hạn hán. Các dự án này tập trung vào việc lập kế hoạch phát triển xuyên biên giới về quản lý tài nguyên nước ở khu vực thác Khone giữa Campuchia và Lào, bao gồm việc giám sát tác động môi trường do Dự án Don Sahong gây ra, đồng thời đánh giá và lập kế hoạch chung về quản lý lũ, hạn hán ở các khu vực biên giới giữa Campuchia và Thái Lan.