Yêu cầu tháo dỡ nhà tiền chế, đưa tàu, xà lan ra khỏi hồ Đa Mi; tịch thu số cát khai thác trái phép và xử lý những tổ chức, cá nhân có liên quan.
Ngày 26-6, ông Hồ Lâm, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Bình Thuận liên quan đến loạt bài “Phá rừng, trộm cát công khai ở long hồ Đa Mi” mà Pháp Luật TP.HCMđã phản ảnh trong hai ngày 30 và 31-5.
Theo kết quả kiểm tra của Đoàn Kiểm tra liên ngành thì phát hiện tại khu vực đường ngã ba lòng hồ thủy điện Đa Mi thuộc xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc (cách trụ sở UBND xã Đa Mi khoảng 300 m) Công ty TNHH MTV Tuấn Cát Lợi đang tập kết một bãi cát xây dựng khoảng 100 m3.
Tại bãi tập kết cát có một xe múc, một tàu hút cát và một xà lan nằm cách đó khoảng 30 m. Thời điểm phát hiện, công nhân đang đóng một tàu sắt lớn để phục vụ cho việc khai thác cát.
Các hoạt động này của Công ty TNHH MTV Tuấn Cát Lợi đều nằm trong diện tích đất lòng hồ thủy điện Đa Mi đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty CP Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi quản lý, sử dụng.
Làm việc với Công ty TNHH Tuấn Cát Lợi, công ty này cho rằng khối lượng cát có tại hiện trường nêu trên là khai thác từ lòng hồ thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi nhưng thuộc ranh giới xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng chở về. Từ khi được UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép nạo vét đến nay công ty chưa tiến hành khai thác chính thức, mới thực hiện việc khảo sát để đánh giá trữ lượng cát, hiện đang đóng tàu hút cát để đưa vào khai thác trong thời gian tới.
Do đường xá vận chuyển cát trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng khó khăn, Công ty có giấy xin quá cảnh gửi UBND xã Đa Mi, UBND huyện Hàm Thuận Bắc và Ban quản lý Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi để xin vận chuyển cát nạo vét từ tỉnh Lâm Đồng qua địa bàn xã Đa Mi tập kết, sau đó vận chuyển đi tiêu thụ nhưng chưa được chấp thuận.
Theo đoàn kiểm tra, việc xin quá cảnh của Công ty Tuấn Cát Lợi được UBND xã Đa Mi có báo cáo số gửi UBND huyện Hàm Thuận Bắc xin ý kiến chỉ đạo. Sau đó, lãnh đạo UBND huyện cùng trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã Đa Mi tiến hành kiểm tra thực địa và xác định vị trí xin tập kết cát nằm trong diện tích đất đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi, mục đích sử dụng đất làm đường công vụ để kiểm tra lòng hồ Hàm Thuận.
UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã đề nghị doanh nghiệp ngưng ngay việc quá cảnh nhưng không có văn bản và hướng dẫn Công ty có đơn xin quá cảnh gửi Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi để xem xét giải quyết.
Liên quan vấn đề này, Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng cho biết phương án nạo vét lòng hồ thủy điện Đa Mi của Công ty Tuấn Cát Lợi được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt chỉ cho phép công ty một tàu khai thác, vị trí khai thác 6 ha và tập kết bùn, cát trên diện tích 1,7 ha thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Mọi trường hợp khai thác, tập kết cát ngoài phạm vi ranh giới là trái phép.
Về thủ tục, đến nay công ty chưa lập hồ sơ môi trường của dự án theo văn bản chấp thuận của UBND tỉnh Lâm Đồng và Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng đã có hai văn bản yêu cầu Công ty lập báo cáo Đánh giá tác động môi trường nhưng công ty chưa thực hiện. Như vậy đến nay công ty này chưa đủ điều kiện khai thác, nạo vét khoáng sản theo văn bản chấp thuận của UBND tỉnh Lâm Đồng.
Đối với việc tập kết cát, Công ty CP Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi cũng đã có công văn yêu cầu Công ty Tuấn Cát Lợi vận chuyển, giải phóng toàn bộ khối lượng cát, sạn, sỏi đã tập kết tại đường phòng chống lụt bão hồ Hàm Thuận của công ty, tháo dỡ toàn bộ nhà tiền chế dựng trái phép tại vị trí tập kết cát, chấm dứt việc nạo vét, tập kết cát trái phép trên lòng hồ gây mất an ninh, an toàn công trình; cấm san ủi mặt bằng khu vực đập phụ số 4 thuộc lòng hồ Hàm Thuận.
Theo Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận, các hoạt động của công ty này có nguy cơ gây ảnh hưởng đến công trình quốc gia cần phải được xử lý và chấn chỉnh ngay. Thời gian qua công ty hoạt động khai thác cát trái phép tại khu vực lòng hồ thuộc địa bàn xã Đa Mi nhưng do diện tích lòng hồ rộng hơn 2.000 ha, hoạt động khai thác bằng tàu hút cát dưới mặt nước, chính quyền địa phương không có phương tiện kiểm tra nên việc phát hiện quả tang để đủ cơ sở xác lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với công ty gặp nhiều khó khăn.
Để xảy ra vi phạm và các tồn tại nêu trên có phần trách nhiệm của UBND huyện Hàm Thuận Bắc. Theo đó, sau khi kiểm tra vào thời điểm tháng 5-2017 đã xác định vị trí Công ty Tuấn Cát Lợi xin quá cảnh thuộc đất của lòng hồ thủy điện Đa Mi, UBND huyện Hàm Thuận Bắc lại đề nghị Công ty có đơn xin quá cảnh gửi Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi để xem xét giải quyết theo quy định là chưa phù hợp với mục đích sử dụng đất đã được UBND tỉnh giao cho công trình lòng hồ, chưa đúng với thẩm quyền theo quy định.
Đối với Công ty CP Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi chưa thực hiện quản lý diện tích đất thuộc lòng hồ thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi theo đúng Quyết định giao đất của UBND tỉnh.
Khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép nhưng công ty đã thực hiện hàng loạt các hoạt động tập kết cát, đóng tàu, làm nhà tiền chế trái phép trong khu vực đất thuộc lòng hồ thủy điện Đa Mi. Việc này, UBND xã Đa Mi đã mời Công ty CP Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi và Công ty TNHH Tuấn Cát Lợi làm việc từ tháng 11-2017 nhưng không tiến hành xử lý dứt điểm theo thẩm quyền hoặc có văn bản báo cáo UBND huyện Hàm Thuận Bắc để chỉ đạo xử lý theo quy định, để tình trạng kéo dài đến nay. Qua đó cho thấy UBND xã Đa Mi, Công ty CP Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi chưa thực sự làm hết trách nhiệm trong quá trình xử lý vụ việc. Đồng thời, sau kiểm tra, UBND huyện Hàm Thuận Bắc cũng chưa quan tâm, theo dõi nhằm chỉ đạo xử lý kịp thời để diễn ra tình hình trên.
Đoàn kiểm tra và Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận kiến nghị chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Hàm Thuận Bắc chỉ đạo các ngành chức năng của huyện, UBND xã Đa Mi phối hợp với Công ty CP thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi mời Công ty Tuấn Cát Lợi làm việc để làm rõ hành vi vi phạm về lĩnh vực đất đai và xử lý theo quy định.
Đồng thời, yêu cầu công ty này tháo dỡ, di chuyển nhà tiền chế, hai tàu hút cát, xà lan ra khỏi diện tích đất khu vực lòng hồ thủy điện Đa Mi thuộc địa bàn tỉnh Bình Thuận trước ngày 15-7. Ngoài ra, yêu cầu Công ty CP thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi kiểm điểm tập thể lãnh đạo và chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng diện tích đất đúng theo mục đích được giao tại khu vực lòng hồ thủy điện Đa Mi trong thời gian tới, tránh tình trạng lợi dụng việc nạo vét lòng hồ, khai thác khoáng sản trái phép gây ảnh hưởng đến công trình quốc gia.
Sở cũng kiến nghị tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với lãnh đạo UBND huyện, trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, chủ tịch UBND xã Đa Mi và các tổ chức, cá nhân có liên quan về nội dung giải quyết Đơn quá cảnh của Công ty Tuấn Cát Lợi chưa dứt điểm, kéo dài. Việc này dẫn tới công ty thực hiện hàng loạt hoạt động làm nhà tiền chế, đóng tàu, tập kết xà lan, tàu hút cát, xe múc, tập kết cát trái phép tại vị trí trên, dẫn đến khó kiểm soát việc công ty lợi dụng khai thác cát trái phép tại khu vực lòng hồ.
Giao Sở Công Thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với chính quyền địa phương xử lý tịch thu khối lượng cát tập kết không có nguồn gốc hợp pháp tại khu vực lòng hồ thủy điện Đa Mi; giao Sở TN&MT thông tin về tình hình kiểm tra, xử lý vi phạm đối với Công ty TNHH MTV Tuấn Cát Lợi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận… là một số kiến nghị khác của Sở TN&MT.
Theo báo cáo của UBND xã Đa Mi, nhận được phản ánh của người dân địa phương về tình trạng khai thác cát của Công ty Tuấn Cát Lợi trong khu vực lòng hồ thủy điện Đa Mi thuộc địa bàn tỉnh Bình Thuận, tổ công tác của xã đã tiến hành kiểm tra phát hiện tàu của công ty khai thác cát trái phép, lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Thanh, người làm việc cho công ty với số tiền là 4 triệu đồng.
Ngoài ra còn có trường hợp của ông Phạm Công Tiến (người làm việc của công ty) dùng xà lan chở cát trên lòng hồ nhưng do chưa bắt được quả tang nên ông Tiến không thừa nhận, do đó UBND xã Đa Mi chưa đủ cơ sở xử lý mà chỉ lập biên bản làm việc yêu cầu ông Tiến cam kết không được khai thác cát trái phép tại khu vực lòng hồ.