Trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0, việc quản lý lâm nghiệp dựa trên ứng dụng công nghệ cao đã mang lại nhiều lợi ích mới trong bảo vệ và phát triển rừng.
Ông Lê Minh Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết, hệ thống, thiết bị ứng dụng công nghệ thông minh trong bảo vệ và phát triển rừng đang phát triển mạnh. Ví như, Vườn quốc gia Ba Vì đã phát triển các thiết bị phát hiện các đám cháy và tích hợp thông tin cần thiết để dự báo nguy cơ sâu bệnh hại cho từng khu rừng. Bản thân cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn cũng thường xuyên cập nhật hiện trạng, diễn biến rừng vào phần mềm của ngành lâm nghiệp, thay vì chỉ đơn giản là ghi sổ sách, báo cáo như trước đây. Nhờ đó, chỉ cần truy cập vào các phần mềm này, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn có thể so sánh, đánh giá hiện trạng rừng một cách nhanh nhất, tiện lợi nhất.
Hơn một năm qua, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã phối hợp với Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) hỗ trợ trang bị máy tính bảng cho lực lượng kiểm lâm thông qua Dự án Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững. Thiết bị di động thông minh này được tích hợp phần mềm theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp (FRMS Mobile), cho phép người dùng điều tra, thu thập thông tin hiện trường cung cấp dữ liệu đầu vào cho hệ thống theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp chung, trên cơ sở dữ liệu nền kiểm kê rừng toàn quốc. Bước đầu thí điểm tại 15 tỉnh trên cả nước, hệ thống theo dõi bằng máy tính bảng đã cho thấy hiệu quả, đơn giản và thực tế với số liệu đầu ra chính xác hơn.
Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) vừa công bố phần mềm cập nhật diễn biến rừng. Theo đó, toàn bộ dữ liệu rừng, đất lâm nghiệp được theo dõi và lưu trữ trong một bộ cơ sở dữ liệu trung tâm, được cập nhật và kết xuất, cung cấp thông tin báo cáo bất kỳ thời điểm nào phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Bá Ngãi, toàn bộ dữ liệu tài nguyên rừng được đánh giá tại 60 tỉnh, 550 huyện, 6.427 xã, hơn 1,1 triệu chủ rừng và hơn 7,1 triệu lô rừng đã được cán bộ của các hạt kiểm lâm cấp huyện thu thập thủ công hằng năm, bao gồm thông tin về các nguyên nhân diễn biến độ che phủ rừng, các sự cố như cháy rừng, biện pháp lâm sinh và hoạt động khai thác… Toàn bộ dữ liệu này đã được lưu trữ trên hệ thống máy chủ trung tâm và máy tính cá nhân của các đơn vị cấp huyện trên phạm vi 60 tỉnh có rừng. Bên cạnh đó, hệ thống còn lưu trữ dữ liệu điều tra rừng toàn quốc giai đoạn từ năm 1990-2005 với các thông tin đáng tin cậy được điều tra đến cấp tỉnh. Hiện Tổng cục Lâm nghiệp đã cho phép người dùng truy cập dữ liệu tài nguyên rừng để xem dữ liệu thông qua hệ thống chia sẻ dữ liệu tài nguyên rừng.
Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết, việc áp dụng công nghệ cao vào quản lý bảo vệ rừng của Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ cũng như cộng đồng quốc tế. Nhờ đó, các ứng dụng này không chỉ phục vụ công tác quản lý nhà nước, xây dựng chiến lược lâm nghiệp mà còn là bộ dữ liệu phục vụ cho nghiên cứu khoa học, lịch sử phát triển rừng… Đây là công cụ hữu hiệu trong quản lý tài nguyên rừng trước thực trạng rừng đang bị suy giảm hiện nay. Việc ứng dụng công nghệ là rất quan trọng nhưng phải được cập nhật thường xuyên. Thời gian tới, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ tham mưu Bộ NN&PTNT để có những quy định mang tính pháp lý và những quy định hướng dẫn kỹ thuật để người làm lâm nghiệp, nhất là kiểm lâm địa bàn sử dụng hiệu quả công nghệ cao trong công tác điều tra, đánh giá, phân tích, cập nhật dữ liệu một cách thường xuyên, chính xác và trách nhiệm.