Hiện năng lực sản xuất thép không gỉ trong nước đang dư thừa, bởi vậy, việc đề xuất đầu tư dự án thép không gỉ cán nguội của nhà đầu tư Yong Jin Mental (Trung Quốc) đang khiến các nhà sản xuất quan ngại.
Áp lực dư thừa nguồn cung
Mới đây, 5 doanh nghiệp lớn trong ngành thép đã cùng đệ đơn lên Chính phủ, các bộ, ngành bày tỏ quan ngại về việc Công ty Yong Jin Mental, thuộc Tập đoàn Stingshan, đăng ký đầu tư xây dựng nhà máy thép không gỉ cán nguội với quy mô 250.000 tấn tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Được biết, đây là lần thứ hai, công ty này làm các thủ tục đăng ký giấy phép đầu tư sau khi bị từ chối vào năm ngoái.
Lý do từ chối cấp phép đầu tư trước đó của tỉnh Đồng Nai là do tình hình sản xuất thép không gỉ cán nguội lượng cung đã vượt quá cầu, dự án này không nằm trong quy hoạch ngành thép, tình trạng thiếu năng lượng của khu vực miền Nam, cũng như các vấn đề về môi trường và khả năng huy động vốn. Quyết định đưa ra đã được tham vấn ý kiến của các bộ, ngành liên quan.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), áp lực dư thừa nguồn cung chưa được cải thiện, trong khi nhu cầu thép không gỉ trong nước không cao, cung đã gần gấp đôi nhu cầu thực tế, doanh nghiệp trong nước đang đối mặt với nhiều rủi ro về hàng rào cạnh tranh thương mại. VSA kiến nghị các cơ quan nhà nước xem xét chỉ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các sản phẩm thép hợp kim chất lượng cao phục vụ sản xuất cơ khí chế tạo, đóng tàu, ô tô… mà trong nước chưa sản xuất được.
Bên cạnh đó, VSA cũng đề nghị chưa cần thiết phải đầu tư thêm trong giai đoạn hiện nay các sản phẩm thép cuộn cán nóng, thép xây dựng, thép cuộn cán nguội, thép không gỉ cán nguội, ống thép hàn, thép tôn mạ… Đồng thời, không phê duyệt các dự án đầu tư đối với các sản phẩm thép trong nước đã dư thừa nhu cầu tiêu thụ.
Cụ thể, nhu cầu thép không gỉ của Việt Nam năm 2017 là 490.000 tấn, trong khi tổng năng lực sản xuất đã đạt gần gấp đôi, với hơn 700.000 tấn. Theo dự đoán của cơ quan thống kê và phân tích thị trường URC của châu Âu, giả định nếu xét theo mặt tích cực của thị trường, dự tính mức tăng trưởng trung bình 8,4%/năm, thì đến năm 2021, nguồn cung trong nước vẫn bị quá tải 229.000 tấn.
“Thị trường thép không gỉ Việt Nam đang bị tác động mạnh do lượng sản phẩm Trung Quốc tràn lan, nếu thêm nhà đầu tư sản xuất mới nữa thì thị trường cung – cầu sụp đổ chỉ là vấn đề thời gian”, URC nhận định.
Báo cáo điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cũng chỉ ra, trong giai đoạn điều tra từ tháng 4/2012 – 3/2013, lượng tồn kho sản phẩm thép không gỉ tăng gấp 10 lần so với năm 2009.
Khi xem xét tiếp nhận Dự án đầu tư mới, cơ quan quản lý nhà nước cần phải cân nhắc đến yếu tố cung – cầu, các vấn đề về môi trường, năng lượng, lao động… |
Điều này cho thấy, ngành sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn ngay tại thị trường nội địa. Nhiều doanh nghiệp đang phải cạnh tranh khốc liệt hơn, thậm chí giảm công suất xuống còn 55% so với năng lực thực tế.
Về thị trường xuất khẩu thép không gỉ cán nguội, trong khu vực Đông Nam Á cũng có nhiều nhà sản xuất lớn, lượng cung đã vượt cầu. Do đó, việc xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á là khó khăn. Đối với thị trường Mỹ và châu Âu, mức độ cạnh tranh cũng rất khốc liệt, để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước, các thị trường này có thể áp thuế chống bán phá giá cho các sản phẩm thép không gỉ cán nguội sản xuất tại Việt Nam do quan ngại về thép Trung Quốc “lẩn tránh” thuế qua Việt Nam.
Rủi ro cao với bẫy xuất xứ
Các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống gian lận thuế, tự vệ thương mại… được áp dụng đồng loạt ở nhiều quốc gia đối với các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc.
Nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới là Trung Quốc đã thực hiện chính sách cắt giảm năng lực sản xuất dư thừa để tái cấu trúc lại ngành công nghiệp thép trong nước và chuyển dần năng lực dư thừa bằng hàng loạt dự án đầu tư ra nước ngoài, trong đó có khu vực ASEAN và Việt Nam.
“Tình hình dư thừa nguồn cung thép trên thế giới luôn gây ra sự bất ổn của thị trường thép toàn cầu, đặc biệt là quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới. Trước sức ép cung – cầu thép mất cân đối, chủ nghĩa bảo hộ được đánh giá càng ngày càng gia tăng ở tất cả các quốc gia để hạn chế làn sóng nhập khẩu thép vào quốc gia mình. Mỹ và EU là những ví dụ điển hình”, VSA nhận định.
Tháng 5 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ đã quyết định áp thuế nhập khẩu lên thép Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc, theo đó, cơ quan hải quan Mỹ sẽ thu thuế chống bán phá giá là 199,76% và thuế chống trợ cấp là 256,44% lên lượng thép cán nguội sản xuất tại Việt Nam, nhưng sử dụng các vật liệu nền xuất xứ từ Trung Quốc. Ngoài ra, thép chống ăn mòn từ Việt Nam cũng đối mặt với thuế chống bán phá giá là 199,43% và thuế chống trợ cấp là 39,05%.
Quá tải về nguồn cung, cũng như sự đầu tư ồ ạt gần đây của các nhà đầu tư thép Trung Quốc tại Indonesia đang đe dọa toàn ngành, là bài học nhãn tiền khi cánh cửa xuất khẩu dần hẹp lại trong khi lượng tiêu thụ nội địa có giới hạn.
Các doanh nghiệp thép trong nước kêu gọi, khi xem xét tiếp nhận dự án đầu tư mới, cơ quan quản lý nhà nước cần phải cân nhắc đến yếu tố cung – cầu, sự cạnh tranh thương mại giữa các quốc gia, các vấn đề về môi trường, năng lượng, lao động… để đưa ra quyết định chính xác.
Quan ngại môi trường
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích, việc cấp phép cho các dự án đầu tư sản xuất thép nói chung và thép không gỉ nói riêng cần xem xét đánh giá cụ thể thị trường khu vực và thế giới, hiệu quả kinh tế và xã hội ra sao.
Không ham cam kết đầu tư lớn, mà quên đi vấn đề bảo vệ môi trường. Cũng không thể không tính tới một cách toàn diện các khía cạnh kinh tế của một dự án đầu tư, bao gồm hiệu quả đầu tư ra sao, khả năng đáp ứng về hạ tầng với dự án đó thế nào… Một quyết định duy ý chí có thể khiến cả nền kinh tế phải trả giá, như chuyện về những dự án đầu tư ngàn tỷ đắp chiếu thời gian qua.
Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 8/2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường nêu rõ, thời gian qua, ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, xảy ra nhiều sự cố gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Thủ tướng yêu cầu bảo vệ môi trường là vấn đề xuyên suốt trong quá trình phát triển, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Việc thu hút đầu tư phải gắn với bảo vệ môi trường. Không cho phép đầu tư vào các loại hình sản xuất, sử dụng công nghệ lạc hậu.
VSA cũng khẳng định, nhất trí với kiến nghị của các nhà sản xuất thép không gỉ trong nước về việc không cấp phép đầu tư cho dự án sản xuất thép không gỉ cán nguội của Công ty Yong Jin Metal để tránh phát sinh thêm những bất ổn dư thừa nguồn cung trong nước, cũng như các rủi ro khác.