Diễn ra từ ngày 23 đến 29-6 tại Cung Hội nghị quốc tế Ariyana Đà Nẵng, kỳ họp lần thứ sáu Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF 6) sẽ bàn thảo các phương án ưu tiên về vấn đề môi trường toàn cầu để trình lên phiên họp chính thức.
Kỳ họp GEF 6 là một trong những cuộc họp toàn cầu quan trọng nhất về môi trường trong năm 2018 do Việt Nam đăng cai tổ chức. Việt Nam gia nhập GEF vào ngày 05-12-1994. GEF 6 truyền đi thông điệp, quảng bá đến cộng đồng quốc tế về quyết tâm, nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về phát triển bền vững, đặc biệt trong việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về môi trường. Sự kiện này là cơ hội để Việt Nam tăng cường, hợp tác, tìm kiếm cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, giới thiệu, quảng bá du lịch, văn hóa, danh lam, thắng cảnh và con người Việt Nam.
Kỳ họp GEF6 thu hút sự tham dự của khoảng 1.500 đại biểu, gồm các bộ trưởng phụ trách môi trường và các quan chức cấp cao khác của 183 quốc gia thành viên, cùng lãnh đạo các cơ quan Liên hợp quốc, các ngân hàng phát triển khu vực, các tổ chức chính trị-xã hội và lãnh đạo doanh nghiệp…
Theo bà Naoko Ishii, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Quỹ Môi trường toàn cầu, kỳ họp lần này là cơ hội để thế giới chung tay kiến tạo một hành tinh an toàn hơn, bảo đảm hơn và đáng sống hơn. Giải pháp duy nhất chính là quá trình chuyển đổi. Chúng ta cần phải thay đổi hệ thống lương thực, đô thị, năng lượng và chuyển đổi thành nền kinh tế tuần hoàn. Chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ. Đó chính là những gì GEF mong muốn thực hiện được trong tương lai.
Phiên khai mạc chính thức của GEF6 sẽ diễn ra sáng 27-6 với sự tham gia của bà Hilda Heine, Tổng thống quốc đảo Marshall; ông Michelle Bachelet, cựu Tổng thống Chile và bà Jose Maria Figueres, cựu Tổng thống Costa Rica. Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam sẽ có bài phát biểu chào mừng tại phiên khai mạc sáng cùng ngày.
Ngoài các phiên họp toàn thể, sẽ có các cuộc thảo luận bàn tròn về: lương thực, khôi phục và sử dụng đất; các thành phố bền vững; kinh tế xanh lam; hợp tác để thực hiện Chương trình nghị sự 2030; các mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học; kinh tế tuần hoàn; rác thải nhựa đại dương; cảnh quan bền vững Amazon và Congo; động vật hoang dã; giới và môi trường; đổi mới trong năng lượng sạch; tài chính bảo tồn; đất khô cằn bền vững.
Các phiên họp Hội đồng GEF lần thứ 54 diễn ra trong các ngày từ 24 đến 26-6 và cuộc họp của Hội đồng Quỹ Biến đổi khí hậu đặc biệt (SCCF), Quỹ Uỷ thác cho các nước kém phát triển (LCDF) lần thứ 24 và Diễn đàn Xã hội dân sự…