Là nơi cư trú của gần 20 triệu cư dân và là vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản lớn nhất cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp hơn 50% sản lượng lúa và các loại rau màu, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, trên 70% các loại trái cây của cả nước; xuất khẩu xấp xỉ 95% lượng gạo và 60% sản lượng cá xuất khẩu toàn quốc (Le Anh Tuan, 2010). Nơi đây cũng được xem là vùng đất ngập nước rộng nhất Việt Nam với diện tích hơn 4 triệu ha, trong đó có nhiều khu vực được công nhận là vườn quốc gia (VQG), khu đất ngập nước Ramsar, khu dự trữ sinh quyển như của thế giới như VQG Tràm Chim, VQG Mũi Cà Mau, VQG U Minh Thượng, Khu Bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen, Khu Dự trữ Sinh quyển Kiên Giang… Mặc dù sở hữu nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế và hệ sinh thái phong phú, đa dạng, song vùng đất này đang phải đứng trước nhiều mối nguy từ các hoạt động phát triển của con người ngoài những tác động tiêu cực của hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trong đó đáng quan ngại hơn cả là các dự án thủy điện ở phía thượng nguồn sông Mê Công và kế hoạch xây mới hàng loạt nhà máy nhiệt điện than theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia điều chỉnh giai đoạn 2011-2020 xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh).
Đối với hoạt động phát triển thủy điện trên dòng chính Mê Công, khu vực ĐBSCL của Việt Nam nằm ở cuối nguồn con sông nên chịu tác động rất lớn từ các công trình thủy điện phía thượng nguồn. Các đập trên dòng chính làm giảm thành phần phù sa, bao gồm các hạt mịn lơ lửng và các hạt lớn di đáy xuống vùng hạ lưu sông Mê Công từ 150 triệu tấn đến 170 triệu tấn/năm tại Pakse từ những năm 1990 (Kummu and Varis, 2007; Liu et al. 2013), xuống còn khoảng 75% – 95% nếu lần lượt 11 đập chính và khoảng 71 đập trên dòng nhánh được xây dựng, cộng thêm 6 đập nước đã có ở Trung Quốc vận hành (ICEM, 2010). Việc thiếu hụt này đã “góp phần” không nhỏ trong việc gia tăng tình trạng lún sụt và sạt lở ở hầu hết các sông rạch và bờ biển khắp đồng bằng (MRC, 2010). Bên cạnh đó, các đập thủy điện cũng ngăn cản sự di cư của các loài cá, qua đó làm sụt giảm nguồn thủy sản tự nhiên ở các quốc gia phía hạ lưu, đồng thời gia tăng tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở các quốc gia này mỗi khi mùa khô đến. Trong khi đó, nếu như thủy điện tác động tới nguồn nước, phù sa và lượng thủy sản tự nhiên ở ĐBSCL thì các dự án nhiệt điện than lại “bao vây” khu vực này bằng nhiều mối nguy về môi trường, kinh tế và xã hội.
ĐBSCL trước nguy cơ từ nhiệt điện than
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia điều chỉnh giai đoạn 2011-2020 xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, từ nay đến năm 2030, một loạt các nhà nhiệt điện than sẽ được xây dựng ở ĐBSCL. Dọc theo tuyến sông Hậu từ thành phố Cần Thơ xuống Hậu Giang và ra đến cửa biển giữa hai tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh hiện nay đã và đang hình thành khoảng 15 nhà máy nhiệt điện (Hình 1). Bên cạnh đó, ở Cà Mau còn có 2 dự án nhiệt điện (Cà Mau I và Cà Mau II) nằm trong tổ hợp khí – điện – đạm với công suất ước tính 750 MW đối với mỗi nhà máy khi đốt khí và 669,8 MW khi đốt dầu DO. Với quy mô phát triển công nghiệp năng lượng như vậy, từ nay đến năm 2030, ĐBSCL sẽ trở thành một trong những khu vực có mật độ nhiệt điện cao so với cả nước. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là trên 95% nguồn than cho các nhà máy nhiệt điện trong tương lai ở ĐBSCL sẽ phải nhập khẩu vì nguồn than trong nước đã cạn và không còn ưu thế khai thác thương mại khi phải vận chuyển từ Quảng Ninh xa xôi đến vùng châu thổ phía nam.
Thực tế cho thấy nếu trên 50%[2] nguồn năng lượng cung ứng cho một hệ thống điện quốc gia phải nhập từ bên ngoài thì rủi ro sẽ vô cùng lớn. Một khi nguồn cung ấy gặp sự cố hoặc chịu tác động từ thiên tai, tai nạn, xung đột vũ trang, phá hoại, thay đổi chính sách hoặc đình công ở các mỏ than thì an ninh năng lượng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Bên cạnh đó, việc vận chuyển than từ một đất nước xa xôi đến nơi đặt nhà máy, chủ yếu bằng đường biển, cũng tiềm ẩn rất nhiều hệ lụy về môi trường, an ninh xã hội và kinh tế. Ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn và tồn đọng tro xỉ từ việc vận hành các nhà máy nhiệt điện than có thể gây nên những bức xúc trong cộng đồng địa phương và gieo mầm mống cho những cuộc phản kháng, biểu tình, chống đối…, tạo bất ổn lâu dài về mặt an ninh xã hội.
Chưa hết, việc phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ, thiết bị từ Trung Quốc cũng là một trở ngại đáng lưu tâm một khi đối tác láng giềng tăng giá đột ngột hoặc ngưng cung cấp thiết bị thay thế đối với các nhà máy nhiệt điện than. Mặt khác, kế hoạch xây mới các nhà máy nhiệt điện cũng có thể làm giảm tính cạnh tranh trong phát triển kinh tế, hoạt động du lịch và bảo tồn các giá trị văn hóa tại địa phương nơi có dự án.
Ngoài ra, một điểm cũng đáng quan ngại không kém là lượng tro xỉ tồn đọng. Hàng năm, các nhà máy điện than trong cả nước thải ra 16 triệu tấn tro xỉ và dự kiến đến năm 2030 con số này sẽ tăng lên mức 38 triệu tấn mỗi năm. Nếu không có biện pháp xử lý, tổng lượng tro xỉ tích lũy sẽ lên tới 423 triệu tấn (Tổng cục Môi trường, 2017), ước tính bao phủ khoảng 65 km2. Điều này đồng nghĩa với việc từ nay đến năm 2030, trung bình mỗi năm Việt Nam cần tới 5 km2 diện tích đất để chứa tro xỉ than, tương đương diện tích của một xã đồng bằng Bắc Bộ. Xỉ than chứa nhiều kim loại nặng như Cd, chì, thủy ngân, asen. Trong nhiều trường hợp bãi thải xỉ hoặc hồ thải xỉ không được chống thấm tốt, các chất độc hại sẽ ngấm xuống mạch nước ngầm gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sinh kế và sức khỏe của người dân xung quanh nhà máy (Minh Ha Duong et al., 2016). Dưới đây là minh họa tổng hợp từ các báo cáo liên quan đến nhà máy nhiệt điện than ở Ấn Độ (Mishra, 2004; Moti et al., 2012) cho số liệu đầu vào và đầu ra của một nhà máy có công suất lắp đặt trung bình 1.000 MW (Hình 2).
Song song với việc thừa mứa tro xỉ từ nhiệt điện than, vấn đề gia tăng khói bụi, khí thải dạng SOx, NOx từ quá trình vận hành nhà máy nhiệt điện cũng rất đáng lo ngại. Những khí thải này khi phát tán vào không khí sẽ bị oxy hóa và trong trường hợp có độ ẩm cao, sương mù và mưa rơi sẽ tạo nên trận mưa axit xuống đồng ruộng, ao, hồ, gây ảnh hưởng xấu đến cây trồng, các loài thủy sản, hệ sinh thái cũng như ăn mòn vật liệu kim loại và các công trình xây dựng kiến trúc, tượng đài… Đặc biệt, vào mùa mưa, gió mùa Tây Nam sẽ đưa các đám khói bụi từ khu vực nhà máy nhiệt điện Cần Thơ, Hậu Giang đến các vùng ven biển Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang… và ngược lại, khi có gió chướng, các khối không khí sẽ mang khói bụi từ các nhà máy nhiệt điện Trà Vinh, Sóc Trăng đưa sâu vào đất liền. Khói bụi nhà máy than ven biển sẽ đe dọa các sân chim, rừng ngập mặn, ruộng muối và tiềm năng du lịch sinh thái của cả khu vực.
Về mặt sinh kế, người dân tại các khu nhiệt điện than không chỉ bị mất đất sản xuất và nơi cư trú mà còn phải di dời vào các vùng tập trung chật hẹp và khó sống khác. Nhiều nơi, chi phí đền bù đất đai, hoa màu, nhà cửa rất thấp, không thể tái tạo khả năng sản xuất và điều kiện sống cho người dân bị ảnh hưởng. Lời hứa tạo thêm công ăn việc làm cũng chủ yếu là những công việc lao động mang tính thời vụ ở công trường xây dựng và không có bảo hiểm sức khỏe, xã hội. Một số nơi xa hơn, các nghề truyền thống của người dân địa phương như làm muối, chế biến nông hải sản, nuôi tôm cá, dịch vụ nông thôn cũng điêu đứng vì hoạt động xả thải của nhà máy. Trong khi đó, một số nhà máy nhiệt điện than lại hợp đồng với các công ty Trung Quốc để sử dụng lao động từ Trung Quốc, tạo nên những nguy cơ tiềm ẩn về an ninh khác. Tóm lại, việc đóng góp thêm cho ngân sách địa phương không thể nào bù được những mất mát về sinh kế và tổn hại sức khỏe của cộng đồng địa phương.
Thêm điểm đáng lưu ý khác là ĐBSCL tuy có lợi thế của vùng trọng điểm phát triển kinh tế, song đây lại là vùng kinh tế “ít sử dụng điện” vì chủ yếu tập trung sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản lớn, do đó, việc tiêu thụ điện ở hai lĩnh vực này không cao so với các ngành công nghiệp khác. Việc truyền tải điện từ các nhà máy nhiệt điện ở ĐBSCL đến các nơi tiêu thụ điện cao như ở miền Đông Nam Bộ chẳng hạn sẽ làm gia tăng tổn thất trên đường dẫn và chi phí lắp đặt, bảo dưỡng hệ thống truyền tải, phân phối.
Do những áp lực phải gia tăng hiệu suất phát điện, tiết kiệm chi phí nhiên liệu và giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường, các nhà đầu tư và cung cấp tài chính cho nhiệt điện than đã đưa ra các giải pháp công nghệ mới gọi là than sạch và ứng dụng các thiết bị xử lý môi trường khử bụi, khử S02, NOx… Một số công nghệ về nhiệt điện than đã được đề xuất và áp dụng như đốt than tầng sôi tuần hoàn, đốt than tầng sôi áp lực, khí hóa than. CHLB Đức còn có công nghệ chôn carbon từ nhà máy nhiện điện than xuống sâu trong lòng đất. Các chất thải khác như tro xỉ được đề xuất làm thành chất phụ gia trong sản xuất xi măng, bê tông, vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, hầu hết các công nghệ này đều rất đắt đỏ, phức tạp và khó thương mại hiệu quả. Một báo cáo nghiên cứu mới nhất của Kiko Network (2016) về công nghệ tích hợp khí (IGCC) đã chỉ ra công nghệ hiện đại nhất này không thể giúp giảm phát thải triệt để và chi phí của nó quá đắt. Ngoài ra, để áp dụng những công nghệ này, khi tăng nhiệt độ và áp suất, lò hơi phải sử dụng kim loại chịu nhiệt đặc biệt có chi phí cao. Thực tế, khả năng gây ô nhiễm dù có giảm thiểu nhưng nguy cơ vẫn cao và không thể khắc phục hoàn toàn. Ngoài ra, khi áp dụng những công nghệ mới, chi phí đầu tư sản xuất điện tăng gấp bội trong khi các nhà máy chưa nhận được ưu đãi từ Chính phủ.
Triển vọng phát triển năng lượng tái tạo
Trong khi công nghệ vẫn còn là một trở ngại lớn về vấn đề kinh phí thì nhiều ý kiến cho rằng nên phát triển các nguồn năng lượng tái tạo thay vì tập trung đổi mới công nghệ. Dù vậy, nhiều người vẫn ái ngại và cho rằng giá thành điện từ năng lượng tái tạo không thể rẻ hơn điện than. Thực tế giá điện gió hiện hành là 7,8 US$ US$ cent/kWh, điện mặt trời quy mô lớn hiện nay là 11,2 US$ cent/kWh và điện mặt trời lắp trên mái nhà là 15 US$ cent/kWh (theo đề xuất của Bộ Công Thương trình Chính phủ, 2017). Tuy nhiên, ở một số quốc gia khác, nhờ chính sách đầu tư hiệu quả vào năng lượng tái tạo nên giá điện “xanh” đang rẻ dần hơn rất nhiều. Năm 2015, Công ty điện Enel Green đã ký một hợp đồng bán điện mặt trời cho Mexico với giá 3,6 US$ cent/kWh và 3 US$ cent/kWh ở Morroco. Tại Dubai (John, 2016), giá điện mặt trời chỉ còn 2,99 US$ cent/kWh. Nếu so với giá điện mặt trời năm 2014 ở Mỹ là 5 US US$ cent/kWh thì chỉ sau 16 tháng, dự án điện 800 MW ở Dubai năm 2015 đã làm giá điện mặt trời ở đây giảm xuống 50%. Nếu đưa giá xã hội liên quan đến carbon vào và so sánh lợi ích khi giảm thiểu sự phát thải khí nhà kính và các phí tổn phải trả trong tương lai theo tính toán của Sundqvist và Soderholm (2002) thì giá điện than trung bình có thể lên đến 18,75 US$ cent/kWh trong khi điện gió giảm còn 0,41 US$ cent/kWh và điện mặt trời là 1,12 US$ cent/kWh.
ĐBSCL vốn nằm cận kề vùng xích đạo của trái đất, là nơi có khí hậu gió mùa, nóng và ẩm, có hai mùa rõ rệt là mùa mưa kéo dài trung bình 5 tháng và mùa khô là bảy tháng còn lại. Mỗi năm, vùng Đồng bằng nhận trung bình 2.200 – 2.500 giờ nắng với năng lượng bức xạ mặt trời trung bình từ 4,3 – 4,9 kWh/m2/ngày – đây là tiềm năng rất tốt cho việc khai thác năng lượng ánh sáng (CIEMAT and MoIT, 2015). Nguồn chiếu sáng này rất ổn định ở mức hơn 90% số ngày trong năm đều nhận được ánh sáng mặt trời đủ mạnh để vận hành các tấm thu năng lượng mặt trời. Đáng chú ý là ĐBSCL thuộc khu vực bán đảo thấp và phẳng, giáp biển cả về phía Đông, phía Nam và phía Tây Nam với đường bờ biển và các hải đảo có tổng chiều dài xấp xỉ 700 km và vùng đặc quyền kinh tế biển rộng 360.000 km2, gấp 10 lần diện tích đất liền nội địa. Do đó, với những thuận lợi về mặt địa hình và với điều kiện gió biển ven bờ mạnh khoảng 5,5 – 6,0 m/s ở độ cao 80 m (chiều cao các cột điện gió hiện đã lắp đặt ở Bạc Liêu), tiềm năng khai thác năng lượng gió ven bờ biển có thể đạt từ 1.200 – 1.500 MW. Năng lượng sóng biển, năng lượng thủy triều, năng lượng sinh khối cũng đều rất dồi dào ở ĐBSCL nhưng tiếc là chưa có nhiều điều kiện đầu tư khai thác.
Thêm bằng chứng khẳng định tính đúng đắn khi phát triển các dự án năng lượng tái tạo tại ĐBSCL là các mô hình toán học phỏng đoán biến đổi khí hậu theo các kịch bản phát thải khí nhà kính khác nhau đều dẫn đến kết luận là bức xạ mặt trời và nhiệt độ không khí gia tăng trung bình gần 2°C trong khoảng 1-2 thập niên tới. Mô hình PRECIS cho vùng ĐBSCL (Tuan and Supparkorn, 2010) khẳng định mùa nắng dự đoán sẽ kéo dài hơn vào khoảng 2 tuần lễ, nghĩa là mùa khô trong năm có thể là 7,5 tháng. Số ngày có nhiệt độ nóng trên 35°C tăng từ 150 – 180 ngày/năm như hiện nay có thể lên tới 180 – 210 ngày/năm. Tốc độ gió của các tháng trong năm từ 2020 – 2050 trung bình sẽ tăng từ 10 – 20% so với hiện nay. Năng lượng sóng biển cũng gia tăng tương ứng với mức gia tăng tốc độ gió. Như vậy, nếu đầu tư xây dựng các nhà máy điện gió gần bờ và cả xa bờ, nguồn cung ứng động lực cho các tua-bin gió ngày càng dồi dào.
Minh chứng gần đây nhất cho ưu thế phát triển năng lượng tái tạo là tỉnh Bạc Liêu đã đề xuất hủy bỏ dự án Nhiệt điện Cái Cùng trên địa bàn tỉnh ra khỏi Quy hoạch điện VII và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý (Văn Minh, 2016). Trong khi đó, tại Bến Tre, tháng 7/2017, UBND tỉnh cũng công bố và trao quyết định chủ trương đầu tư cho 7 dự án điện gió trên địa bàn (Trung Chánh, 2017). Ở Sóc Trăng, ngày 31/01/2018 cũng diễn ra lễ khởi công xây dựng Dự án Nhà máy điện gió đầu tiên tại địa bàn ấp Preychop, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu (NangLuongVietnam, 2018) và cuối tháng 12/2017, Công ty First Solar (Hoa Kỳ) tiến hành tái khởi động Dự án sản xuất pin năng lượng mặt trời tại KCN Đông Nam, TP. Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư của công ty này tại Việt Nam lên đến 1,2 tỷ USD vốn cam kết đầu tư, tăng thêm 360 triệu USD cho nhà máy thứ hai. Điều này chứng tỏ tiềm năng khai thác năng lượng mặt trời cho khu vực phía Nam rất lớn mà chúng ta cần tận dụng và khai thác triệt để.
Nghị quyết 120/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ (2017) về “Phát triển bền vững Đồng Bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu” vừa mới ban hành đã yêu cầu ĐBSCL tận dụng các cơ hội để phát triển kinh tế các-bon thấp, kinh tế xanh, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên. Nguy cơ ô nhiễm môi trường sống do các nhà nhà máy nhiệt điện than trong tương lai ở ĐBSCL là rất rõ ràng, quá trình đốt than sẽ góp phần gia tăng hiện tượng nóng lên toàn cầu, đi ngược lại cam kết giảm thiểu phát thải khí nhà kính của Việt Nam ở Hội nghị COP21 Paris. Trong khi đó tiềm năng dồi dào của năng lượng tái tạo sẽ bị lãng phí nếu chúng ta bỏ qua như một trong các giải pháp thay thế khôn ngoan cho các nguồn năng lượng bẩn, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa tạo động lực phát triển “thuận thiên” và “không hối tiếc” về sau.
Tài liệu tham khảo:
1. CIEMAT and MoIT (2015). Maps of Solar Resource and Potential in Vietnam. Ha Noi: CIEMAT, CENER & IDAE with support from AECER in collaboration with GDE/MoIT. Nguồn: http://bit.ly/btcs521
2. ICEM (International Centre for Environmental Management). 2010. MRC Strategic Environmental Assessment (SEA) of hydropower on the Mê Công mainstream. Vientiane, Mekong River Commission, Hanoi, Viet Nam.
3. John F. W. (2016). The price of solar power just fell 50% in 16 months – Dubai at $.0299/kWh. Nguồn: http://bit.ly/btcs522
4. Kiko Network Paper (2016). Universal failure: How IGCC coal plants waste money and emissions. Nguồn: http://bit.ly/btcs523
5. Kummu, M. and Varis, O. (2007). Sediment-related impacts due to upstream reservoir trapping, the Lower Mekong River. Geomorphology 85(3-4): 275-293.
6. Liu, C., He, Y., Walling, E., & Wang, J. (2013). Changes in the sediment load of the Lancang-Mekong River over the period 1965–2003. Science China Technological Sciences, 1-10.
7. Le Anh Tuan (2010). Water environmental problems in the Mekong River Delta in Vietnam. Report in the 8th UNU & GIST Join Program Symposium: “Environmental Issues of the Mekong River”, Oct. 11 – 13, 2010, Gwangju, Korea.
8. Le Anh Tuan and Suppakorn Chinvanno (2011). Climate Change in the Mekong River Delta and Key Concerns on Future Climate Threats, in Chapter in: Mart A. Stewart and Peter A. Coclanis (Eds.), Environmental Change and Agricultural Sustainability in the Mekong Delta, Advances in Global Change Research, 45(3): 207-217, DOI: 10.1007/978-94-007-0934-8_12
9. Lê Anh Tuấn (2016). ĐBSCL quá tải nhiệt điện, nguy cơ ô nhiễm cao. Thời Báo Kinh tế Saigon, số ngày 9/8/2016. Xem thêm tại: http://bit.ly/btcs524
10. Lê Anh Tuấn (2017). Lựa chọn cho phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam. Báo cáo tại Tuần lễ Năng lượng Tái tạo Việt Nam Năm 2017.
11. Minh Ha-Duong, An Ha Truong, Nam Nguyen, Hoang Anh Trinh Nguyen (2016). Synthesis Report on Socio-environmental Impacts of Coal and Coal-fired Power Plants in Vietnam. Clean Energy and Sustainable Development lab report, Hanoi. Xem thêm tại: http://bit.ly/btcs525
12. MRC (Mekong River Commission) (2010). State of the Basin Report 2010. Vientiane, Lao PDR, Mekong River Commission.
13. NangLuongVietNam (2018). Khởi công dự án điện gió đầu tiên tại Sóc Trăng. Xem thêm tại: http://bit.ly/btcs526
14. Sundqvist, T., and P. Soderholm (2002). Valuing the environmental impacts of electricity Generation: A critical Survey. Journal of Energy Literature 8(2): 3–41.
15. Thủ tướng Chính phủ (2016). Quyết định Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2013. Quyết định số 428-QĐ-TTg ký ngày 18/3/2016.
16. Thủ tướng Chính phủ (2017). Nghị quyết Về Phát triển Bền vững Đồng Bằng Sông Cửu Long Thích ứng với Biến đổi Khí hậu. Nghị quyết số 120/NQ-CP ký ngày 17/11/2017.
17. Trung Chánh (2017). Bến Tre thu hút 7 dự án điện gió. Thời báo Kinh tế Saigon. Xem thêm tại: http://bit.ly/btcs527
18. Văn Minh (2016). Bạc Liêu chọn nuôi tôm, bỏ nhiệt điện để giữ môi trường biển. Xem thêm tại: http://bit.ly/btcs528
[2] Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, năm 2030, điện năng sản xuất và nhập khẩu khoảng 572 tỷ kWh, trong đó nhiệt điện than chiếm khoảng 53,2%
PSG.TS. Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Đại học Cần Thơ