Trong những năm qua, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội luôn làm tốt việc nuôi dưỡng, chăm sóc và điều trị bệnh cho động vật hoang dã trong điều kiện nuôi nhốt, nuôi bán tự nhiên… với mục tiêu phục hồi sức khỏe, phân loại để cứu hộ, nuôi dưỡng và bảo đảm động vật hoang dã sinh trưởng tốt.
Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết nắng nóng, khí hậu diễn biến bất thường như hiện nay, công tác chăm sóc động vật hoang dã càng đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng và trách nhiệm cao nhất của tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội…
Nằm trên địa bàn xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn), Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập từ năm 1996 (theo Quyết định 2031/QĐ-UBND ngày 13-6-1996 và được tổ chức lại tại Quyết định 4018/QĐ-UBND ngày 28-6-2013 của UBND TP Hà Nội).
Đây là đơn vị đầu tiên và duy nhất trong cả nước được Nhà nước thành lập thực hiện chức năng cứu hộ, bảo tồn, nhân nuôi sinh sản, tổ chức nghiên cứu khoa học, phục vụ tham quan, học tập; quan hệ trong nước và quốc tế về nghiên cứu, bảo tồn, trao đổi, cung cấp động vật hoang dã các thế hệ sau (F2)…
Những loài động vật hoang dã chỉ quen sống trong rừng với môi trường tự nhiên, nếu bị nhốt trong tường kín sẽ rất khó thích nghi. Việc nắm bắt tập tính, môi trường sống đặc thù của từng loài động vật hoang dã đóng vai trò quan trọng khi xây dựng phương pháp chăm sóc, nuôi nhốt sao cho gần gũi với thiên nhiên.
Hằng ngày, nhân viên Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội đều phải vệ sinh chuồng trại, kiểm tra sức khỏe, cung cấp thức ăn đầy đủ theo nhu cầu của từng loài… Với 9 công nhân chăm sóc cho 39 loài động vật hoang dã ở 20 chuồng trại trên quy mô gần 1ha là lượng công việc không đơn giản. Ngoài bữa ăn định kỳ trong ngày, nếu con vật có sự cố về sức khỏe thì cán bộ kỹ thuật và công nhân chăm sóc hầu như không được nghỉ ngơi…
Chị Trịnh Thị Thu Hằng, Phòng Kỹ thuật Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội chia sẻ: “Động vật hoang dã có tập tính rất đặc thù nên việc chăm sóc chúng trong môi trường nuôi nhốt càng cần được chú trọng để bảo đảm sức khỏe và duy trì tập tính của từng loài. Đối với những loài động vật đã nuôi nhốt nhiều năm, công tác chăm sóc đã cầu kỳ, vất vả thì đối với các loại động vật hoang dã là tang vật của các vụ án buôn bán trái phép được cơ quan chức năng thu hồi, đưa về trung tâm tạm thời tiếp nhận thì nhân viên chăm sóc còn phải vất vả hơn nhiều”.
Mỗi loài có cách chăm sóc riêng, không loài nào giống loài nào, thậm chí, có con phải cho uống sữa vì hệ tiêu hóa còn non nớt, chưa thể ăn lá cây hoặc các loại thức ăn khác. Theo chị Hằng, ngoài chế độ dinh dưỡng được tính toán tỉ mỉ, việc vệ sinh và chăm sóc sức khỏe cho động vật hoang dã trong trung tâm cũng được đặt ra chặt chẽ, đơn cử như thức ăn, nước uống phải thật sạch sẽ và động vật phải được tắm rửa thường xuyên…
Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng cho biết, đơn vị luôn nêu cao trách nhiệm trong việc duy trì nghiêm túc công tác vệ sinh, phòng dịch; bảo đảm tuyệt đối an toàn cho đàn động vật hoang dã đang cứu hộ, bảo tồn. Cán bộ, kỹ thuật chăm nuôi động vật phải thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh, phòng trị dịch bệnh trong quá trình cứu hộ động vật hoang dã, như: Thả, chuyển giao, cung cấp động vật hoang dã các thế hệ sau (F2).
Ngoài ra, thực hiện nghiêm túc quy trình kỹ thuật cứu hộ; duy trì tốt khẩu phần ăn cho động vật hoang dã; bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Cụ thể, từ đầu năm tới nay, đơn vị đã làm tốt công tác phòng bệnh cho 29 lượt cá thể chim các loại, tổ chức điều trị bệnh 7 đợt cho 12 lượt cá thể (hổ, gấu, khỉ…) bị mắc các bệnh viêm đường tiêu hóa, viêm đường hô hấp, tổn thương da…
Trong điều kiện nắng nóng bất thường, trung tâm phải đặc biệt quan tâm chống nóng cho động vật hoang dã nuôi nhốt như: Che phủ mái chuồng bằng lưới đen chống nắng, lắp đặt hệ thống phun sương, tạo độ ẩm, làm mát không khí chuồng nuôi…