Trong bối cảnh thế giới vẫn tiếp tục phải đối mặt với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, hội nghị Bộ trưởng Năng lượng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) bế mạc ngày 15/6 tại Argentina với cam kết thúc đẩy tiếp cận năng lượng một cách rộng rãi, thông qua một hệ thống năng lượng linh hoạt, minh bạch và sạch hơn.
Cuộc họp cấp bộ trưởng lần này là cơ hội đầu tiên để các nền kinh tế G20 tìm cách giảm bớt bất đồng trong các vấn đề liên quan, khi mà biến đổi khí hậu và sử dụng nhiên liệu hóa thạch là chủ đề gây tranh cãi chính dẫn tới việc G20 không thể đạt đồng thuận tại Hội nghị thượng đỉnh năm 2017.
Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức tháng Bảy năm ngoái đã “bất đắc dĩ” ghi nhận một thực tế rằng nước Mỹ từ bỏ Hiệp định Paris về cắt giảm khí thải.
Mặc dù 19 thành viên còn lại trong G20 bảo vệ thỏa thuận Paris, song Tổng thống Mỹ Donald Trump khăng khăng ủng hộ ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, đồng nghĩa Mỹ sẽ tiếp tục thực thi chính sách năng lượng dựa vào than đá, dầu mỏ và xuất khẩu khí đốt từ đá phiến – chính sách đi ngược lại mục tiêu của Liên hợp quốc về phát triển kinh tế đồng thời với giảm dần mức phát thải công nghiệp.
Trong khi đó, các nền kinh tế G20, chiếm khoảng 85% GDP toàn cầu và tiêu thụ 77% nguồn năng lượng của thế giới, đang phải “chịu trách nhiệm” đối với 80% khí thải CO2 liên quan đến năng lượng.
Theo Viện phát triển hải ngoại London (ODI), tổng trợ cấp nhiên liệu hóa thạch của nhóm G20 lên tới trên 450 tỷ USD một năm.
Báo cáo trên cho biết số tiền G20 – trong đó có Australia, Brazil, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ hỗ trợ khai thác nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ cao gấp 4 lần con số thế giới hỗ trợ phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió hay điện mặt trời.
Không phải ngẫu nhiên chính phủ các thành viên G20 từng bị chỉ trích “đang trả tiền cho doanh nghiệp làm xói mòn chính sách chống biến đổi khí hậu.”
Quả thực, nhiệm vụ hạn chế những hậu quả nặng nề của biến đối khí hậu và thích nghi với những thay đổi của môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững là một trong những thách thức lớn của thế kỷ 21, trong đó vấn đề năng lượng đóng một vai trò hết sức quan trọng khi mà sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch, một trong những tác nhân chính gây ra tình trạng biến đổi khí hậu, vẫn là chủ đạo.
Mặc dù rất nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay có chính sách năng lượng sạch, thế giới vẫn dựa vào dầu mỏ, khí đốt và than, những loại nhiên liệu hóa thạch mà các chuyên gia về khí hậu tin rằng sẽ có “những tác động nghiêm trọng, bao trùm và không thể đảo ngược cho con người và hệ sinh thái” nếu tiếp tục sử dụng chúng.
Trong 40 năm qua, tỷ lệ nhiên liệu hóa thạch vẫn duy trì ở mức khoảng 80% năng lượng con người sử dụng.
Các chuyên gia khẳng định để có thể thành công trong việc giảm thiểu sự nóng lên của Trái Đất, các nước trên thế giới phải cấp thiết tìm giải pháp sử dụng năng lượng một cách hiệu quả hơn, thay thế năng lượng hóa thạch truyền thống bằng các nguồn năng lượng tái tạo, có lợi cho môi trường.
Trên tinh thần đó, những quyết sách liên quan đến trợ giá và ưu đãi thuế sẽ mang tính bước ngoặt để thúc đẩy sản xuất năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và gió.
Hội nghị G20 lần này cũng đề cập tới những giải pháp nhằm giảm thiểu chính sách trợ giá đối với các loại nhiên liệu hóa thạch, song chưa tìm ra giải pháp để phát triển năng lượng tái tạo bền vững.
Trong những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư đã quyết định giảm nguồn vốn phục vụ các hoạt động liên quan tới nhiên liệu hóa thạch.
Quyết định này ngoài việc thể hiện ý nghĩa trách nhiệm còn liên quan tới khía cạnh thương mại của nguồn đầu tư đó bởi vì nhiều nước đã tham gia cam kết quốc tế về việc tuân thủ lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính có thể thải ra môi trường nhằm giới hạn việc Trái Đất nóng lên ở mức 2 độ C vào cuối thế kỷ này.
Chính vì vậy, thế kỷ 21 với chiến lược phát triển bền vững trên toàn cầu, đặc biệt là thời kỳ phát triển “năng lượng xanh” đã bắt đầu chứng kiến những công nghệ mới để sản xuất điện, nhiên liệu sạch hơn, trong đó có sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo vô tận trong tự nhiên.
Bản thân các nền kinh tế G20 cũng tham gia sâu rộng hơn vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu thông qua các chính sách năng lượng trong nước và đây được coi là một dấu mốc ngoại giao quan trọng sau nhiều năm bất đồng giữa các quốc gia phát triển và các quốc gia đang phát triển xung quanh vấn đề mang tính toàn cầu này.
Theo kết quả nghiên cứu của tổ chức Climate Transparency (CT) công bố cuối năm ngoái, việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo đang ngày càng trở nên phổ biến hơn tại 15 thành viên G20, nhờ đó mức khí thải bình quân đầu người ở nhiều nền kinh tế thành viên, như Australia, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Nam Phi và Mexico đang có xu hướng giảm dần.
Đầu tư cho năng lượng tái tạo cũng tăng dần với đầu tư toàn cầu trong năm ngoái đã lên tới 333,5 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2016. Trung Quốc là nền kinh tế đi đầu G20 về vấn đề này.
Năm ngoái, Trung Quốc đầu tư 132,6 tỷ USD (trong đó 86,5 tỷ cho năng lượng mặt trời), tăng 24% so với năm 2016. Mỹ, bất chấp chính sách thúc đẩy khai thác nhiên liệu hóa thách, cũng chi 56,9 tỷ USD đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo trong năm ngoái, tăng 1% so với năm 2016.
EU cũng thông qua kế hoạch đầu tư 873 triệu ơrô cho các dự án lớn của khối về cơ sở hạ tầng năng lượng sạch.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng G20 vẫn cần phải hành động nhiều hơn nữa. Mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính bình quân đầu người ở các nền kinh tế thành viên G20 là 11 tấn/người/năm, trong khi để kiểm soát được mức nóng lên toàn cầu thì con số này chỉ được phép dao động từ 1-3 tấn/người/năm vào 2050.
Trên thực tế thì trong 1/4 thế kỷ qua, lượng khí thải nhà kính ở nhóm G20 tăng gần 50%, trong khi mức khí thải bình quân đầu người cũng tăng 18%.
Bên cạnh đó, đầu tư cho năng lượng tái tạo ở các thành viên G20 cũng không đồng đều, ví dụ năm ngoái đầu tư của Đức cho lĩnh vực này giảm 26%. Đây là kết quả của những thay đổi trong chính sách hỗ trợ công đối với các dự án năng lượng tái tạo.
Giải quyết vấn đề năng lượng và khí hậu không phải là một việc dễ dàng, bởi nhu cầu sản xuất và phát triển ngày càng đòi hỏi nguồn cung năng lượng cao hơn hiện tại nhiều lần, trong khi lộ trình giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch còn lắm gập ghềnh, dù các nguồn năng lượng hóa thạch sẽ cạn kiệt trong tương lai và cần được thay thế bằng nguồn năng lượng tái tạo.
Con đường đưa tới những thay đổi rộng rãi hơn mang tính bền vững đối với việc sử dụng năng lượng sạch vẫn được xem là sẽ khó khăn, đòi hỏi sự chung tay và thống nhất hành động của các nước trên thế giới, đặc biệt là những nước lớn có vai trò quan trọng, vì tương lai phát triển bền vững và sự tồn vong của hành tinh chúng ta.