Sức ép bảo vệ chất lượng môi trường tại Vườn quốc gia Bái Tử Long

Vườn quốc gia Bái Tử Long thuộc huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường do lượng khách du lịch tăng cao.

Bên cạnh đó, trình độ dân trí, ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận cộng đồng dân cư còn thấp, cùng với tác động của biến đổi khí hậu mà các biểu hiện chính là sự gia tăng mực nước biển và nhiệt độ của trái đất dẫn đến môi trường biển có nguy cơ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Năm 2018, Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long đặt ra chủ đề công tác năm tập trung vào “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên”, điều đó cho thấy tính cấp thiết của các vấn đề môi trường trong khu vực này.

Vịnh Bái Tử Long là một vùng biển có nhiều đảo, chủ yếu các đảo nằm trọn trong huyện đảo Vân Đồn và có vị trí quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Ninh. Phạm vi quản lý của Vườn quốc gia Bái Tử Long nằm hoàn toàn trên biển bao gồm trên 80 hòn đảo lớn nhỏ thuộc địa giới hành chính 3 xã: Minh Châu, Vạn Yên, Hạ Long thuộc huyện Vân Đồn, với tổng diện tích tự nhiên 15.783 ha, trong đó diện tích rừng 6.125 ha, diện tích biển 9.658 ha. Vườn quốc gia Bái Tử Long nổi tiếng là nơi có thiên nhiên nguyên sơ, nhiều bãi tắm tuyệt đẹp và các khu sinh cảnh đa dạng sinh học khiến nhiều du khách trong và ngoài nước đang ngày càng tìm đến.

Miệng hang luồn Cái Đé (hang có chiều dài trên 300m) trong VQG Bái Tử Long. Ảnh: TTXVN phát

Hệ lụy môi trường 

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch – Tổng cục du lịch, tốc độ tăng trưởng trung bình khách du lịch đến vịnh Bái Tử Long những năm qua đạt 15,34%; tốc độ tăng trưởng bình quân khách có lưu trú là 16,55%, khách tham quan là 13,96%. Số du khách tăng thêm hằng năm kéo theo nhu cầu về dịch vụ, đánh bắt cá, cơ sở lưu trú, hoạt động tàu thuyền… khiến lượng rác thải ra môi trường tự nhiên Vịnh Bái Tử Long cũng ngày càng tăng. Thành phần rác thải chủ yếu là bao bì giấy bánh kẹo, vỏ chai nhựa, bao bì nilon, các loại bao bì nước giải khát, thức ăn thừa. Theo thống kê của Tổ chức Liên minh bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) rác thải nhựa chiếm tới 60 – 80% lượng rác thải thu được trên các khu vực biển, đảo thuộc Vườn quốc gia Bái Tử Long.

Tại xã đảo Minh Châu, thuộc vùng lõi của Vườn quốc gia Bái Tử Long, trong năm 2017 đã đón trên 45.000 lượt khách đến lưu trú. Theo ông Bùi Danh Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Châu, hiện xã không có kinh phí duy trì người thu gom rác thường xuyên. Trên đảo chỉ có 1 lò đốt rác thải sinh hoạt dùng chung cho 2 xã Minh Châu và Quan Lạn nên không xử lý được triệt để vấn nạn rác thải mỗi khi vào mùa du lịch biển.

Có nhiều tác động ảnh hưởng xấu đến môi trường Vườn quốc gia Bái Tử Long đến từ các hoạt động như: đánh bắt hải sản mang tính tận diệt như nổ mìn, kích điện, khai thác các loại hải sản chưa đến tuổi trưởng thành. Hoạt động tham quan, du lịch cũng làm ảnh hưởng đến số lượng, nơi cư trú và sinh sản của một số loài chim sinh sống ở các khu rừng ngập mặn, vùng đất ngập nước ven bờ. Môi trường ven bờ của các đảo thuộc Vườn quốc gia Bái Tử Long đang chịu sự tác động của những nguồn ô nhiễm từ đất liền do chất thải sinh hoạt của du khách vãng lai. Các chất thải rắn từ hoạt động du lịch nếu không được quản lý tốt sẽ làm ô nhiễm môi trường vùng ven bờ.

Cùng hợp tác bảo vệ môi trường 

Phó Giám đốc Vườn quốc gia Bái Tử Long Phan Thanh Nghị cho biết:  “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên” là chủ đề công tác của Ban quản lý Vườn trong năm 2018. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Ban quản lý đã cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và đạt những kết quả quan trọng. Đặc biệt từ đầu năm 2018 đến nay, công tác bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch, các khu vực nuôi trồng thủy sản đã được thực hiện tốt; không có vụ vi phạm các nguồn tài nguyên đất, nước, khoáng sản, tài nguyên rừng, biển trong Vườn quốc gia; các đề tài, dự án liên quan đến công tác bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống đã được triển khai có hiệu quả.

Nhận thức được nguy cơ từ ô nhiễm môi trường đến cảnh quan, môi trường sống của các sinh vật biển cũng như người dân trong Vườn quốc gia Bái Tử Long, Những năm qua Ban quản lý Vườn đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm gìn giữ, bảo tồn môi trường tự nhiên trên địa bàn. Một trong số đó là phương án thí điểm chia sẻ lợi ích trong quản lý, khai thác và phát triển bền vững nguồn nhuyễn thể tự nhiên trên vùng đất ngập nước của Vườn quốc gia vào năm 2014. Theo đó, người dân sinh sống tại khu vực này được phép, chăm sóc, nuôi trồng ốc biển tại các ghềnh đá đi kèm với trách nhiệm bảo vệ môi trường tự nhiên tại vùng đất ngập nước. Đồng thời, Vườn cũng hỗ trợ các thôn, bản giáp gianh với Vườn đầu tư nâng cao năng lực phát triển sản xuất, xây dựng các công trình công cộng và bảo vệ rừng.

Cùng với đó, Vườn quốc gia Bái Tử Long đã hợp tác với một số tổ chức quốc tế triển khai nhiều Dự án như: Bảo tồn rùa biển do IUCN tài trợ; Nâng cao năng lực quản lý do Tổ chức VCF tài trợ; Hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái cộng đồng và giáo dục môi trường tại xã Minh Châu do Tổ chức LMPA tài trợ. Các hoạt động khác được triển khai với sự hợp tác của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF/SGP), Tổ chức tình nguyện bảo tồn sinh viên Nhật Bản (JSCV), Quỹ Môi trường toàn cầu Nhật Bản (JGFE), Hiệp hội Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (VNPPA), Trung tâm Vườn quốc gia (NPC)…

Nhằm thực hiện nghiêm túc và triển khai có hiệu quả chủ để công tác năm về “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên”, Vườn quốc gia Bái Tử Long đã thành lập 1 bộ phận thường trực thực hiện chủ đề này. Đến nay, Vườn đã tổ chức tuyên truyền cho trên 150 lượt phương tiện tàu, thuyền hoạt động về bảo vệ môi trường như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản cho người dân địa phương, khách du lịch có những hoạt động trên địa bàn; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng đặc dụng tại 22 thôn giáp ranh và năm trong ranh giới Vườn quốc gia về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường; tổ chức 2 buổi tuyên truyền, quán triệt thực hiện Kế hoạch số 09/KH-UBND ngày 10/1/2018 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc thực hiện chủ đề công tác năm 2018 về “Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên” trên địa bàn đến toàn thể cán bộ, viên chức và người lao động thông qua các cuộc họp chi bộ, họp giao ban lãnh đạo hàng tháng.

Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học 

Đối với công tác bảo vệ biển, đảo đi kèm với công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Vườn quốc gia Bái Tử Long đã phối hợp với đơn vị tư vấn chỉnh sửa Báo cáo Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch trình UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt. Phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh và các ban, ngành chức năng có liên quan trên địa bàn huyện Vân Đồn, tổ chức tiếp nhận và thả về môi trường tự nhiên 7 loài động vật hoang dã với tổng số 64 cá thể gồm khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ, khỉ mốc, khỉ vàng, rắn hổ mang chúa và 11kg rắn hổ mang trên các đảo thuộc Vườn quốc gia Bái Tử Long.

Bên cạnh đó, nhiều nhiệm vụ, dự án bảo tồn thiên nhiênvà đa dạng sinh học đã được Vườn quốc gia Bái Tử Long thực hiện như: Nghiên cứu giá trị hệ sinh thái Tùng, Áng trong lòng núi đá vôi và núi đất xen kẽ núi đá vôi tại Vườn; phối hợp với Trường Đại học Nha Trang thực hiện đề tài “Bảo tồn nguồn gen loài ốc đĩa”, phối hợp với Viện Nghiên cứu thủy sản Hải Phòng thực hiện đề tài “Bảo tồn nguồn gen loài Hải sâm đen”…

Hạt phó Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Bái Tử Long Nguyễn Hữu Mạnh cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng Kiểm lâm đã phối hợp và tổ chức trên 102 lượt tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng. Chủ yếu tăng cường tuần tra, kiểm soát khu vực Miếu Ranh, Trà Thần, Bà Biếng, Nam Cái Quýt, Lỗ Hố, Mang Khơi. Vì vậy, từ đầu năm đến nay không có vụ vi phạm tài nguyên rừng xảy ra trong Vườn. Ban quản lý cũng phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Quảng Ninh, UBND xã Vạn Yên, UBND xã Minh Châu kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các khu vực trồng thủy sản, xưởng thu mua chế biến sứa biển.

San hô Acropora dưới Vịnh Bái Tử Long. Ảnh: TTXVN

Tuy vậy, công tác bảo vệ biển, đảo cùng với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Bái Tử Long còn gặp không ít khó khăn. Theo ông Nguyễn Hữu Mạnh, toàn bộ số lượng Kiểm lâm viên của Vườn chỉ có 21 người, địa bàn quản hạt hơn 6.000 ha rừng và hơn 9.600 ha biển với 80 đảo nhỏ không thuận tiện giao thông. Phương tiện di chuyển của các cán bộ, Kiểm lâm viên tại đây là 4 chiếc xuồng máy công suất 40 CV, trong khi định mức xăng dầu cấp là không đủ.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến các tác động tiêu cực tới môi trường Vườn quốc gia Bái Tử Long còn phải kể đến yếu tố con người và hoạt động du lịch. Theo ông Nguyễn Thành Sang, Chủ tịch UBND xã đảo Minh Châu, thuộc vùng lõi của Vườn quốc gia, đời sống của cộng đồng dân cư trên đảo còn gặp nhiều khó khăn, thói quen sống dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên như săn bắt động vật, khai thác cây cảnh, cây thuốc… dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học. Bên cạnh đó còn có việc tác động tiêu cực từ hoạt động du lịch như phát triển cơ sở hạ tầng, làm đường, xây dựng bến tàu làm phá vỡ cảnh quan, cùng với các hoạt động của phương tiện vận chuyển và tham quan của du khách cũng tác động tiêu cực đến đời sống động vật hoang dã, rác thải, chất thải gây ô nhiễm môi trường.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Bái Tử Long Phan Thanh Nghị cũng thừa nhận, đến nay công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Vườn quốc gia Bái Tử Long vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như phương tiện, nhiên liệu, trang thiết bị, kinh phí phục vụ công tác bảo tồn còn thiếu thốn. Công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường cho cộng đồng dân cư địa phương chưa được thường xuyên, liên tục, nội dung tuyên truyền chưa phong phú đa dạng. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân địa phương, khách du lịch về bảo vệ môi trường còn hạn chế, mặc dù đã được nhắc nhỏ nhưng một số người dân địa phương, khách du lịch vẫn vứt rác thải ra môi trường. Vẫn còn xảy ra tình trạng khai thác thủy sản nhỏ lẻ trong Vườn như kéo giã, đánh lồng bát quái, khai thác thủy sản trong vùng cấm…

Tác động của du lịch ở vịnh Bái Tử Long đã và đang ảnh hưởng xấu đến môi trường và phát triển bền vững biển đảo tại khu vực. Do đó, cần có giải pháp vừa phát triển du lịch biển đảo bền vững vừa gìn giữ, bảo tồn thiên nhiên và môi trường…