Khống chế sạt lở bằng những công trình, giải pháp không thuận theo tự nhiên đang phản tác dụng, gây sạt lở ở những vị trí liền kề.
Dân Cần Thơ nghe tiếng ầm rồi thấy bờ sông sụp xuống
Sạt lở bờ sông, bờ biển đang là câu chuyện nóng của vùng ĐBSCL. Trong tháng 5 và đầu tháng 6, liên tiếp các vụ sạt lở diễn ra khắp nơi, từ Cà Mau, Hậu Giang, Cần Thơ đến An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… “Sạt lở không phải là câu chuyện mới ở ĐBSCL nhưng với những diễn biến bất thường như vừa qua là hồi chuông cảnh báo cần có giải pháp tổng thể, căn cơ cho vấn đề này”. PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, ĐH Cần Thơ, nhấn mạnh khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.
Sáu nguyên nhân gây sạt lở
Phóng viên: Trong thời gian gần đây, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển ở vùng ĐBSCLdiễn ra rất nghiêm trọng và khó lường. Theo tiến sĩ, đâu là nguyên nhân?
PGS-TS Lê Anh Tuấn: Tình trạng sạt lở ở khu vực ĐBSCL là do từ những nguyên nhân sau. Thứ nhất, trong thời gian qua Trung Quốc đã xây một số đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong đã làm cho lượng phù sa đổ về đồng bằng ngày càng giảm đi. Khi dòng chảy bị đói phù sa thì sẽ ăn vào hai bên bờ làm tình trạng sạt lở tăng lên. Thứ hai, do tốc độ khai thác cát sông gia tăng làm cho dòng chảy thay đổi, dẫn đến sạt lở nhiều hơn. Thứ ba, do nhu cầu về nhà ở tăng, nhiều căn nhà kiên cố được xây cặp bờ sông khiến nhiều rặng cây cặp bờ sông, bờ biển bị khai thác dẫn đến sạt lở. Thứ tư, các phương tiện giao thông thủy sử dụng máy móc động cơ lớn tạo ra sóng khoét dần dần vào bờ sông gây sạt lở. Thứ năm, việc xây đê bao ngăn lũ làm cho dòng chảy bị thu hẹp cũng là một nguyên nhân tạo ra áp lực đối với dòng chảy gây xói lở bờ sông. Nguyên nhân nữa là biến đổi khí hậu làm cho nắng mưa thất thường hơn.
Theo tiến sĩ, cần phải làm gì để khắc phục tình trạng trên?
Để khắc phục tình trạng trên, hiện có một số vấn đề ngoài tầm kiểm soát như xây dựng đập thủy điện của Trung Quốc hay biến đổi khí hậu. Đây là những vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu rồi, mình không quyết được. Đối với trong nước, các địa phương ở ĐBSCL phải xây dựng một bản đồ dự báo chung cho vùng, đánh dấu các điểm đen sạt lở. Thực ra Bộ TN&MT cũng đã có một số bản đồ rồi nhưng cần phải chi tiết hóa và cập nhật thường xuyên hơn nữa để hạn chế cấp phép khai thác cát và điều tiết phương tiện giao thông hoặc việc xây dựng nhà, cầu cảng; lập ra các bảng cảnh báo tại những nơi nguy cơ sạt lở. Cân nhắc sử dụng vật liệu mới thay thế cát trong xây dựng…
Nhiều giải pháp phản tác dụng
Tiến sĩ đánh giá như thế nào về các biện pháp khắc phục sạt lở mà các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã và đang áp dụng trong thời gian qua?
+ Các biện pháp khắc phục sạt lở hiện các tỉnh, thành đang áp dụng chưa có tính bền vững, chỉ giải quyết được những vấn đề phát sinh. Đôi khi chính những giải pháp đó lại phản tác dụng, gây sạt lở ở những vị trí liền kề…
Hiện nay hầu hết tỉnh, thành đều có đề án di dời người dân ra khỏi khu vực sạt lở. Đây là việc làm cần thiết bảo vệ tính mạng, tài sản cho người dân nhưng có nhiều ý kiến cho rằng sẽ rất khó thực hiện được vì phải tìm quỹ đất, việc làm…
+ Đúng vậy, việc di dời người dân ra khỏi khu vực sạt lở rất khó thực hiện được vì quỹ đất, kinh phí rất lớn và việc san lấp làm khu tái định cư lại sử dụng đến cát. Phải đánh giá lại các dự án di dời dân cư ra khỏi khu vực sạt lở.
2.500 tỉ đồng vừa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương hỗ trợ cho các địa phương vùng ĐBSCL xử lý các khu vực sạt lở cấp bách, ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, công trình hạ tầng thiết yếu. |
Các bộ, ngành đã tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển ĐBSCL bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiến sĩ kỳ vọng gì ở nghị quyết mang tính chiến lược cấp vùng này?
+ Đây là nghị quyết mang tính đột phá về tư duy chiến lược cho ĐBSCL và mang tính liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong ứng phó biến đổi khí hậu. Lâu nay mọi người cứ nghĩ đồng bằng sẽ khống chế được sạt lở, biến đổi khí hậu… bằng những công trình kè sông, biển nhưng giải pháp này không thuận theo tự nhiên, dẫn đến tình trạng sạt lở không giảm. Nghị quyết này chọn giải pháp không hối tiếc, nghĩa là không làm công trình quá lớn, nếu lỡ có sai sót thì mình còn có biện pháp khắc phục, sửa chữa. Đặc biệt là những công trình này thuận thiên, nương theo nó để phát triển. Ví dụ, vùng nước mặn không nhất thiết phải xây dựng các công trình dẫn nước ngọt về. Bên cạnh đó, nước mặn cũng là một tài nguyên để khai thác nguồn lợi thủy hải sản. Nhiều nhà kinh tế học đã chứng minh lợi ích từ thủy sản cao hơn lợi ích từ sản xuất lúa rất nhiều.
Xin cám ơn tiến sĩ!
Sạt lở bủa vây
Tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch, bờ biển xảy ra ở hầu hết địa phương vùng ĐBSCL. Toàn vùng hiện có 562 khu vực bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài 786 km, trong đó có 42 khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 148 km. Hiện toàn tỉnh Cà Mau có 27 vị trí sạt lở với tổng chiều dài gần 38 km, trong đó có tám vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở cao với chiều dài 4,9 km. Tại tỉnh Đồng Tháp, tính từ năm 2017 đến nay xảy ra sạt lở hơn 36 km bờ sông. Hiện nay số điểm đang sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao là 66 điểm, tăng 10 điểm so với cùng kỳ. Tại TP Cần Thơ, trong năm tháng đầu năm, trên địa bàn TP xảy ra chín điểm sạt lở với tổng chiều dài 368 m và ước tổng thiệt hại do sạt lở gây ra là 31 tỉ đồng. Hải Dương |