Nên hay không dùng động vật hoang dã mua vui trong rạp xiếc?

Trong thực tế, trước khi Liên minh Châu Á vì động vật (Asia For Animals Coalition – AFA)  có thư gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa Nguyễn Ngọc Thiện kêu gọi cấm dùng động vật hoang dã trong hoạt động biểu diễn thì tại Việt Nam, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này.

Liên minh châu Á vì động vật kêu gọi cấm dùng động vật hoang dã trong hoạt động biểu diễn xiếc.

Người trong cuộc phản đối

Những ngày đầu tháng 6, AFA có thư ngỏ bày tỏ mối quan ngại sâu sắc  tình trạng lạm dụng động vật trong hoạt động biểu diễn xiếc phục vụ mục đích giải trí trên khắp Việt. Tổ chức Động vật Châu Á công bố, gần đây có 19 loài động vật khác nhau đang được sử dụng để biểu diễn tại các rạp xiếc, trong đó có cả những loài được xếp vào mức độ nguy cấp tại nước ta.

AFT đề xuất giới hữu trách Việt Nam tịch thu và chuyển các cá thể động vật được coi là nuôi nhốt bất hợp pháp về các cơ sở cứu hộ uy tín.

Trước kiến nghị của AFA, NSND Tâm Chính – nguyên Giám đốc Rạp xiếc Trung ương –  cho rằng, động thái của AFA là chưa phù hợp với thực tế tại Việt Nam.  Theo NSND Tâm Chính, xiếc thú từ lâu trở thành món ăn tinh thần của nhiều em nhỏ và người dân trong cả nước.

“Từ trước đến nay, các nghệ sĩ xiếc đều chăm sóc chu đáo chứ không phải như cáo buộc của AFA về việc Liên đoàn xiếc Việt Nam lạm dụng và bạo hành động vật khi tập luyện. Mỗi nghệ sĩ chúng tôi luôn xác định, người làm nghệ thuật phải biết yêu mến, nâng niu động vật để từ đó, người và thú phối hợp tốt trong biểu diễn” – NSND Tâm Chính nói.

Trước phản ứng của dư luận về việc nghệ sĩ xiếc đánh đập thú hoang dã trong quá trình huấn luyện, NSND Tâm Chính cho rằng, thực tế người dân dễ nhầm lẫn giữa các đoàn xiếc tư nhân với điều kiện vật chất không đảm bảo…

“Nhiều năm nay, chúng tôi vẫn huấn luyện động vật theo hướng tích cực. Theo đó, một động vật làm đúng lời người huấn luyện sẽ thưởng thức ăn yêu thích của chúng…” – NSND Tâm Chính nói.

Góc nhìn từ chuyên gia bảo tồn voi

Việc sử dụng động vật hoang dã trong nghệ thuật xiếc đến nay còn nhiều luồng ý kiến khác nhau. Để có cái nhìn khách quan, chúng tôi có trao đổi với ông Huỳnh Trung Luân – Giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk, người phụ trách công tác chăm sóc, phát triển đàn voi nhà, bảo tồn voi rừng Tây Nguyên.

Ông Luân giới thiệu, khác với việc huấn luyện voi bằng roi vọt như truyền thống của đồng bào Tây Nguyên trước đây, các nhân viên tại trung tâm huấn luyện voi thực hiện theo hướng tích cực. Theo đó, voi được chăm sóc, huấn luyện theo hiệu lệnh. Theo thời gian, những động tác, cử chỉ của voi sẽ thành thạo theo hiệu lệnh của người chăm sóc.

Về thư ngỏ của AFA đề nghị phía Việt Nam chấm dứt hành động sử dụng động vật hoang dã trong xiếc, ông Luân ủng hộ quan điểm này và lý giải: “Việc sử dụng động vật hoang dã trong thời điểm này đã không còn phù hợp…  Như tại Đắk Lắk, chúng tôi không ủng hộ việc sử dụng voi làm du lịch. Động vật nuôi nhốt trong rạp xiếc hay khai thác làm du lịch…  sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển, khả năng sinh sản…” – ông Luân chia sẻ.

Nguồn: