Tăng trưởng kinh tế, việc làm cho tương lai, hòa bình, an ninh; bình đẳng giới và biến đổi khí hậu là các nội dung chính bàn thảo tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Quebec (Canada). Tìm kiếm sự đồng thuận đối với những nội dung có nhiều khác biệt là không dễ dàng.
Sự đồng thuận ít ỏi
Chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống D.Trump đã làm đảo lộn hàng loạt vấn đề như: Các quy tắc tự do thương mại, biến đổi khí hậu, ngân sách quốc phòng, thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với Nhóm p5+1, và vấn đề Jerusalem…
Được biết, để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ở Canada (8 và 9/6), các nhà tổ chức đã cố gắng hết mức để thể hiện truyền thống đoàn kết trong nhiều năm của Hội nghị cấp cao G7, vốn được coi là lời khẳng định thường niên về liên minh của các cường quốc lớn mạnh nhất phương Tây. Tuy nhiên, lần này thì họ thực sự gặp khó.
Một quan chức Canada (dấu tên) đã thốt lên: “Người Canada đang không biết phải làm gì”, khi phải dành hàng tháng trời để chuẩn bị chương trình nghị sự, mà vẫn chưa có được sự đồng thuận chung từ các nhà lãnh đạo. Các cuộc đàm phán “rời rạc và thiếu trọng tâm”.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho rằng: “Trách nhiệm đảm bảo mọi người dân phải được hưởng lợi từ nền kinh tế toàn cầu” thuộc về các nhà lãnh đạo G7. Tuy nhiên, những mục tiêu này lại cọ sát với chính sách bảo hộ thương mại – “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Mỹ D.Trump.
Một quan chức G7 nói: “Cho đến hiện tại (trước ngày khai mạc), vẫn chưa có gì”, “Việc cư xử tử tế với phụ nữ đúng là tốt, nhưng chỉ vậy thôi sao?” Giới phân tích cho rằng, sự đồng thuận ít ỏi như vậy liệu có tương xứng với tầm cỡ của G7 – 2018 hay không?
Tuy nhiên, cũng theo giới phân tích, có 2 vấn đề có thể đạt được sự đồng thuận đó là: không công nhận quá trình bầu cử của Venezuela và phiên bản mới của “biến đổi khí hậu”. Theo đó, các thành viên G7 có thể buộc phải thừa nhận khái niệm mới mà Mỹ đưa ra đó là: “sức chống chịu về môi trường” hoặc “nâng cao sức chống chịu trước các tác động của biến đổi khí hậu”.
Mâu thuẫn, bất đồng gia tăng
Theo giới quan sát, căng thẳng thương mại giữa Mỹ với các đồng minh châu Âu, Canada là vấn đề bao trùm cả 2 ngày họp (8-9/6) và các cuộc tiếp xúc bên lề hội nghị. Các chủ đề chính bàn thảo trong 2 ngày là: (1) Tăng trưởng kinh tế, (2) Việc làm cho tương lai, (3) Hòa bình, an ninh thế giới, (4) Quyền của phụ nữ, và (5) Biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề tăng thuế nhập khẩu nhôm thép của Mỹ đã làm “nóng” các phiên thảo luận.
Tổng thống Mỹ D.Trump kiên quyết bảo vệ quan điểm và phương thức xử lý các hoạt động thương mại mà ông cho là không công bằng của châu Âu và Canada. Thông qua phát biểu Anh, Pháp, Đức, Canada giữ thái độ cứng rắn còn Nhật Bản, Italy lại có thái độ trung lập.
Các đồng minh châu Âu cùng với Canada đã phản ứng dữ dội và đe dọa có biện pháp đáp trả tương tự. Trước đó, chủ tịch EC, Jean-Claude Juncker cho biết sẽ đưa vụ này ra trước WTO, và cho rằng “việc một nước đơn phương áp đặt các biện pháp của mình, nhất là khi liên quan đến thương mại, là một điều không thể chấp nhận được”.
Tổng thống Pháp Macron còn cho quyết định này là một “sai lầm” và “bất hợp pháp”, nước này sẽ áp thuế đáp trả khoảng 12,8 tỷ USD hàng hóa của Mỹ. Thủ tướng Đức Merkel thì lo lắng có thể dẫn đến “leo thang xung đột, gây tổn hại cho toàn thế giới”.
Giới chức Mỹ cũng đã phải thừa nhận G7 đang bị chia rẽ bởi nhiều vấn đề trong chương trình nghị sự, và kết quả của hội nghị sẽ rất khó đoán định. Được biết sau phiên thứ 2 (9/6) đã hé lộ một tuyên bố chung, theo đó vấn đề mâu thuẫn thương mại được giải quyết bằng cách sẽ đàm phán cắt giảm thuế. Tuy nhiên, trước khi rời Hội nghị ông Trump cho biết ông sẽ không ký vào bản tuyên bố chung nói trên.
Trước đó, quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của ông Trump đã khiến giới chức châu Âu nổi giận và gia tăng căng thẳng ngay trong các cuộc thảo luận về chương trình nghị sự G7. Trước thềm hội nghị ông Trump còn đề nghị để Nga trở lại diễn đàn G7, nhưng 6 nước thành viên còn lại đã không đồng tình.
Trên đường từ Quebec đi Singapore, Tổng thống Trump đã viết trên mạng xã hội Twitter rằng, phát biểu của Thủ tướng Canada Trudeau tại cuộc họp báo sau hội nghị là “rất kém cỏi và không thành thật”. Bởi ông Trudeau coi “thuế của Mỹ như một sự xúc phạm” và còn dọa áp mức thuế 270% vào mặt hàng bơ sữa của Mỹ.
Phát biểu với báo giới sau khi bế mạc G7, Thủ tướng Canada thừa nhận giữa các nước trong nhóm và Mỹ vẫn tồn tại nhiều bất đồng. Và Canada sẽ có các biện pháp đáp trả tương ứng việc Mỹ áp thuế đối với sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu của Canada từ ngày 1/7 tới.
Tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu
Ngay từ hồi tháng 4, IMF đưa ra dự báo kinh tế toàn cầu sẽ bắt đầu suy giảm từ năm 2020, bởi rủi ro do chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, căng thẳng chính trị, thương mại leo thang, sản lượng sản xuất thu hẹp, các nền kinh tế lớn có nguy cơ trở lại mức tăng trưởng dưới trung bình, dân số già hóa, năng suất lao động suy giảm và “sự ủng hộ với hội nhập kinh tế toàn cầu ngày càng yếu hơn”.
Nhà kinh tế trưởng của IMF, ông Maurice Obstfeld nói: “Những phát súng đầu tiên dẫn đến nguy cơ cuộc chiến tranh thương mại đã nổ”, ông nhắc lại cảnh báo của tổ chức này hồi đầu tháng 5 rằng: “trật tự thương mại toàn cầu” đang có nguy cơ bị “phá nát”.
Mặc dù chính sách giảm thuế mới (nội địa) của chính quyền D.Trump được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu và của Mỹ trong ngắn hạn, bởi “cải cách thuế của Mỹ sẽ bắt đầu tác dụng”. Tuy nhiên, IMF cũng cảnh báo rằng những hiệu ứng tích cực này sẽ sớm biến mất.
Trước đó, hồi tháng 1, MB cũng đưa ra dự báo tương tự, cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ bắt đầu suy giảm trong vài năm tới khi các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và EU bắt đầu “lạnh nhạt” với nhau.
Chính sách thuế mà ông Trump đưa ra đã gây mối đe dọa thực sự đối với nền kinh tế EU. Ủy viên đảm trách về các vấn đề kinh tế và tài chính EU Pierre Moscovici nhấn mạnh nguy cơ lớn nhất đối với triển vọng kinh tế lạc quan trên chính là chủ nghĩa bảo hộ.
Trong bản báo cáo 2018 Asian Development Outlook công bố vào tháng 4/2018, ngân hàng này nói kinh tế châu Á có thể đạt tỷ lệ tăng trưởng 6% trong năm 2018 và 5,9% trong năm 2019. Nhưng chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ và nguy cơ leo thang của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vẫn tiềm ẩn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của châu lục.
Như vậy, thương mại tự do góp phần tạo việc làm và thu nhập, giúp giảm một nửa tỷ lệ người nghèo trên thế giới. Để giải quyết bất bình đẳng thương mại, cách tốt nhất là sử dụng các công cụ tài chính hoặc cải cách cơ cấu. Tuy nhiên, G7 đã không đạt được sự đồng thuận, thậm chí chính sách của Mỹ còn kéo thế giới vào vòng xoáy nguy hiểm “chiến tranh thương mại”, khiến sự lo ngại của giới nghiên và dư luận về an ninh toàn cầu là có cơ sở.