Gần đây, người dân thôn Quê Chữ (xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế) phản ánh việc một cánh đồng trồng lúa trên địa bàn thường xuyên có nhiều phương tiện đến khai thác và chở đi một lượng lớn đất sét, khiến mặt ruộng trở nên hoang hóa.
Theo người dân thôn Quê Chữ, cánh đồng này là nơi bà con trồng lúa nước, mỗi năm làm được một vụ, hiệu quả không cao được UBND xã quy hoạch thành vùng nuôi trồng thủy sản. Thế nhưng đã qua hơn 7 năm cải tạo hiện trạng nhiều diện tích trên cánh đồng lại trở nên hoang hóa bởi chỉ thấy xe tải vào múc đất sét đi.
Cũng theo người dân phản ánh, những ngày đầu tháng 6 này, khi thời tiết nắng ráo ngày nào cũng có xe vào lấy đất.
“Họ thăm dò thấy điểm nào có đất sét mới múc, trời mưa đường xấu không chở được, nắng là xe về rầm rập. Tôi cũng không biết họ lấy đất làm chi, cả cánh đồng bị múc đất nên chẳng còn gieo trồng được nữa. Đồng lúa không còn trâu bò cũng chẳng có cỏ mà ăn”- bà Nguyễn Q, một người dân ngán ngẩm cho hay.
Đang đi kiểm tra rừng keo của gia đình, ông Trương Ngọc N. (người dân thôn Quê Chữ) thắc mắc: Tôi làm rẫy ở đây lâu rồi, thấy người ta vào chở đất nhiều năm nay, ngày nhiều có khi đến 7 – 8 chiếc. Nghe nói ruộng được cải tạo lại để làm hồ nuôi tôm, cá nhưng chỉ thấy múc đất sét rồi để lại những vũng sâu. Cả cánh đồng bị cày xới tan hoang sao không thấy ai xử lý hết?
Có mặt tại cánh đồng cùng những người dân thôn Quê Chữ, một cảnh tượng hoang tàn hiện lên với từng khoảnh đất bị đào sâu, có nơi thành ao rộng, có nơi thành đường rãnh dài, hẹp với diện tích khác nhau như bãi chiến trường. Chứng kiến cảnh này người dân không khỏi xót xa. Người dân cho hay dù nhiều lần phản ánh nhưng tình trạng đất bị chở đi vẫn không được xử lý dứt điểm, ruộng lúa xanh tươi ngày nào chỉ còn lại những hố sâu.
Trước đó, vào tháng 4/2018, khi trao đổi với báo chí về tình trạng này, phó chủ tịch UBND xã Lộc Điền Lê Quốc Việt thông tin: Trước đây cánh đồng này là chỗ người dân trồng lúa nước nhưng không hiệu quả nên UBND đã xã xin huyện có quyết định quy hoạch thành vùng nuôi trồng thủy sản với diện tích gần 6ha.
Khi có quyết định quy hoạch, UBND xã Lộc Điền đã cho 3 hộ dân vào thuê cải tạo nuôi trồng thủy sản. Lãnh đạo xã Lộc Điền khẳng định, việc doanh nghiệp vận chuyển đất ra ngoài là không được, UBND xã chỉ cho phép 3 hộ dân thuê cải tạo như dùng xe múc đất đắp bờ để tạo thành hồ nuôi. Đây là địa bàn xã quản lý nhưng do chủ quan nên không nắm tình hình. Tới đây, xã sẽ chỉ đạo vào kiểm tra, giám sát.
Ông Nguyễn Văn Mạnh- chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, UBND Huyện đã có Công văn 1193/UBND-TN ngày 14/4/2018 kiểm tra thông tin theo phản ánh về việc chở khối lượng lớn đất sét ở cánh đồng Phát Lát, xã Lộc Điền ra ngoài.
Qua báo cáo của các đơn vị, UBND huyện Phú Lộc yêu cầu UBND xã Lộc Điền đình chỉ mọi hoạt động tại khu đất đang tiến hành đào hồ nuôi trồng thủy sản thuộc thôn Quê Chữ; đồng thời chủ trì, phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xác minh làm rõ có hay không việc chở khối lượng lớn đất sét ra ngoài ở khu đất nêu trên, báo cáo UBND Huyện trước ngày 18/5/2018.
Công văn cũng giao trách nhiệm cho Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND huyện hướng giải quyết các sự việc liên quan đến khu đất đang tiến hành đào hồ nuôi trồng thủy sản tại thôn Quê Chữ, xã Lộc Điền theo đúng quy định của pháp luật trước ngày 18/5/2018.
Tuy nhiên, kể từ ngày UBND huyện có công văn chỉ đạo xã Lộc Điền đình chỉ mọi hoạt động tại khu đất này thì người dân thôn Quê Chữ vẫn rất bức xúc bởi các xe tải, máy múc vẫn ngang nhiên hoạt động rầm rộ, chở đất ra bên ngoài.
Theo ghi nhận của phóng viên đầu tháng 6/2018 cho thấy, dưới những thửa ruộng đang được “cải tạo” này phương tiện say sưa múc đất đổ đầy các xe tải đưa đi tiêu thụ, chiếc này rời đi thì có chiếc khác đến. Mãi một lúc thấy có người ghi hình thì việc xúc đất tạm dừng, các công nhân nghỉ ngơi tại chỗ.
Trước thực trạng trên, người dân có quyền đặt câu hỏi: Tại sao UBND huyện Phú Lộc đã chỉ đạo đình chỉ mọi hoạt động tại khu đất này nhưng các phương tiện vẫn ngang nhiên múc đất chở ra khỏi ruộng; có hay không sự bao che của các cơ quan quản lý? Thiết nghĩ, các đơn vị liên quan cần đưa ra câu trả lời rõ ràng để người dân biết, tránh gây bức xúc kéo dài trong dư luận địa phương.