Hoạt động quân sự và chính sách ngoại giao của Trung Quốc luôn là mối quan tâm của dư luận và các chính khách, đặc biệt sau khi nước này tuyên bố quân sự hóa xong khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, liệu đây đã phải là mục đích cuối cùng và duy nhất? Bài viết dưới đây của Chuyên gia Elliot Brennan sẽ giải đáp phần nào vấn đề này.
Cho đến thời điểm hiện tại, công cuộc bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa ở biển Biển Đông của giới cầm quyền Bắc Kinh đã gần như hoàn tất. Trung Quốc đã có thể kiểm soát được một trong những tuyến vận tải huyết mạch của thế giới tại khu vực Đông Nam Á, bất chấp quy định luật pháp quốc tế và mối quan ngại của các quốc gia liên quan.
Tuy nhiên, tham vọng của Bắc Kinh không dừng lại ở đó, đích nhắm tiếp đến mà giới cầm quyền nước này đang mưu tính, đó là tuyến động mạch chạy xuyên lục địa Đông Nam Á – sông Mê Kông.
Bắt nguồn từ Trung Quốc với tên gọi Lan Thương, Mê Kông là sợi dây duy nhất nối liền Bắc Kinh với các quốc gia Miến Điện, Thái Lan, Lào, Việt Nam và Campuchia, là nguồn sống của khoảng 60 triệu người dân hai bên bờ.
Việc kiểm soát được cả Biển Đông và Mê Kông sẽ giúp Trung Quốc có thể kẹp chặt toàn bộ lục địa Đông Nam Á. Trong đó, âm mưu của Bắc Kinh đối với các con sông trong khu vực thực chất chính là nửa kia trong chiến lược “cắt lát salami”.
Bằng cách nào ư? Câu trả lời chính là các con đập. Việc kiểm soát dòng chảy Mê Kông bằng các con đập đồng nghĩa với việc Trung Quốc nắm được quyền tiếp cận lương thực, nói cách khác là quyền quyết định sinh kế của hàng chục triệu người thuộc các cộng đồng ven sông hạ nguồn.
Hiện nay, phần lớn công suất lắp đặt của các đập thủy điện trên sông Mê Kông đều thuộc Trung Quốc với hơn 15.000 MW, trong đó, riêng đập Nọa Trát Độ đạt mức 5.850 MW, chưa kể nửa tá các con đập khổng lồ khác đều ở mức trên 1.000 MW.
Cộng gộp lại, các con đập này có thể lưu giữ 23 tỷ mét khối, tương đương 27% dòng chảy thường niên của sông Mê Kông giữa Trung Quốc và Thái Lan. Trong khi đó, các đập khác ở hạ nguồn, công suất phát điện chỉ vài chục hoặc vài trăm MW, không đáng để đem ra so sánh.
Tóm lại, các con đập của Trung Quốc hiện đang điều tiết dòng chảy Mê Kông, nhất là vào mùa khô khi Cao nguyên Tây Tạng đóng góp khoảng 40 đến 70% lượng nước cho con sông.
Tác động đến lương thực và sinh kế trong trường hợp này là rất lớn nhưng sẽ còn tồi tệ hơn nhiều nếu 11 con đập ở phía hạ nguồn được thông qua, trong đó có đến một nửa số dự án được Trung Quốc chống lưng.
Báo cáo gần đây của UNESCO và Viện Môi trường Stockholm cảnh báo lượng phù sa của sông Mê Kông có thể giảm tới 94% một khi các con đập đang đề xuất được chấp thuận xây dựng. Điều này sẽ tác động nghiêm trọng đến sản lượng đánh bắt cá và sức khỏe con sông, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của các cộng đồng hạ nguồn.
Đáng lo ngại hơn cả là những lý do viện dẫn xây dựng đập và những lời hứa hẹn về phát triển điện năng sẽ thúc đẩy kinh tế các nước hạ nguồn trên thực tế chỉ là bánh vẽ. Nhiều dự án sẽ xuất khẩu thẳng năng lượng về Trung Quốc trong khi số khác tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Dự kiến 50 năm tới, nền kinh tế các nước hạ lưu vực Mê Kông sẽ chịu tổn thất ròng 7,3 tỷ đô la, trong đó Việt Nam và Campuchia thiệt hại nặng nhất và cái giá về mặt xã hội cũng khó mà đo đếm.
Hiệu ứng domino từ các con đập
Trong chuyến đi gần đây tới Lào, tôi (Chuyên gia Elliot Brennan) nhận thấy mối quan ngại về việc các con đập Trung Quốc được sử dụng như những đòn bẩy chiến lược. Các đập thượng nguồn chỉ cần xả nước không thông báo trước thì không chỉ cộng đồng mà cả các đập mới xây ở hạ nguồn cũng bị ảnh hưởng. Các đập hạ nguồn sẽ phải lập tức xả nước qua đập tràn, nhẹ nhất thì bị giảm công suất còn tệ hơn sẽ là thảm họa lũ lụt cho các ngôi làng phía dưới hoặc làm hỏng thân đập.
Đã có nhiều đập ở các dòng nhánh Mê Kông không được báo trước khi đập phía trên xả nước. Một trong các đơn vị vận hành một con đập liên doanh ở Lào chia sẻ khi một đập thủy điện thượng nguồn khác do Trung Quốc xây dựng xả nước thì họ họa hoằn lắm hoặc thậm chí không được cảnh báo trước.
Nhiều con đập trong số này do nhà nước sở hữu hoặc liên quan đến các doanh nghiệp châu Âu thì tình hình càng phức tạp khi sự cố xảy ra. Chẳng hạn việc xả nước không báo trước của các đập do Trung Quốc sở hữu ở thượng nguồn có thể được sử dụng để dấy lên làn sóng phản đối công ty mẹ của các đập hạ nguồn. Đây là điều rất đáng lo ngại vì vô tình biến các con đập thành một chuỗi domino mà Trung Quốc ở bậc đầu tiên.
Không chỉ là vấn đề thông báo, đập không có nước hoặc không đủ lượng nước cần thiết trong hồ chứa cũng tác động rất xấu đến nền kinh tế vì không thể cung cấp đủ lượng điện dự kiến. Nguy hiểm hơn, việc các doanh nghiệp Trung Quốc kiểm soát con sông từ phía thượng nguồn khiến các nước hạ Mê Kông phải gánh chịu những đợt hạn hán nghiêm trọng. Tình trạng xâm nhập mặn và sạt lở ở vùng cửa sông Mê Kông tại Việt Nam là minh chứng “sống động”. Đây thực sự là vấn đề nan giải đối với những quốc gia phụ thuộc vào con sông, đặc biệt là khu vực ĐBSCL – nơi sản xuất ra 40% lượng gạo của Việt Nam và là nguồn cung cấp chất đạm rất lớn cho lưu vực.
Dự án mưa nhân tạo với mối nguy nhãn tiền
Dự án được mang tên Thiên Hà nhằm mục tiêu tăng lượng mưa ở Cao nguyên Tây Tạng lên 10 tỷ mét khối nước, tương đương 7% tổng lượng tiêu thụ nước hiện thời của Trung Quốc. Tây Tạng là đầu nguồn của nhiều con sông xuyên biên giới quan trọng như Mê Kông, Brahmaputra, Indus và Salween.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là một phần của Dự án thời tiết nhân tạo tầm cỡ, dự kiến sẽ rải mưa khắp Cao nguyên và vùng lưu vực các dòng sông kể trên. Lượng nước này sau đó được các đập thủy điện của Trung Quốc điều tiết hoặc chuyển dòng vào đại lục.
Tuy nhiên, Chuyên gia Janos Pasztor thuộc Tổ chức Hội đồng Carnegie (Mỹ) nhấn mạnh công nghệ mưa nhân tạo không tạo ra mưa thật sự mà chỉ “chuyển nước từ nơi này sang nơi khác”.
Trung Quốc muốn kiểm soát thời tiết và đảm bảo mưa rơi trong lãnh thổ nhằm tiến tới kiểm soát nguồn nước chảy sang các nước láng giềng. Tham vọng này vô cùng đáng lo ngại bởi khoảng 70% sông hồ nước này hiện đang bị ô nhiễm. Thêm nữa, việc kiểm soát lượng mưa ẩn chứa những vấn đề sâu xa hơn. Khi thuận lợi, nó khuyến khích các nước xây đập thủy điện nhưng trường hợp xấu, hạ nguồn sẽ gánh chịu đại hạn và nước lúc này trở thành thứ “vũ khí” tối thượng.
Núp dưới chiêu bài “khơi thông dòng chảy”
Đập thủy điện và dự án tạo mưa mới chỉ là một vế của phương trình.
Trái với việc ra sức xây đảo trên Biển Đông, Trung Quốc đang bắt tay vào thực hiện Dự án cải thiện luồng giao thông thủy trên sông Mê Kông, bao gồm việc phá hủy đá ngầm, xoáy nước và cả các cồn cát để tạo thành đường vận tải thủy tới Lào, tức xuyên thẳng vào trung tâm lục địa Đông Nam Á.
Các thiệt hại về môi trường và xã hội cùng việc hình thành một tuyến đường cao tốc mới tạo điều kiện cho việc xuất – nhập các sản phẩm Trung Quốc sẽ tác động tiêu cực đến các nền kinh tế của khu vực.
Với chính sách đối ngoại cứng rắn của Bắc Kinh hiện thời, nếu xảy ra chiến tranh, con đường thủy cao tốc sẽ là cơn ác mộng chiến lược thực sự. Cùng với viễn cảnh kinh tế tiêu cực, chủ quyền trong tương lai của khu vực Đông Nam Á xem chừng rất đáng lo ngại.
Vì vậy, không quá ngạc nhiên khi các nước Đông Nam Á và những bên có chung mối quan tâm từ lâu nay đều cố gắng đưa Trung Quốc vào bàn đàm phán để thiết lập những quy chế hợp tác tương thích.
Ủy hội sông Mê Công (MRC) thành lập năm 1995 cũng hướng tới mục tiêu đó. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã khiến MRC vô cùng thất vọng, thậm chí năm 2016, Trung Quốc còn thiết lập một sân chơi riêng với Cơ chế hợp tác Lan Thương – Mê Kông nhằm ép các quốc gia hợp tác với nhau.
Mặc dù tại cuộc gặp lần đầu vào tháng 3/2016, Bắc Kinh hứa xả nước cho các nước hạ nguồn đang hạn hán nhưng thực chất đây chỉ là chính sách “cây gậy và củ cà rốt” bởi Trung Quốc vẫn đang hoàn toàn kiểm soát dòng sông. Điều này là tiền đề cho xung đột chứ không phải hợp tác.
Các quốc gia trong lưu vực thiết nghĩ cần tìm kiếm sự thống nhất và các phương án năng lượng thay thế thay vì phụ thuộc vào các con đập. Thúc đẩy các giải pháp năng lượng mới cùng các sáng kiến phát triển bền vững sẽ góp phần tăng cường khả năng phục hồi cho lục địa Đông Nam Á.