Nhằm bảo vệ thương hiệu quốc gia cho sản phẩm sâm củ Ngọc Linh, thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã và đang triển khai nhiều biện pháp kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nỗ lực bảo vệ thương hiệu, đặc biệt là việc bảo tồn nguồn gene quý hiếm ngay từ nguồn giống.
Trước thông tin phản ánh về giống sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc, kém chất lượng vừa qua, Tổ kiểm tra liên ngành của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum đã tiến hành kiểm tra 3 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần rượu sâm Ngọc Linh, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông Kon Tum và Công ty TNHH Thái Hòa cùng 2 hộ gia đình: Hộ ông A Điện Biên, thôn Kô Xia 2, xã Ngọc Lây và hộ ông A Hỷ, thôn Đăk Rơn, xã Măng Ri có trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tại huyện Tu Mơ Rông.
Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm trực thuộc Sở Y tế tỉnh Kon Tum đã lấy 6 mẫu (thân, rễ, lá và hạt sâm đã nảy mầm) của 3 doanh nghiệp và 2 hộ gia đình trên gửi Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM để nghiên cứu định danh bằng phương pháp giải mã trình tự gen PCR. Kết quả, 6 mẫu dược liệu nghiên cứu được xác định đều là sâm Ngọc Linh, tên khoa học là Panax vietnamensis.
Được biết, đến nay, tỉnh Kon Tum đã bảo tồn và phát triển được trên 326 ha sâm Ngọc Linh, chủ yếu thuộc địa phận xã Măng Ri và xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông trên độ cao 1.800 – 2.500 m.
Sâm Ngọc Linh được xác định là cây hàng hóa chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Với tiềm năng, lợi thế, tỉnh Kon Tum phấn đấu đến năm 2020 trồng được khoảng 1.000 ha cây sâm Ngọc Linh và đến năm 2025 nâng diện tích sâm đạt trên 9.000 ha theo quy hoạch với quy mô công nghiệp, trong đó, huyện Tu Mơ Rông định hướng sẽ phát triển 6.000 ha tại 8 xã, diện tích còn lại sẽ được trồng tại huyện Đắk Glei.