Thời gian qua, người dân ở Tây Nguyên cứ thấy loại cây nào được giá là đua nhau trồng, từ cà phê, hồ tiêu đến cao su. Đến khi rớt giá, người dân lại chặt bỏ, chuyển sang loại cây khác.
LTS: Là vùng đất bazan màu mỡ, thích hợp với sự phát triển của các loại cây công nghiệp, nhiều năm nay Tây Nguyên đã trở thành thủ phủ cà phê và hồ tiêu của cả nước. Cùng với đó, Tây Nguyên cũng chỉ xếp sau vùng Đông Nam bộ về cây cao su. Các loại cây công nghiệp đã giúp người dân Tây Nguyên có đời sống khá giả, nhiều người vươn lên làm giàu. Tuy vậy, việc phát triển ồ ạt, tự phát các loại cây công nghiệp đã phá vỡ quy hoạch, dẫn đến nhiều hệ lụy về kinh tế, xã hội, môi trường đi kèm.
Thời gian qua, người dân ở Tây Nguyên cứ thấy loại cây nào được giá là đua nhau trồng, từ cà phê, hồ tiêu đến cao su. Đến khi rớt giá, người dân lại chặt bỏ, chuyển sang loại cây khác. Vòng xoáy trồng – chặt khiến việc phát triển các loại cây công nghiệp chủ lực của Tây Nguyên thiếu ổn định và chính người dân phải gánh chịu hậu quả.
Được giá là trồng
Đến nhà ông Hồ Phía (thôn Thiên An, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) hỏi về hồ tiêu, ông Phía mặt đượm buồn: “Hồ tiêu còn đâu nữa, cả 1ha chết hết. Do ham “vàng đen” giá cao nên bây giờ vườn cây chẳng còn gì cả”. Nói rồi, ông Phía dẫn chúng tôi ra xem rẫy tiêu rộng 1ha đã bị chết, chỉ còn trơ trụ gỗ. Theo ông Phía, 8 năm trước, thấy hồ tiêu tăng giá lên 180.000 đồng/kg, nếu trồng sẽ lời gấp 7 lần cà phê, gia đình ông đã phá nguyên vườn cà phê 4 năm tuổi để trồng tiêu. Trồng 4 năm, khi tiêu cho thu hoạch được 1 năm thì lâm bệnh và chết dần, chết mòn. Tính ra, tiền đầu tư vườn tiêu 200 triệu đồng, mà chỉ thu được một nửa.
Gia đình ông Hồ Phía là một trong hàng ngàn hộ dân tại Gia Lai đã chạy theo cơn lốc “vàng đen” trong những năm qua. Thấy hồ tiêu được giá, người dân tại các huyện Chư Pưh, Chư Sê, Mang Yang… đã đổ xô trồng, bất chấp địa hình, địa chất và bỏ qua cảnh báo của cơ quan chức năng. Theo ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), trên địa bàn huyện, diện tích hồ tiêu theo quy hoạch là 3.500ha nhưng hiện đã lên 3.750ha. Trong đó, có khoảng 100ha hồ tiêu trồng trên đất không phù hợp, đất trũng, đất ngập nước hoặc vùng đất không có nước tưới.
Ngoài Gia Lai, trong thời gian giá hồ tiêu lập “đỉnh”, hầu như ở tỉnh nào trong khu vực Tây Nguyên cũng có tình trạng người dân đua nhau trồng. Trong đó, Đắk Nông, Đắk Lắk là nơi cây hồ tiêu phát triển khá “nóng”, hình thành các trang trại tiêu bạt ngàn tại các huyện Đắk Song, Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông), Ea H’leo, Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk).
Cùng với hồ tiêu, vài năm trước, nhiều hộ dân và doanh nghiệp tại Tây Nguyên đổ xô trồng cao su – loại cây được mệnh danh là “vàng trắng”. Điều đáng nói là nhiều diện tích cao su cũng trồng trên đất không phù hợp, dẫn đến hiệu quả kém.
Ông Lê Quang Vang, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai), cho biết trên địa bàn có 7 doanh nghiệp chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su. Qua kiểm tra tại dự án trồng cao su của 3/7 doanh nghiệp, cho thấy diện tích cao su trồng mà không đạt hiệu quả: còi cọc, cháy và chết khoảng 700ha. Có nhiều vị trí cây cao su bị chết đứng…
Còn theo ông Khăm Phon Lào, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk), thời điểm từ năm 2008 – 2010 giá mủ cao su tăng cao 40.000 – 50.000 đồng/kg, nên người dân ngoại tỉnh về địa phương mua đất, ồ ạt phát triển diện tích cao su mà không khảo sát địa hình, địa chất. Đến thời điểm hiện tại, diện tích cao su của người dân trên toàn huyện lên đến 960ha. Tuy nhiên, sản lượng và chất lượng mủ không đạt. Bên cạnh đó, do đất đai cằn cỗi không phù hợp nên nhiều khu vực cao su vừa cho thu hoạch đã có dấu hiệu chết dần.
Vòng xoáy trồng – chặt
Gặp ông Mai Văn Hùng (ngụ xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) khi ông đang vận chuyển hàng trăm cây sầu riêng giống mới mua từ vườn ươm về. Ông Hùng cho hay, năm nay gia đình ông quyết định đầu tư gần 40 triệu đồng mua cây giống sầu riêng về thay thế cho vườn cà phê và hồ tiêu. “Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng cà phê, sau đó thấy cây hồ tiêu được giá nên phá bỏ bớt cà phê để trồng hồ tiêu. Hiện gia đình có 3ha cà phê và hồ tiêu nhưng 2 năm nay thu không đủ chi phí trả tiền thuê nhân công và đầu tư lại. Thấy nhiều người phất lên nhờ sầu riêng nên gia đình tôi cũng quyết định thay đổi cây trồng, chứ trông chờ vào cây cà phê và cây tiêu thì không có ăn”, ông Hùng nói.
Còn gia đình ông Hoàng Chí Hướng (thôn Thiên An, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) hiện có 3 sào cà phê được trồng vào mùa mưa năm 2017 trên diện tích đất trồng tiêu bị chết. Ông Hướng cho biết, 8 năm trước, đây đều là đất trống được gia đình mua để trồng cà phê. Trồng được 3 năm thì cà phê cho bói nhưng do thấy hồ tiêu giá đội lên 220.000 đồng/kg, nên ông phá vườn cà phê đang cho thu hoạch để trồng tiêu. Nào ngờ tiêu trồng 2 năm, khi vừa phủ trụ thì lăn ra chết, không cứu chữa được. Lại quay về trồng cà phê. Tám năm loay hoay trồng rồi chặt, rồi quay về trồng loại cây cũ, gia đình ông không thu được đồng nào, lại mất gần 150 triệu đồng đầu tư.
Ông Lê Quang Vang, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai), cho biết vào thời điểm hồ tiêu có giá cao, nhiều hộ dân đã phá cà phê để trồng tiêu. Đến giai đoạn 2016 – 2018, trên địa bàn có khoảng 250ha tiêu chết thì dân lại quay về trồng cà phê với diện tích khoảng 80/250ha. Còn theo ông Phạm Quang Mười, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk), hiện nay, người dân trên địa bàn đang có xu hướng phát triển diện tích cây ăn quả trên diện tích cà phê và hồ tiêu cũ. Phòng cũng khuyến cáo người dân nên giữ lại diện tích cây trồng cũ và trồng xen những cây trồng mới. Người dân không nên trồng thuần một loại cây, hay mở rộng diện tích cây trồng mới một cách ồ ạt, tránh tình trạng rủi ro.
Trong khi đó, sau thời gian chạy đua trồng cao su trên đất rừng nghèo ở Gia Lai nhưng nhiều diện tích trồng không hiệu quả, ngành chức năng đang đề xuất cho trồng cây khác trên đất cao su trồng bị chết, kém phát triển.
Diện tích “nhảy múa”
Theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích cây hồ tiêu của tỉnh Gia Lai là 6.000ha, nhưng đến năm 2017, diện tích hồ tiêu của địa phương này là hơn 16.300ha, vượt quy hoạch hơn 10.000ha. Diện tích cà phê theo quy hoạch đến năm 2020 là 80.000ha, nhưng đến năm 2017 là hơn 94.000ha, vượt quy hoạch 14.000ha. Tại Lâm Đồng, cà phê và các loại cây trồng chủ lực khác cũng vượt quy hoạch hàng ngàn hécta. Trong cơ cấu phát triển chung của ngành nông nghiệp tới năm 2020, diện tích cây cà phê được tỉnh Lâm Đồng xác định sẽ ổn định ở mức 150.000ha, nhưng hiện nay toàn tỉnh đã có 158.625ha, vượt quy hoạch tới 8.625ha.
Tại Đắk Lắk, quy hoạch đến năm 2020 đối với cây cà phê là 180.000ha, nhưng đến nay đã là 204.808ha; cây hồ tiêu là 18.700ha, thì nay đã lên đến 38.616ha. Theo ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, nguyên nhân dẫn đến vỡ quy hoạch về diện tích cây công nghiệp do đa số diện tích đất nông nghiệp thuộc người dân quản lý và người dân chạy theo nhu cầu thị trường, tự ý mở rộng diện tích. Mặt khác, việc quy hoạch của Nhà nước chỉ mang tính chất định hướng, chưa có các chế tài.
Còn tại Đắk Nông, đối với cây hồ tiêu, địa phương này xác định đến năm 2020 sẽ duy trì khoảng 25.000ha, nhưng đến nay diện tích hồ tiêu đã là 32.902ha.
Theo ông Nguyễn Thiện Chân, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Nông, diện tích cây hồ tiêu tăng mạnh trong giai đoạn 2014 – 2017. Năm 2017, diện tích hồ tiêu tăng 19.006ha so với năm 2014, trong đó tăng mạnh nhất là năm 2016. Do giá hồ tiêu trong giai đoạn này tăng cao, ổn định, hiệu quả từ sản xuất hồ tiêu rất lớn nên người dân đã mở rộng diện tích “nóng”, mặc dù ngành nông nghiệp tỉnh đã có khuyến cáo hạn chế mở rộng diện tích để tránh rủi ro về dịch hại, có khả năng xảy ra hiện tượng cung lớn hơn cầu. Dù chưa xảy ra tình trạng chặt bỏ hàng loạt như một số vùng khi giá tiêu lao dốc, nhưng về lâu dài, việc phát triển diện tích vượt quy hoạch lớn sẽ để lại nhiều hậu quả khi thị trường mất cân đối, đất trồng không phù hợp.
Ông Hà Ngọc Uyển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Gia Lai, cho biết UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản gửi Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng Chính phủ, trước mắt cho phép các doanh nghiệp được trồng các loại cây khác trên diện tích cao su bị chết tập trung theo lô hoặc theo đám và trên diện tích cao su kém phát triển (mà trước đây trồng trên diện tích đất chưa có rừng là 1.369ha); cho phép các doanh nghiệp có diện tích cao su kém phát triển và bị chết đã trồng trên đất có rừng (10.669ha) được thay đổi cơ cấu cây trồng khác, bao gồm cây lâm nghiệp, cây nông nghiệp hoặc cây công nghiệp khác… |