Quyết lấy rừng đặc dụng làm thủy điện

Sau khi xin chuyển đổi đất rừng đặc dụng sang làm thủy điện không được, tỉnh Đắk Lắk đã điều chỉnh giảm diện tích này ra khỏi quy hoạch rừng đặc dụng để làm thủy điện

Dù Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định không chuyển đổi bất kỳ diện tích rừng, đất lâm nghiệp sang mục đích khác, kể cả dự án đã phê duyệt (trừ mục đích an ninh quốc phòng) nhưng tháng 2-2017, UBND tỉnh Đắk Lắk vẫn có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đề nghị chuyển đổi 5,41 ha đất rừng đặc dụng thuộc Ban Quản lý (BQL) rừng đặc dụng Nam Ka (huyện Lắk) để làm thủy điện Chư Pông Krông. Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk tạm dừng việc chuyển đổi đất rừng đặc dụng, giữ nguyên hiện trạng.

Chuyển không được thì “chỉnh”

Sau khi không được Bộ NN-PTNT thông qua, ngày 21-4-2017, UBND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục có công văn kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét có ý kiến đồng thuận trong việc chuyển giao số diện tích này cho UBND huyện Lắk quản lý để có cơ sở lập thủ tục chuyển sang đất phi nông nghiệp và cho Công ty TNHH MTV Xây lắp điện Hưng Phúc thuê làm thủy điện.

UBND tỉnh Đắk Lắk lý giải 5,41 ha này không còn rừng, dự án thủy điện Chư Pông Krông đã được tỉnh đưa vào quy hoạch và Bộ Công Thương đồng ý vào năm 2007. Chủ đầu tư đã lập phương án triển khai dự án và việc làm Nhà máy Thủy điện Chư Pông Krông sẽ không ảnh hưởng đến công tác quản lý bảo vệ rừng, cũng như bảo tồn đa dạng sinh học tại BQL rừng đặc dụng Nam Ka.

Tường nhà của người dân nứt toác do việc nổ mìn làm thủy điện (Ảnh: Cao Nguyên)

Ngày 11-8-2017, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND tỉnh Đắk Lắk phải xem xét, xử lý việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng theo đúng các quy định của pháp luật về đất đai; pháp luật bảo vệ, phát triển rừng và các quy định khác có liên quan.

Đến ngày 14-9-2017, UBND tỉnh Đắk Lắk có quyết định điều chỉnh giảm 5,41 ha đất thuộc khoảnh 9 Tiểu khu 1306 do BQL rừng đặc dụng Nam Ka quản lý ra khỏi quy hoạch rừng đặc dụng. Cùng với đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao diện tích cho UBND huyện Lắk quản lý sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt. Sau đó, UBND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục ra quyết định cho Công ty TNHH MTV Xây lắp điện Hưng Phúc thuê số diện tích này trong thời gian 50 năm để làm dự án Nhà máy Thủy điện Chư Pông Krông.

Hàng chục nhà dân nứt toác vì nổ mìn

Theo phản ánh của hàng chục hộ dân thôn Phú Thuận, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, từ đầu năm 2018 đến nay, công trình thủy điện Chư Pông Krông cho nổ mìn trên sông Krông Nô khiến hàng chục căn nhà hư hỏng nghiêm trọng.

Bà Lê Thị Thuận cho biết nhà của bà cách công trình thủy điện chưa đầy 200 m. Mỗi lần nổ mìn, căn nhà lại rung lên khiến gạch ngói rơi liên tục. Tường nhà xuất hiện hàng trăm vết nứt, có những vết dài đến vài mét khiến gia đình lo lắng.

Tương tự, căn nhà mới xây năm 2017 trị giá gần 1 tỉ đồng của gia đình chị Cao Thị Thuận cũng xuất hiện hàng chục vết nứt trên tường sau khi nhà máy thủy điện khởi công. “Mỗi khi công trình thủy điện nổ mìn, cả nhà rung lắc tưởng như muốn sập khiến chúng tôi phải sống trong cảnh bất an” – chị Thuận nói.

Sáng 6-6, trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Minh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây lắp điện Hưng Phúc, cho rằng vẫn chưa thể khẳng định việc nổ mìn gây hư hại nhà cửa của người dân. Theo bà Minh, chủ đầu tư đã thuê chi nhánh của Công ty CP Sông Đà 505 thi công hạng mục liên quan đến nổ mìn và họ thực hiện theo đúng quy định về giấy phép, khối lượng thuốc nổ… “Cũng có thể nhà nứt là do người dân xây dựng trên nền đất cát, ít vật tư, đá nên không bảo đảm chất lượng” – bà Minh nhận định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Thông, Trưởng Phòng Kỹ thuật an toàn – Môi trường Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, cho biết ngày 5-6, sở đã thành lập đoàn đi kiểm tra và nhận thấy việc nhà dân bị nứt có một phần do việc nổ mìn. “Đến thời điểm này, đã có 25 hộ dân phản ánh việc nổ mìn làm hư hại tài sản. Đoàn công tác đã yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công thỏa thuận, bồi thường cho người dân. Đến ngày 15-7, nếu chủ đầu tư và đơn vị thi công không thực hiện thì đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông chỉ định đơn vị có chức năng xác định mức độ hư hại do nổ mìn để có phương án đền bù cho người dân” – ông Thông thông tin.

Công ty của gia đình lãnh đạo Sở Công Thương

Bà Nguyễn Thị Minh khẳng định chồng bà là ông Trương Công Hồng, đang công tác tại Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk. Theo tìm hiểu của phóng viên, ông Trương Công Hồng hiện là phó giám đốc sở này phụ trách theo dõi, chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về năng lượng, thủy điện, kỹ thuật an toàn, môi trường và khoa học công nghệ. Cũng theo bà Minh, ngoài thủy điện Chư Pông Krông đang xây dựng, công ty của bà còn có Nhà máy Thủy điện Đrây H’linh 3 và đang tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực điện năng lượng mặt trời.

 

Nguồn: