Đó là đánh giá của bà Trịnh Thị Cúc Tiên, trợ lý Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam.
Theo bà Trịnh Thị Cúc Tiên, trợ lý Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam, nhà máy nhiệt điện hoạt động trong vùng biển Vĩnh Tân làm giảm sút đa dạng sinh học của vùng biển Hòn Cau.
Vị trợ lý IUCN cho rằng lý do giảm sút đa dạng sinh học là nhà máy hút một lượng lớn nước biển để làm mát hệ thống. Và khi xả nước ra thì hàng triệu sinh vật phù du, ấu trùng của các loài thủy sản sẽ chết, làm giảm đi khả năng tái sinh các nguồn tài nguyên thủy sản trong tương lai lâu dài.
“Điều này ảnh hưởng cả chuỗi giá trị lớn hơn như ngành ngư nghiệp địa phương, du lịch, bảo tồn… Nên việc xả thải thêm nữa thì sẽ càng đe dọa sự tồn tại của khu bảo tồn biển này”.
Được biết, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) vừa chọn ra danh sách 40 tình nguyện viên (TNV) tham gia Chương trình bảo tồn rùa biển 2018 tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Chương trình chia làm bốn đợt kéo dài từ ngày 9-6 đến ngày 27-7.
Đây là lần thứ hai Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế phối hợp với khu bảo tồn biển (KBTB) Hòn Cau tổ chức nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo tồn sinh vật biển.
Theo đó, các TNV sẽ được tập huấn về công tác bảo tồn rùa biển, cùng cán bộ khu bảo tồn “đỡ đẻ” cho các cá thể rùa; tham gia tuần tra rùa biển lên đẻ tại các bãi đẻ; giúp cán bộ khu bảo tồn đo đạc kích thước, gắn thẻ đánh dấu rùa mẹ, di dời ổ trứng, giúp thả rùa con.
Các hoạt động này không chỉ tập trung nói về rùa biển mà còn về bảo vệ môi trường biển, giảm rác thải nhựa ra biển. Bên cạnh đó các TNV còn tham gia hướng dẫn du khách trong công tác giữ gìn vệ sinh trên đảo.
Ngoài ra, đây còn là dịp nâng cao năng lực cho cán bộ bảo tồn biển địa phương, vì các TNV trình độ cao có thể giúp dạy tiếng Anh, chia sẻ kỹ năng truyền thông cho cán bộ địa phương.
Khu bảo tồn biển Hòn Cau được UBND tỉnh Bình Thuận thành lập năm 2009 với diện tích khoảng 12.500 ha. Đây là một địa điểm mới về bảo vệ bãi rùa lên đẻ từ năm 2013 nên số lượng rùa biển chưa nhiều, tuy nhiên nơi đây có mức độ đa dạng sinh học cao với quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 km với gần 234 loại san hô, 34 loài thủy sinh vật quý hiếm.
Năm 2013, BQL khu bảo tồn biển Hòn Cau đã phát hiện 10 cá thể rùa biển lên khu vực đảo Hòn Cau sinh sản và đã bảo vệ thành công các ổ trứng, năm 2014 phát hiện ba cá thể rùa biển lên đẻ trứng, năm 2015 có 10 cá thể lên bãi đẻ, 2016 có 13 cá thể rùa mẹ lên sinh sản tại đảo Hòn Cau và năm 2017 có tám cá thể rùa mẹ với 687 trứng rùa và 490 trứng nở thành công thành rùa con bơi ra biển.