Nhiệt điện than là một trong những phương án đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, những áp lực cho môi trường chính là mối quan ngại lớn nhất khi xây dựng các nhà máy nhiệt điện than. Theo các chuyên gia, nếu có thể áp dụng các chính sách sử dụng năng lượng hiệu quả kết hợp phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam có thể cắt giảm khoảng 30.000 MW nhiệt điện than vào năm 2030, tương đương 25 nhà máy nhiệt điện than.
Xét về phương diện kinh tế, nhiều ý kiến cho rằng, với mức giá thấp hơn hẳn so với chi phí của các nguồn năng lượng tái tạo khác, phát triển nhiệt điện than được ưu tiên hơn cả. Tuy nhiên, theo tính toán, nếu đánh giá một dự án nhiệt điện than tồn tại hơn 30 năm từ khi đưa vào vận hành đến khi kết thúc đời dự án thì giá thành lại không hề thấp. Bởi nguồn than khai thác trong nước ngày càng hạn chế, để đáp ứng nhu cầu của các nhà máy thì phải tính đến việc nhập khẩu than. Theo giới chuyên gia, khi phải nhập than để phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện, trong khi giá than sẽ ngày càng tăng cao, thì chi phí về nhiên liệu trong giá thành mỗi kWh sẽ tăng lên, không thể dưới 10 cent/kWh cho nhiệt điện than.
Trao đổi về vấn đề an ninh năng lượng, đảm bảo yếu tố “xanh”, ông Nghiêm Vũ Khải – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng chuyển dịch sang năng lượng xanh là rất quan trọng và cần thiết vì Việt Nam là một trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Hơn nữa, phát triển xanh là hướng đi thông minh cho Việt Nam, một quốc gia có tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào, đặc biệt là năng lượng mặt trời và gió.
Phát triển năng lượng tái tạo cũng là một hướng đi hợp lý để Việt Nam tránh phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều thách thức đòi hỏi nỗ lực lớn và bước đi phù hợp của tất cả các bên liên quan để côg nghệ năng lượng tái tạo được đi vào thực tế phát triển và áp dụng.
Các chuyên gia cũng cho rằng, tới đây, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả không chỉ dừng ở “khuyến khích” mà phải là “bắt buộc” để bảo vệ sự phát triển bền vững, như sử dụng năng lượng mặt trời tại các toà nhà, mái nhà; xem xét đến các công nghệ mới trong năng lượng tái tạo.
Còn theo ông Rainer Brohm- chuyên gia năng lượng tái tạo (Công ty tư vấn RB Berlin) thì năng lượng tái tạo toàn cầu đã đến lúc “không còn đường lui”. Năng lượng tái tạo cũng đang dần cạnh tranh hơn với các dạng năng lượng hoá thạch ở quy mô thương mại. Trên thế giới, số lượng các nhà máy nhiệt điện than ngày càng giảm. Do vậy, xu hướng phát triển năng lượng của Việt Nam trong những năm tới cần tập trung mạnh hơn vào năng lượng tái tạo.