Quản lý an toàn hồ đập thủy điện là nhiệm vụ thường xuyên được Bộ Công Thương quan tâm, chỉ đạo sát sao, các sự cố gây mất an toàn đã giảm mạnh. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên trong thời gian qua vẫn xảy ra một số sự cố, đòi hỏi cơ quan quản lý và chủ hồ đập tiếp tục rà soát, hoàn thiện từ khung khổ pháp lý đến công tác tuân thủ.
Để đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện, giảm thiệt hại khi sự cố xảy ra, cùng với các bộ, ngành, địa phương, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện cảnh báo, vận hành hồ chứa và nhà máy thủy điện… Đồng thời, tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác tuân thủ các quy định tại các hồ đập thủy điện. Nhờ đó, công tác quản lý an toàn đập đã đi vào nề nếp, có những chuyển biến lớn, tích cực so với trước đây.
Đến nay, 278/278 đập, hồ chứa thủy điện có dung tích từ 50 nghìn m3 trở lên hoặc đập có chiều cao từ 5m trở lên trên địa bàn cả nước đã được chủ đập thực hiện đăng ký an toàn đập và tiến hành kiểm tra định kỳ, báo cáo hiện trạng tới cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương. 254 chủ đập trong số này đã xây dựng phương án phòng, chống lụt bão bảo đảm an toàn đập được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; trong đó, Bộ Công Thương đã phê duyệt 80 trong tổng số 85 phương án.
Về công tác xây dựng phương án phòng, chống lũ lụt vùng hạ du đập, hiện có 222/278 đập đã hoàn thiện, được phê duyệt; 56/278 đập đang được chủ đập thực hiện và sẽ hoàn thành trong thời gian tới. Các chủ đập cũng đã quan tâm xây dựng phương án bảo vệ đập với 251/278 đập đã hoàn thành phương án và được phê duyệt.
Mặc dù công tác đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện đã được cơ quan quản lý và các chủ đập quan tâm, hoàn thiện, song thời gian vừa qua vẫn xảy ra một số sự cố gây mất an toàn các đập thủy điện. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân xảy ra sự cố xuất phát từ những tồn tại trong quá trình tổ chức thực hiện việc quản lý, vận hành các hồ chứa thủy điện, những tồn tại của một số quy định pháp luật về quản lý và kỹ thuật an toàn đập thủy điện hiện hành chưa phù hợp với bối cảnh biến đổi khí hậu, cực đoan của thời tiết, đã gây thiệt hại về người và tài sản cho vùng hạ du. Các chủ đập thủy điện, nhất là thủy điện nhỏ cập nhật chưa đầy đủ quy định về quản lý an toàn đập và tổ chức thực hiện theo quy định. Đặc biệt, những bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Để khắc phục, Bộ Công Thương cho rằng, cùng với việc tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý an toàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về quản lý an toàn đập thì cần khẩn trương rà soát, sửa đổi những nội dung còn bất cập tại Nghị định số 72/2007/NĐ-CP và các văn bản liên quan.
Nghị định số 72/2007/NĐ-CP về quản lý an toàn đập đã bộc lộ nhiều hạn chế, như: Chưa có quy định cụ thể về việc xác định ranh giới vùng hạ du của đập, đặc biệt đối với nhiều đập được xây dựng trên cùng một lưu vực sông; việc xây dựng bản đồ ngập lụt; chưa quy định về cơ quan điều phối chung giữa các chủ đập khi các hồ chứa trên cùng lưu vực cùng tham gia xả lũ…