Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thời tiết bất thường xảy ra gây thiệt hại nặng nề về tính mạng và tài sản của người dân. Trong đó, hiện tượng sạt lở đất đá ở các tỉnh miền núi xuất hiện thường xuyên với quy mô ngày càng lớn, mức độ thiệt hại ngày càng tăng.
Trong gần 20 năm qua, các tỉnh miền núi phía bắc xảy ra hơn 300 trận lũ quét, sạt lở đất. Riêng trong năm 2017, lũ quét, sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng trên diện rộng tại các tỉnh miền núi phía bắc như: Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình… làm 71 người chết và mất tích, 4.109 ngôi nhà bị sập, đổ, cuốn trôi.
Hiện, vẫn còn hàng nghìn hộ đang sinh sống tại những nơi không bảo đảm an toàn có nguy cơ cao ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất. Trong khi đó, các tỉnh miền núi phía bắc đất bị phong hóa qua nhiều năm cho nên vào mùa mưa luôn ở trong trạng thái bão hòa nước; người dân với tập quán sinh sống dựa vào sông, suối hoặc trên sườn đồi, vách núi… do vậy khi cân bằng tự nhiên bị phá vỡ, thiên tai ập đến thì hậu quả khôn lường.
Nhằm hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm ở một số vị trí có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; xây dựng bản đồ nguy cơ sạt lở đất đá; cắm biển cảnh báo tại các vị trí nguy hiểm.
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố kết quả ban đầu thực hiện Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” cho các tỉnh miền núi phía bắc. Đề án điều tra về sạt lở đất đá trên diện rộng, phân vùng cảnh báo nguy cơ, giúp Chính phủ, các địa phương nắm bắt về tình trạng sạt lở đất đá, có định hướng quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, có giải pháp phòng tránh, giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản cho người dân.
Đến nay, các đơn vị chức năng đã hoàn thành bộ bản đồ hiện trạng sạt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000 khu vực miền núi thuộc 17 tỉnh; bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá cho mười tỉnh. Các bản đồ này đã xác định, khoanh định được các điểm, vùng nguy hiểm, tiềm ẩn các nguy cơ sạt lở đất đá có thể ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, giao thông, dân cư và kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương, nhất là ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Trong đó, các chuyên gia cũng đã xác định hơn 500 xã tại 17 tỉnh miền núi phía bắc có nguy cơ sạt lở đất đá trong mùa mưa, lũ.
Để Đề án nêu trên phát huy hiệu quả, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực phối hợp đẩy nhanh tiến độ thành lập bản đồ phân vùng cảnh báo, nguy cơ sạt lở đất đá tại các tỉnh miền núi. Trong đó, tập trung vào những khu vực có nguy cơ cao, có dân cư sinh sống và đang là khu vực trọng điểm phát triển kinh tế – xã hội; nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo thiên tai từ sớm; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về tai biến địa chất, sạt lở đất đá; tăng cường khả năng ứng phó, giảm thiệt hại do sạt lở đất đá gây ra.
Bên cạnh đó, các địa phương cần quan tâm tiếp thu kết quả điều tra về sạt lở đất đá trong Đề án, để từ đó chủ động tìm các giải pháp hợp lý phòng, chống, giảm thiệt hại về người và tài sản do sạt lở đất đá gây ra, đồng thời xây dựng quy hoạch sản xuất, phát triển kinh tế tại các vùng an toàn.