Nhân rộng mô hình tổ tự quản bảo vệ tài nguyên, môi trường biển là nhiệm vụ quan trọng trong năm 2018 được Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi đề ra tại hội nghị sơ kết 2 năm (2016-2017) công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo trên địa bàn tỉnh.
Hai năm qua, Sở TN&MT Quảng Ngãi đã phối hợp với các địa phương, ban, ngành tổ chức 23 lớp tập huấn phổ biến kiến thức pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo cho hơn 8.800 lượt người tham gia, 152 buổi tuyên truyền trực tiếp cho hơn 34.000 người dân.
Đồng thời, hướng dẫn, phổ biến kỹ thuật phòng ngừa, ứng phó, kiểm soát và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường biển; tổ chức diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu; hướng dẫn việc đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động nghề cá trên biển và hỗ trợ ngư dân khắc phục rủi ro thiên tai.
Ngoài ra, tỉnh cũng đưa bài giảng “Nhân dân Quảng Ngãi bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa” vào trong tiết học môn Lịch sử tại các trường phổ thông; tổ chức cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa và con người trong bảo vệ chủ quyền biển đảo với 37.000 lượt học sinh tham gia; thành lập 51 tổ tự quản tàu thuyền và vận động 7 phương tiện/72 lao động tham gia cùng các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển để bảo vệ chủ quyền biển đảo…
Huyện đảo Lý Sơn từng được xem là “điểm nóng” khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài, song với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, tình trạng này đã giảm đáng kể.
Ông Nguyễn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho hay, hằng năm, huyện đều mở lớp tuyên truyền về chủ trương, chính sách, các quy định liên quan đến ngư trường, biển đảo cho toàn thể ngư dân trên huyện. Đồng thời, phối hợp với Vùng Cảnh sát biển 2 mở các lớp tuyên truyền cho ngư dân trên huyện (2 năm qua đã mở 2 lớp với 406 ngư dân và các cơ quan liên quan tham gia).
Thông qua 2 nghiệp đoàn nghề cá của huyện, chính quyền địa phương đã cấp phát hơn 1.000 tờ rơi cho trên 500 tàu thuyền. Nhờ đó, số vụ vi phạm pháp luật giảm qua từng năm: Từ chỗ năm 2014 có 7 trường hợp/7 phương tiện/96 lao động xâm phạm trái phép vùng biển các nước để khai thác hải sản, thì đến năm 2016 chỉ còn 3 trường hợp/3 phương tiện/45 lao động và tính đến tháng 5/2018 chưa có trường hợp nào.
Ông Phạm Cầu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải, huyện Bình Sơn cho biết, địa phương đã thành lập 5 tổ tự quản thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển. Từ năm 2016 đến nay, các tổ tự quản đã tuần tra 48 lượt, phát hiện, tịch thu, tiêu hủy hàng trăm ký rong mơ khai thác trái phép… Đây là cách làm hay cần được nhân rộng ra các huyện có biển khác.
Nhằm bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo, năm 2018, Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục đẩy mạnh chương trình phối hợp trong công tác thông tin, truyền thông, thông tin đối ngoại tại khu vực biên giới biển, hải đảo; tổ chức tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc tế về nghiêm cấm không được khai thác thủy sản trên các vùng biển của các nước, nhằm đảm bảo an toàn trên biển.
Cùng với đó, tổ chức phổ biến, giới thiệu các mô hình tiên tiến về bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo cho cán bộ và nhân dân; lên án những hành động khai thác bừa bãi, phá hoại tài nguyên thiên nhiên, những hành vi gây ô nhiễm môi trường biển…
Để thực hiện hiệu quả nội dung đề ra, Sở sẽ tập trung triển khai bằng nhiều hình thức. Theo đó, tổ chức tuyên truyền thông qua hội nghị tập huấn, hội thảo chuyên đề, tọa đàm, nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo; tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, in ấn, cấp phát tài liệu tuyên truyền; đầu tư hệ thống loa không dây di động ngoài trời cho đồn biên phòng để tuyên truyền kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước…