Nỗ lực chống buôn bán động thực vật hoang dã

Việt Nam đã tăng cường hợp tác song và đa phương, phối hợp với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ thực hiện nhiều hành động tích cực nhằm giảm thiểu nhu cầu sử dụng và xóa bỏ thị trường buôn bán trái pháp luật các sản phẩm đông thực vật hoang dã (ĐTVHD).

Tiêu hủy mẫu vật ngà voi và sừng tê giác thu được qua truy quét các hoạt động buôn bán ĐTVHD trái phép – Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa hoàn tất Báo cáo một năm thực hiện Tuyên bố Hà Nội về chống buôn bán trái pháp luật các loài ĐTVHD. Báo cáo do Bộ NN&PTNT tổng hợp hoạt động từ 25 quốc gia và tổ chức quốc tế thực hiện dựa trên những cam kết đưa ra tại Hội nghị Cấp cao tại Hà Nội về Chống buôn bán trái pháp luật các loài ĐTVHD năm 2016 (Hội nghị Hà Nội IWT 2016).

Bản báo cáo này cũng là cầu nối giữa Hội nghị Hà Nội IWT 2016 với Hội nghị London sẽ diễn ra vào 10/2018 về Chống buôn bán trái pháp luật các loài ĐTVHD do Vương quốc Anh chủ trì.

Xung quanh bản báo cáo và những nỗ lực thực hiện các cam kết về chống buôn bán ĐTVHD của Việt Nam, Báo Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn.

Xin ông cho biết các kết quả nổi bật mà Việt Nam đạt được về chống buôn bán ĐTVHD theo cam kết sau Hội nghị Hà Nội IWT 2016?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Vị trí địa lý của Việt Nam nằm trung tâm khu vực Đông Nam Á, sử dụng chung đường biên giới trên bộ với Trung Quốc, Campuchia, Lào, cùng khai thác Biển Đông với nhiều nước trên thế giới đã tạo ra nhiều thuận lợi và thách thức đi kèm trong công tác bảo vệ động vật, thực vật hoang dã.

Tính từ sau Hội nghị Hà Nội IWT đến nay, Việt Nam đã rất nỗ lực thể hiện các cam kết trong Tuyên bố Hà Nội như: Năm 2017, Quốc hội đã phê chuẩn Bộ luật Hình sự, và Luật Lâm nghiệp, Luật Thuỷ sản. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện và bắt giữ 5,5 tấn ngà voi, 160kg sừng tê giác và 2,5 tấn tê tê. Trong 3 tháng đầu năm 2018, các cơ quan thực thi pháp luật tiếp tục bắt giữ gần 1 tấn ngà voi, hơn 7 tấn tê tê.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng Việt Nam cũng thường xuyên tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế với các nước trên thế giới, chuẩn bị các điều kiện cần thiết tiến tới ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp với các nước, đặc biệt là các nước nguồn cung động vật, thực vật hoang dã; Nâng cao nhận thức, đảm bảo sinh kế cho người dân sống trong các khu bảo tồn thông qua việc ban hành và thực hiện các chính sách về quản lý rừng bền vững.

Điều này chứng tỏ Chính phủ Việt Nam luôn ưu tiên thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, trân trọng những nguồn tài nguyên thiên nhiên của quốc gia, khu vực và quốc tế.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn – Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Những kết quả đạt được rất khả quan, tuy nhiên chúng ta vẫn chưa thực sự chặn đứng được các hành động buôn bán ĐTVHD. Vậy trong thời gian sắp tới, Việt Nam sẽ có những kế hoạch cụ thể gì để “mạnh tay” hơn đối với những hành động này?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Về các quy định pháp luật, trong năm 2018, Chính phủ Việt Nam sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Lâm nghiệp, Luật Thuỷ sản, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để việc thi hành Bộ luật Hình sự và các luật chuyên ngành về bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ động vật, thực vật hoang dã đạt hiệu quả cao.

Về thực thi, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ các cơ quan điều tra, cơ quan truy tố và cơ quan xét xử để đưa ra xét xử các vụ án liên quan đến động vật, thực vật hoang dã với những án phạt thích đáng. Cùng với đó, sẽ đẩy mạnh phối hợp liên ngành, phối hợp với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực cho các cơ quan thực thi, cơ quan khoa học, tập trung nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn.

Nâng cao nhận thức về động vật, thực vật hoang dã và vai trò của công tác bảo tồn thiên nhiên trong các cộng đồng dân cư, đặc biệt là tại các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu rừng; cân bằng giữa phát triển kinh tế – xã hội với công tác bảo tồn ở các địa phương. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế thông qua việc đánh giá và tiếp tục thực hiện các Biên bản ghi nhớ về kiểm soát buôn bán động vật, thực vật hoang dã với Trung Quốc, Campuchia, Lào, Indonesia, Cộng hoà Séc, Nam Phi, tiến tới ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Mozambique.

Dự kiến vào tháng 10, theo lời mời của Vương quốc Anh, phái đoàn cấp cao của Chính phủ Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ 4 về chống buôn bán trái pháp luật động thực vật hoang dã tại London để tiếp tục cùng các quốc gia và tổ chức quốc tế khẳng định cam kết và đưa ra những hành động mới chống lại vấn nạn buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã.

Báo cáo một năm thực hiện Tuyên bố Hà Nội về chống buôn bán trái pháp luật các loài ĐTVHD cho thấy, tội phạm về động thực vật hoang dã hoạt động xuyên quốc gia và đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia để giải quyết vấn nạn này. Việt Nam đang có các cơ chế hợp tác quốc tế như thế nào bên cạnh việc tổ chức các hội thảo, hội nghị quốc tế? 

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Về cơ chế hợp tác đa phương, Việt Nam tham gia và là thành viên tích cực của nhiều hiệp định liên chính phủ về bảo vệ động vật, thực vật hoang dã quan trọng như: Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES); Công ước đa dạng sinh học (CBD); Công ước bảo tồn các vùng đất ngập nước (Ramsar); Diễn đàn Hổ toàn cầu (GTF); Sáng kiến Hổ toàn cầu (GTI); Mạng lưới thực thi luật bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã khu vực Đông Nam Á (ASEAN-WEN).

Việt Nam cũng là thành viên tích cực của các tổ chức quốc tế tham gia bảo vệ động vật hoang dã như Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), Tổ chức Hải quan thế giới (WCO). Các tổ chức này cùng với Ban thư ký CITES, Cơ quan Liên hợp quốc về ma tuý và tội phạm (UNODC) và Ngân hàng thế giới thành lập Liên minh quốc tế về phòng chống tội phạm xâm hại động vật, thực vật hoang dã (ICCWC).

Do đó, có thể khẳng định những nỗ lực của Việt Nam đã đáp ứng kịp các yêu cầu của thế giới trong công tác kiểm soát buôn bán động vật, thực vật hoang dã, tham gia có trách nhiệm các cơ chế hợp tác đa phương.

Về cơ chế hợp tác song phương, tại các diễn đàn về bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, Việt Nam luôn chủ động trao đổi và đề xuất các ý kiến, giải pháp phối hợp tăng cường kiểm soát hoạt động buôn bán giữa các quốc gia nguồn gốc, quốc gia trung chuyển và quốc gia tiêu thụ (điểm đến cuối cùng) và nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế. Cụ thể Việt Nam đã ký các Biên bản ghi nhớ, thoả thuận hợp tác song phương trong lĩnh vực này với các quốc gia: Indonesia, Nam Phi, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Cộng hoà Czech, Mozambique.

Việc ký và thực hiện các biên bản ghi nhớ chính là minh chứng hiệu quả cho cơ chế hợp tác song phương về kiểm soát buôn bán động vật, thực vật hoang dã mà Việt Nam thực hiện.

Qua việc thực hiện hợp tác song phương và hợp tác đa phương, Việt Nam đã khẳng định các cam kết quốc tế tham gia, trao đổi các thông tin, kinh nghiệm, đào tạo cán bộ với các đối tác, xây dựng và phát triển các mối quan hệ giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam với các cơ quan chức năng của nước bạn, xây dựng cơ chế phối hợp thông tin hỗ trợ công tác kiểm soát buôn bán động vật, thực vật hoang dã đạt hiệu quả.

Xin cảm ơn những chia sẻ của Thứ trưởng!