Gỗ bị khai thác trái phép ở nơi “giữ rừng tốt nhất Kon Tum”

Phá rừng, khai thác gỗ trái phép vẫn diễn ra ở khu vực rừng xã Đăk Rơ Nga – nơi được mệnh danh “giữ rừng tốt nhất Kon Tum”.

Chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên, thực hiện các giải pháp cấp bách bảo vệ và khôi phục rừng tự nhiên của Chính phủ đến nay đã qua 4 năm triển khai. Nhưng bất chấp những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, rừng Tây Nguyên thời gian qua vẫn bị xâm hại nghiêm trọng và ngày càng suy giảm về số lượng, chất lượng.

Phá rừng vẫn diễn ra phổ biến. Đặc biệt là việc khai thác gỗ trái phép tại khu vực rừng xã Đăk Rơ Nga, lâm phần Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô (huyện Đăk Tô), tỉnh Kon Tum – nơi được mệnh danh “giữ rừng tốt nhất tỉnh ”.

Cây gỗ lớn bị khai thác trái phép.

Tiếp cận hiện trường phá rừng

Từ xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô, người dân liên tục cung cấp thông tin về tình hình khai thác, vận chuyển gỗ trái phép tại lâm phần Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô, khu vực do Trạm gác cửa rừng Đăk Rơng quản lý.

Theo A H. (một người dân địa phương), thời gian gần đây việc khai thác diễn ra khá rầm rộ. Ở trong rừng, cả trăm cây gỗ lớn đã bị triệt hạ và bị cưa xẻ ngay tại chỗ. Việc lâm tặc hoành hành khiến những người dân địa phương rất bức xúc.

Nguồn tin của A H. là khá tin cậy khi kèm theo địa điểm cụ thể và đường đi để tiếp cận nơi rừng bị khai thác. Khu vực đang bị phá nhiều nhất là gần đỉnh núi Ngok Ló, đỉnh núi cao nhất trong vùng rừng này. Tuy nhiên, “việc tiếp cận khu vực rừng bị phá là rất khó, đường xa mà lại rất nguy hiểm. Lâm tặc manh động lắm, toàn bọn nghiện với xã hội đen thôi. Không cẩn thận là chúng xử mình ngay”- A H. cảnh báo.

Để đảm bảo an toàn cho chuyến đi, nhóm phóng viên VOV đề nghị Hạt Kiểm lâm Đăk Tô, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô và UBND xã Đăk Rơ Nga phối hợp đi kiểm tra thực tế. Qua đó, lực lượng địa phương gồm Công an xã, Kiểm lâm địa bàn và nhân viên Công ty lâm nghiệp cùng nhóm phóng viên VOV phối hợp đi vào rừng. Từ Trạm gác cửa rừng Đăk Rơng, chúng tôi phải đi bộ hơn 10km với cung đường toàn dốc đứng, sỏi đá, trơn trượt. Và phải mất hơn 4h đi bộ liên tục mới đến khu vực rừng thuộc đỉnh núi Ngọc Ló.

Từ đây, hiện trường khai thác gỗ trái phép bắt đầu hé lộ với hàng loạt cây gỗ lớn bị triệt hạ.

Vết cưa còn rất mới.

Triệt hạ để dọn đường kéo gỗ

Tại khu vực rừng thuộc núi Ngok Ló, theo trục đường chính trong rừng, cứ có lối mở vào rừng, đặc biệt là có vệt bánh xe còn mới hoặc cây cối mới bị dọn dẹp thì đi vào là sẽ thấy ngay hiện trường khai thác gỗ trái phép. Trên cung đường này, có cả trăm lối mở cả cũ và mới theo hình xương cá đã được mở.

Ở khu vực này, lâm tặc chỉ chọn những cây có giá trị cao để khai thác. Tại một gốc cây mới bị cưa hạ, một nhân viên của Công ty lâm nghiệp đi cùng cho biết, đó là cây Dổi và đo được đường kính khoảng 70cm. Hiện trường mà chúng tôi tiếp cận, chủ yếu còn lại những tấm bìa và những gốc cây cổ thụ với vết cưa xẻ và mùn cưa còn khá mới. Những cây gỗ lớn bị cưa hạ nhưng chỉ còn phần bìa ngoài cùng với lượng mùn cưa xót lại, cho thấy, lâm tặc đã xẻ hộp và vận chuyển cả khối gỗ lớn ra khỏi rừng.

Một điểm đáng chú ý nữa là có nơi, lâm tặc đã phá cả một vạt rừng rộng 4-5m, dài cả trăm mét để đưa phương tiện vào kéo gỗ ra. Trên đường kéo gỗ, những cây gỗ kém giá trị dù có đường kính lớn đến 40-50cm cũng bị cưa hạ để dọn đường. Điều này cho thấy việc khai thác diễn ra khá quy mô.

Chủ rừng và cơ quan chức năng nói gì?

Tại cửa rừng có Trạm gác cửa rừng Đăk Rơng với 12 người và họ cho rằng thường xuyên tiến hành đi tuần kiểm tra rừng nhưng chỉ có 1 số ít cây nhỏ lẻ bị chặt hạ và đã được kiểm tra đánh dấu. “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi chỉ phát hiện 4 vụ với khoảng 2mét khối gỗ”-  ông Hồ Đình Tuấn, Đội trưởng, phụ trách Trạm gác cửa rừng Đăk Rơng, cho biết.

Đối chiếu số vụ việc và khối lượng mà đơn vị quản lý rừng phát hiện, xử lý với thực tế hiện trường khai thác cho thấy có sự chênh lệch khá lớn. Qua đó cho thấy, một khối lượng lớn gỗ đã bị vận chuyển trót lọt ra khỏi rừng.

Con đường từ rừng ra phải đi qua trạm gác của rừng.

Trước thực tế này, ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô thừa nhận, việc khai thác gỗ trái phép tại lâm phần của công ty vẫn diễn ra, chưa thể triệt tiêu hoàn toàn. Công ty đã hạn chế được việc khai thác kiểu ồ ạt, vận chuyển bằng xe cơ giới, chỉ còn tình trạng khai thác nhỏ lẻ, vận chuyển bằng xe máy độ chế và hoạt động ban đêm.

Xem qua một số hình ảnh phóng viên ghi nhận gỗ bị khai thác trái phép,  Ông Chung cho rằng các vụ việc này chỉ là “nhỏ lẻ” và đã được phát hiện, xử lý. “Chúng tôi đã lập biên bản, chúng tôi đã xử lý. Thì phải nói rằng, công tác quản lý bảo vệ rừng của chúng tôi đã làm hết khả năng, làm theo trách nhiệm. Dù vậy, công tác bảo vệ rừng cũng còn khó khăn, việc nắm bắt thông tin và điểm nóng chưa kịp thời” – ông Nguyễn Thành Chung khẳng định.

Tuy nhiên, cũng chính những hình ảnh hiện trường ấy, khi làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Vũ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Tô cho biết, là đơn vị trực tiếp thụ lý, xử lý các vụ vi phạm quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn nhưng lại chưa nhận được bất kỳ một báo cáo nào của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô về khai thác trái phép tại vị trí, địa điểm khu vực rừng mà VOV phát hiện.


Trước đó, Công ty LN Đắk Tô bị tố gian dối khi kéo gỗ tang vật.

“Thông các đợt truy quét có bắt được 1 số vụ nhỏ lẻ, nhưng việc nắm bắt thông tin, phối hợp hoạt động giữa các chủ rừng nói chung, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô nói riêng, với chính quyền, ngành chức năng địa phương thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế. Việc tổ chức kiểm tra, truy  quét chưa được thường xuyên và nắm bắt các khu vực trọng điểm để tổ chức lực lượng, phối hợp với các cơ quan đủ mạnh để tổ chức kiểm tra, truy quét trên lâm phần thì chưa được chặt chẽ. Chính vì vậy cho nên tình hình vi phạm vẫn còn xảy ra” – ông Nguyễn Mạnh Vũ cho biết.

Chính phủ đã chỉ đạo đóng cửa rừng tự nhiên được 4 năm, nhưng rừng Tây Nguyên vẫn đang chảy máu và ngay cả tại Công ty lâm nghiệp Đăk Tô lâu nay được mệnh danh là nơi “giữ rừng tốt nhất Kon Tum”. Đây cũng từng là một trong số rất ít đơn vị được Hội đồng quản lý rừng thế giới FSC cấp chứng chỉ cho phương án quản lý rừng bền vững. Thế nhưng, rừng nơi đây đã và đang tiếp tục vị khai thác trái phép với quy mô không thể là nhỏ. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm của đơn vị chủ rừng và các đơn vị chức năng để rừng không còn chảy máu.