Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ 457,18 triệu USD để thực hiện 107 dự án về môi trường trong nhiều ngành, lĩnh vực tại nhiều địa phương; góp phần quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề môi trường tại Việt Nam.
Hỗ trợ giải quyết vấn đề môi trường ngày càng cấp thiết
Sáng ngày 30/05, Hội nghị Đối thoại quốc gia về Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) chu kỳ 7 được tổ chức tại Hà Nội.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho biết, cuộc đối thoại sẽ mở ra cơ những cơ hội trao đổi, hợp tác mới giữa cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các đối tác quốc tế ngày càng khăng khít hơn, các mối quan hệ đối tác sẵn có ngày càng thêm sâu sắc và nhiều mối quan hệ đối tác mới được xây dựng nhằm chung tay giải quyết các vấn đề cấp bách về môi trường tại Việt Nam hiện nay.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, GEF là một tổ chức tài chính độc lập, cung cấp nguồn vốn công lớn nhất thế giới để giải quyết các vấn đề môi trường. Kể từ khi hoạt động đến nay, GEF đã viện trợ 14,5 tỷ USD và huy động thêm 75,4 tỷ USD cho gần 4.000 dự án trong lĩnh vực môi trường.
Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết thêm, Việt Nam là thành viên của GEF từ những ngày đầu. Tính đến nay, Việt Nam đã được GEF tài trợ 457,18 triệu USD để thực hiện 107 dự án về môi trường trong nhiều ngành, lĩnh vực tại nhiều địa phương góp phần quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề môi trường tại Việt Nam.
Bà Naoko Ishi – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành GEF cho hay, Việt Nam đã hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia toàn cầu và trở thành một mô hình phát triển quan trọng. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển Việt Nam cũng phải giải quyết những thách thức lớn trong đó có vấn đề môi trường, sinh thái…
“Với những mục tiêu phát triển trong tương lai của Việt Nam như về nông nghiệp công nghệ cao, mô hình đô thị xanh… đều liên quan đến vấn đề quản lý đất đai, tài nguyên nước, tác động của biến đổi khí hậu, sinh thái, hợp tác, chuyển giao công nghệ với các đối tác lớn, có nhiều kinh nghiệm… Những vấn đề này của Việt Nam, GEF sẽ có thể hỗ trợ, làm nhà điều phối hỗ trợ Việt Nam tạo ra những chương trình hợp tác bền vững trong tương lai” – bà Naoko Ishi nói.
Nhiều lĩnh vực được GEF ưu tiên
Ông Nguyễn Thế Chinh – Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách TN&MT cho biết, Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức về quản lý tài nguyên thiên nhiên như vấn đề ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng. Suy thoái tài nguyên nhanh do khai thác quá mức, không hiệu quả và thiếu bền vững. Bên cạnh đó một số bất cập trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, cơ sở hạ tầng kỹ thuật môi trường yếu trong khi khu vực tư nhân hạn chế đầu tư vào môi trường. Do đó, rất cần sự hỗ trợ của GEF trong việc triển khai các dự án về môi trường trong thời gian tới.
Bà Diji Chandrasekharan Behr – đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, WB sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện những dự án về môi trường, và ưu tiên lồng ghép trong 4 lĩnh vực quan trọng đó là đa dạng sinh thái, bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn đất và chống biến đổi khí hậu.
Trên cơ sở ý nghĩa, mục đích của hội nghị Đối thoại quốc gia về GEF chu kỳ 7, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các đại biểu rà soát kết quả thực hiện các dự án trong chu kỳ 5 và 6 (2010 – 2018); đúc kết bài học kinh nghiệm nhằm tiến tới thực hiện có hiệu quả hơn các dự án được GEF tài trợ trong chu kỳ tới.
Bên cạnh đó, xây dựng định hướng quốc gia của Việt Nam trong chu kỳ 7 của GEF nhằm thực hiện cam kết quốc tế trong 7 lĩnh vực: đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, hóa chất và chất thải, các vùng nước quốc tế, suy thoái đất, quản lý rừng bền vững và tiếp cận tổng hợp đa lĩnh vực.