Tỉnh Lâm Đồng cấp phép tận thu cát trên địa bàn huyện Di Linh nhưng công ty lập công xưởng hút cát tại huyện Hàm Thuận Bắc của tỉnh Bình Thuận.
Ngày 25-5, theo đơn kêu cứu của người dân về việc phá rừng, khai thác cát trái phép ở khu vực hồ thủy điện Hàm Thuận-Đa Mi ở xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận), chúng tôi có mặt tại khu vực này.
Đúng như phản ánh của người dân, việc khai thác cát trong lòng hồ diễn ra công khai.
Nơi hút cát cách trụ sở xã 200 m
Thủy điện Hàm Thuận-Đa Mi nằm trên sông La Ngà thuộc lưu vực sông Đồng Nai. Hồ chứa hơn 25 km2 nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận.
Khi vừa tiếp cận khu vực, đập vào mắt mọi người là một xưởng đóng tàu lộ thiên, các thợ hàn đang trần lưng đóng một tàu vỏ sắt lớn để hút cát.
Khi tiếp cận “công xưởng”, ngoài chiếc tàu vỏ sắt đang thi công, phía dưới là một sà lan lớn đang bơm cát, tiếng máy nổ giật cục to đùng vang ra cả một vùng. Trên bờ là một chiếc máy múc loại lớn đang gom cát thành đống như quả núi. Nước từ hoạt động rửa cát phun ra từ các ống nhựa làm xói lở con đường xuống hồ thành một con mương lớn. Nằm ven bờ hồ còn có hai căn nhà tôn đặt trên sà lan. Ngoài hồ, một chiếc tàu sắt khác đang di chuyển đưa ống dò tìm túi cát để hút…
Tất cả hoạt động trên đều nằm trên địa phận xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc.
Đi đò nửa vòng hồ, chúng tôi chứng kiến nhiều hàm ếch dưới các quả đồi, đe dọa cống xả nước gần đó và thân đập thủy điện.
Theo người dân địa phương, “công xưởng” này là của ông Đỗ Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Cát Lợi, hoạt động tại lòng hồ hơn một năm nay. Trong khi trụ sở UBND xã Đa Mi nằm trên một ngọn đồi, cách “công xưởng” chỉ 500 m, dễ dàng nhìn thấy.
Khai thác trái phép
Ngày 29-5, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hùng Việt, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận, khẳng định qua rà soát các hồ sơ, tỉnh Bình Thuận không hề cấp phép cho đơn vị hay công ty nào khai thác cát tại hồ Hàm Thuận-Đa Mi.
Còn ông Huỳnh Anh Vũ, Chủ tịch UBND xã Đa Mi, cho hay: Công ty Tuấn Cát Lợi được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép nạo vét, tận thu cát trên lòng hồ đoạn đi qua địa phận huyện Di Linh, Lâm Đồng. “Trước đây công ty chỉ xin quá cảnh vận chuyển cát từ Di Linh sang nhưng sau đó dân phản ảnh là họ tổ chức hút cát trên lòng hồ Hàm Thuận đoạn qua xã Đa Mi. Chúng tôi đã yêu cầu doanh nghiệp cam kết không khai thác trái phép. Xã đã liên hệ Nhà máy thủy điện Hàm Thuận-Đa Mi, yêu cầu họ cử người giám sát. Gần đây chúng tôi lại tiếp tục tiếp nhận thông tin từ dân là công ty hút cát trái phép” – ông Vũ nói.
Ông Vũ cho hay xã sẽ tiếp tục làm việc với Nhà máy thủy điện Hàm Thuận-Đa Mi để yêu cầu đơn vị này phối hợp giám sát.
Trong khi đó, ông Lê Văn Quang, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi, cho biết: Công ty chỉ quản lý vận hành thủy điện, còn việc cấp phép hoặc tận thu khoáng sản là do địa phương quyết định. “Theo tôi biết thì tỉnh Lâm Đồng đã cấp phép cho Công ty Tuấn Cát Lợi. Sau đó thấy không đảm bảo an toàn, chúng tôi đã phản ảnh với cả tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận”.
Ông cũng cho hay sẽ cử người kiểm tra ngay việc khai thác cát gây ra các hàm ếch, đe dọa thân đập và công trình quốc gia mà chúng tôi cung cấp.
Cũng quanh khu vực hồ, có hơn 5 ha rừng bị triệt hạ mà theo phản ánh của người dân là Công ty TNHH Tuấn Cát Lợi cho người triệt hạ hàng trăm cây gỗ.
Ngày 29-5, ông Lê Hùng Việt, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận, phối hợp với cảnh sát môi trường tỉnh đến xã Đa Mi để xác minh làm rõ vụ việc. Ông Việt khẳng định: “Nếu đúng như phản ánh, công ty đã vi phạm pháp luật và chúng tôi sẽ xử lý nghiêm”.
Ông Đỗ Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Cát Lợi, cho rằng doanh nghiệp được tỉnh Lâm Đồng cấp phép khai thác, tận thu cát sỏi trong lòng hồ Hàm Thuận.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi “Vì sao được cấp phép ở Lâm Đồng nhưng lại khai thác ở Bình Thuận?”, ông Anh nói: “Tôi mời anh đến doanh nghiệp làm việc để nói cho anh hiểu. Tôi có giấy phép đầy đủ, không thiếu thứ gì”. |