Sau khi báo chí thông tin về tình trạng săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trái phép tại một số tỉnh miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là tại An Giang, Tổng cục Lâm nghiệp và Chi cục Kiểm lâm vùng 3 (Cục Kiểm lâm) đã yêu cầu Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang làm rõ nội dung báo nêu và báo cáo lại.
Từ ngày 23-27/4, Báo Lao động và Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường lần lượt đăng bài phản ánh tình trạng nhiều đầu nậu vùng Tây Nam Bộ tiến hành thu mua động vật hoang dã trái phép bao gồm một số loài quý, hiếm có nguồn gốc từ Campuchia rồi “phù phép” chúng thành động vật nuôi trong những trang trại được cấp phép để dễ bề buôn bán trong nước và xuất sang Trung Quốc.
Đặc biệt, bài báo đề cập một số hình ảnh, bằng chứng cho thấy có dấu hiệu móc nối giữa cán bộ Chi cục Kiểm lâm An Giang và một chủ trang trại gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn huyện An Phú trong việc hợp thức hóa giấy tờ cấp phép vận chuyển động vật hoang dã.
“Giá” mỗi tờ thông hành được tính bằng kilogam động vật, trung bình khoảng 20.000 đồng/kg.
Theo phản hồi mới đây của Chi cục Kiểm lâm An Giang, sau khi báo chí phản ánh và cấp trên chỉ đạo, Chi cục đã phối hợp với Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh An Giang mời Bà Tân Thị Thúy H., chủ trang trại gây nuôi trên địa bàn huyện An Phú lên làm việc, đồng thời kiểm tra cơ sở của bà H về các nội dung chứng nhận đăng ký gây nuôi các loài động vật hoang dã; cập nhật theo dõi nhập, xuất các loài gây nuôi theo quy định; số lượng loài được phép gây nuôi hiện có.
Kết quả cho thấy trại nuôi của bà H. chưa có đề án bảo vệ môi trường cho hoạt động gây nuôi; chưa thực hiện đầy đủ quy định về hồ sơ lâm sản và trình tự thủ tục quản lý, cụ thể là chậm báo cáo tình hình tăng giảm đàn vật nuôi cũng như số liệu xuất – nhập lâm sản hàng năm. Hiện Chi cục đã chỉ đạo xử lý vi phạm hành chính đối với cơ sở bà H.
Điều đáng chú ý trong nội dung phản hồi của Chi cục Kiểm lâm An Giang là diễn biến thời gian làm việc với chủ cơ sở tại An Phú: Ngày 26/4/2018, Chi cục mời bà H. lên làm việc để xác minh các thông tin nêu trong bài báo, ngày 27/4/2018, PC49 làm việc với cơ sở bà H. liên quan đến quản lý nghiệp vụ về môi trường và ngày 9/5/2018, hai đơn vị mới phối hợp kiểm tra “đột xuất” cơ sở gây nuôi của bà H.
Về thông tin một cán bộ kiểm lâm tên T. giao giấy xác nhận nguồn gốc động vật cho nhóm khách “ảo”, Chi cục Kiểm lâm thừa nhận hành vi cán bộ T. đưa giấy là thật nhưng do “xuất phát từ mong muốn trả hồ sơ, thủ tục xác nhận sớm cho người dân nhằm tạo điều kiện để người dân vận chuyển hàng hóa được nhanh chóng chứ “không có việc viết giấy và thu tiền”. Tuy nhiên, đây cũng là hành vi dễ gây hiểu nhầm, vì vậy Chi cục Kiểm lâm sẽ nghiêm túc, chấn chỉnh”.