Chiến dịch “Biển Việt Nam xanh”, từ ngày 18/5 đến 26/5 do Bộ VHTTDL phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động đã khép lại. Các hoạt động bảo vệ môi trường biển tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, người ta cũng thấy rằng biển Việt Nam đang bị đe dọa vì mức độ ô nhiễm vẫn gia tăng.
Tín hiệu cảnh báo
Chiến dịch “Biển Việt Nam xanh” năm 2018 với chủ đề “Du lịch Xanh- phát triển bền vững” triển khai tại 5 tỉnh, thành ven biển miền Trung gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị và Đà Nẵng hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng để bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đây là vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm bởi tình trạng ô nhiễm biển (vùng ven bờ) từ lâu đã được báo động.
Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.200 km. Cả nước có 28/63 tỉnh, 123 huyện có bờ biển, hơn 2.770 hòn đảo và các bãi tắm đẹp từ miền Bắc vào miền Nam. Theo cơ quan chức năng, có tới 70% số lượng khách quốc tế đến với Việt Nam và 50% khách nội địa chọn du lịch biển, mang lại 70% doanh thu cho ngành du lịch mỗi năm.
Nhưng, hồi cuối tháng 1 năm nay, một nhóm các nhà nghiên cứu người Mỹ và Úc, dẫn đầu bởi Jenna Jambeck- một kỹ sư môi trường làm việc tại Đại học Georgia (Mỹ) cho rằng Việt Nam đứng thứ 4 trong danh sách những nước xả rác thải nhựa trái phép ra biển, với 1,8 triệu tấn mỗi năm. Nghiên cứu này dựa trên số liệu thu thập tại các vùng duyên hải trong khoảng thời gian kéo dài 5 năm. Nếu đúng, thì đây là tín hiệu cảnh báo rõ ràng về biển của chúng ta đang bị ô nhiễm nặng. mà trước hết là do ý thức con người. Nghiên cứu cũng cho thấy, tại một số điểm du lịch như vịnh Nha Trang, ước tính mỗi ngày có tới 10 tấn rác thải được xả trực tiếp ra biển. Hoặc như bãi biển Mỹ Tân (Ninh Thuận), khách tham quan đã không còn ngạc nhiên trước tình trạng rác ngập bờ biển do bị sóng đánh dạt vào.
Nguyên nhân
Theo các nhà khoa học môi trường, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường biển xuất phát từ nhiều nguyên: Do các chất khí thải ra từ hoạt động công nghiệp và sinh học; Do các loại hóa chất bảo vệ thực vậy và chất độc hóa học; Do các tác nhân phóng xạ; Do tiếng ồn, bụi, khói; Do sinh vật gây bệnh và một số nguyên nhân khác- trong đó ý thức kém của cộng đồng là then chốt.
Nguyên nhân gây ô nhiễm từ phía con người gây ra gồm các nguồn chất thải từ các khu chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, khu giết mổ, chế biến thực phẩm. Nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất được xây dựng dọc theo bờ biển, đã xả thải gần như trực tiếp vào biển. Người dân với thói quen dùng túi nilon, vật dụng gia dụng chế biến từ nhựa cũng “quẳng” xuống biển những phế thải không tiêu hủy, làm biển bị ô nhiễm.
Ô nhiễm môi trường biển là thách thức lớn trong phát triển kinh tế biển nói chung và sức khỏe con người nói riêng.
Ô nhiễm biển ảnh hướng trực tiếp tới đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy hải sản giảm sút. Hiện có khoảng 100 loài hải sản ở cấp độ nguy cấp khác nhau và trên 100 loài đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam. Năng suất tôm nuôi quảng canh trong rừng ngập mặn bị giảm sút từ khoảng 200kg/ha/vụ và đến nay chỉ còn 80kg/ha/vụ. Bên cạnh đó 1ha rừng ngập mặn trước đây có thể khai thác được 800kg thủy sản nhưng hiện nay chỉ thu được 1/20 so với trước.
Tại biển Côn Đảo, ngư dân cho biết, lượng hải sản giảm sút rõ rệt, khiến họ phải đi rất xa mới đánh bắt được. Đáng lưu ý, vùng đảo này cách đất liền hơn 100km đường chim bay. Cũng tại đây, vốn nổi tiếng về rùa biển và cá bò biển, thì nay cũng vô cùng hiếm hoi. Nhất là cá bò biển, chúng sống nhờ vào các rạn san hô và rong biển, nhưng do bị suy giảm nên bò biển “hết đất sống”.
Trách nhiệm chính quyền, nghĩa vụ người dân
Bảo vệ môi trường biển được đặt ra từ nhiều năm trước, chí ít là kể từ khi thực hiện quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2010. Tuy nhiên, người ta vẫn nhận thấy sự chồng chéo trong quản lý, không rõ đơn vị nào chịu trách nhiệm chính từ đó dẫn tới hiệu quả thi hành thấp.
Tuy nhiên, quan trọng hơn chính là sự tham gia của cộng đồng địa phương vào tiến trình quản lý còn rất thụ động, chưa làm rõ vấn đề sở hữu, sử dụng đất ven biển và mặt nước biển cho người dân địa phương. Trách nhiệm chính thuộc về chính quyền địa phương, bên cạnh đó là ý thức của cộng đồng chưa được nâng lên. Sự phối hợp giữa cơ quan chức năng với như chính quyền địa phương lỏng lẻo, nên công tác kiếm tra, kiểm soát, cấp và thu hồi giấy phép sử dụng, khai thác tài nguyên biển chậm triển khai, nhiều nơi buông lỏng.
Việt Nam là quốc gia biển, được hưởng lợi từ biển và nhiều vùng biển của đất nước đứng vào tốp đầu biển đảo đẹp của thế giới. Hàng chục triệu con người sống nhờ biển nhưng biển vẫn bị ô nhiễm. Đó là điều không thể chấp nhận.
Cùng với những chương trình kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường biển, thì đã đến lúc phải có sự giám sát chặt chẽ và xử phạt nặng đối với những hoạt động gây ô nhiễm biển. Với những nhà máy ven biển, hành vi lén lút xả thải trực tiếp vào lòng biển phải được xử lý nghiêm, kể cả tới mức độ hình sự.
Đó là trách nhiệm của chính quyền. Nhưng còn phía cộng đồng, cùng với việc thụ hưởng nguồn lợi biển thì cũng cần nhận thức sâu sắc nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển, không chỉ cho hôm nay mà mãi mãi.