Từ trước đến nay, nhiều người vẫn tin rằng châu Âu là nơi có môi trường trong sạch nhờ ý thức gìn giữ môi trường cao của người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, những phát hiện mới nhất đang gióng lên những hồi chuông báo động về môi trường ở lục địa già.
Ngày 17-5, Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố sẽ kiện ra Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) 6 quốc gia thành viên gồm Pháp, Đức, Anh, Italia, Hungary và Romania, vì các nước này đã nhiều năm không tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng không khí.Ảnh hưởng 85% dân số thành thị
Theo Cơ quan Môi trường châu Âu, có đến 85% người dân thành thị ở châu Âu đang phải hít thở bầu không khi ô nhiễm. Cụ thể, dữ liệu thu thập được từ các trạm quan sát cho thấy 82% dân số thành thị của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) phơi nhiễm MP2,5 (hạt bụi trôi nổi có đường kính nhỏ hơn 2,5 µm – bụi mịn) trong năm 2015. Bà Joan Walley, Chủ tịch Ủy ban Kiểm tra môi trường Anh, cho biết: “Những bằng chứng mới nhất cho thấy có rất nhiều trường hợp chết sớm do ô nhiễm môi trường. Rõ ràng đây là vấn đề liên quan đến sức khỏe cộng đồng, chính phủ nên nghiêm túc xem xét vấn đề này”.
Trong năm 2010, châu Âu phải gánh chịu 1.300 tỷ EUR thiệt hại về mặt kinh tế do các ca trẻ sinh non tử vong và các bệnh do ô nhiễm không khí. Con số này tương đương gần 10% tổng GDP của toàn châu Âu năm 2013. |
London là một trong những thành phố ô nhiễm nhất châu Âu. Theo một nghiên cứu ngoại trừ một số nơi ngoại ô, còn lại hầu hết khu vực ở thủ đô nước Anh đều có các hạt mịn PM2.5 trong không khí vượt quá giới hạn cho phép của WHO 10 microgram/m3. Điều này đồng nghĩa khoảng 94% người dân London đang hít thở không khí có hạt PM2.5 chứa ít nhất 15 mg/m3. Nguồn PM2.5 bao gồm tro, bụi tự nhiên, khí đốt nhiên liệu trong nhà và khí được sản sinh từ các động cơ đốt trong của ô tô. Việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm được cho là nguyên nhân góp phần khiến hàng chục ngàn người chết sớm mỗi năm ở Anh. Ngoài ra, trẻ em lớn lên hít thở các hạt mịn PM2.5 cực nhỏ có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn và giảm chức năng của phổi.
Báo cáo của Liên hiệp quốc vào tháng 9-2017 cảnh báo tình trạng ô nhiễm môi trường ở Anh hết sức đáng quan ngại. Theo báo cáo, thị trường Anh có thể trở thành “thiên đường” của các ngành “kinh doanh bẩn” và các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn của EU, đặc biệt sau Brexit. Báo cáo cũng chỉ ra tình trạng ô nhiễm không khí tồi tệ đã gây hậu quả nặng nề. Thực tế, hơn 40.000 ca chết yểu mỗi năm tại quốc gia này được cho có liên quan tới tình trạng ô nhiễm không khí. Một nghiên cứu năm 2010 cho thấy chất lượng không khí tồi tệ là nguyên nhân dẫn tới cái chết của 4.300 người ngay tại London, gây thiệt hại khoảng 2 tỷ bảng mỗi năm.
Kinh đô ánh sáng Paris hoa lệ của Pháp cũng đã từng phải hứng chịu đợt ô nhiễm không khí được xem là tồi tệ nhất trong vòng một thập niên vào tháng 12-2016. Khi đó, cơ quan chuyên đo mức ô nhiễm không khí ở các thành phố Airparif, cho biết ô nhiễm ở Paris lên tới mức báo động do sự kết hợp giữa các loại khí thải từ phương tiện giao thông và tình trạng đốt rừng trong điều kiện thời tiết khô hanh, không có gió càng khiến các chất ô nhiễm không thể phân tán được. Tình trạng ô nhiễm không khí nặng khiến các cơ quan chức năng của Paris phải áp đặt các biện pháp hạn chế lưu lượng giao thông để giảm mức ô nhiễm.
Hơn 500.000 người chết mỗi năm
Theo số liệu mới nhất của Cơ quan Môi trường châu Âu, chỉ riêng trong năm 2014 đã có 534.471 ca trẻ sinh non tử vong ở 41 nước châu Âu do liên quan đến ô nhiễm không khí. Trong số đó có 428.000 trường hợp tử vong liên quan trực tiếp tới hạt bụi trôi nổi có đường kính nhỏ hơn 2,5 µm (MP2,5). Những hạt này có thể vào phổi và thậm chí mạch máu của con người. Bên cạnh nguồn phát thải khí độc hại chủ yếu là NO2 và khói bụi từ các nhà máy điện, khu công nghiệp và các hộ gia đình, khí thải của phương tiện giao thông là nguyên nhân chính gây ra vấn đề các hạt mịn xâm nhập vào phổi. Theo Cơ quan Môi trường châu Âu, ô nhiễm không khí tại các thành phố châu lục này khiến người dân chịu tác hại tương đương với việc hút bình quân 7 điếu thuốc/ngày. Mức độ này tại các thành phố ô nhiễm ở Ấn Độ và Trung Quốc là 1 gói thuốc/ngày.
Theo báo cáo 2017, số người chết sớm vì ô nhiễm có giảm một chút so với trong báo cáo năm 2016. Nhưng nếu số người chết do các hạt bụi siêu nhỏ giảm, số người chết do khí dioxyde azote lại tăng. Đó là hậu quả của vụ tai tiếng khí thải mang tên Dieselgate. Nếu tính số người chết, Đức – nước đông dân nhất châu Âu – bị ảnh hưởng nhiều nhất (81.160 người chết sớm), tiếp theo là Italia và Anh. Pháp đứng thứ 5 về số người chết sớm vì ô nhiễm không khí. Ba Lan đứng thứ tư, nhưng nếu theo tỷ lệ dân số, Ba Lan bị ảnh hưởng nặng nề nhất, vì dân số ít mà có tới 48.690 người chết. Về nguyên nhân, không khí tại Ba Lan chủ yếu ô nhiễm do người dân sử dụng hệ thống sưởi bằng than. Còn tại Italia, miền Bắc bị ô nhiễm nhất vì tập trung quá nhiều nhà máy công nghiệp, khu dân cư và mạng lưới giao thông dày đặc. Các thành phố lớn của Pháp như Paris, Lyon, Marseilles có tỷ lệ hạt bụi siêu nhỏ quá cao, chủ yếu do lưu lượng xe cơ giới, nhất là xe tải và người dân dùng nhiều củi để sưởi ấm.
Theo EC, họ sẽ kiện 6 quốc gia Pháp, Đức, Anh, Italia, Hungary và Romania vì thất bại trong việc “đưa ra các biện pháp đáng tin cậy, hiệu quả và kịp thời để giảm ô nhiễm càng sớm càng tốt, theo yêu cầu của luật pháp EU”. Ngược lại, 3 quốc gia khác là Cộng hòa Czech, Slovakia và Tây Ban Nha đã đưa ra các biện pháp mới để giảm ô nhiễm môi trường sau cảnh báo hồi tháng 1 nên đã được loại khỏi danh sách bị kiện. “Ô nhiễm không khí không có giới hạn và nó khiến mọi người gặp rủi ro, đặc biệt là phụ nữ mang thai, trẻ em, người già hoặc người nghèo” – Giám đốc sức khỏe cộng đồng của Tổ chức Y tế Thế giới, TS. Maria Neira, cho biết lý do phải giải quyết khẩn cấp vấn đề ô nhiễm không khí.
Trước đó, ngày 22-2, ECJ đã ra phán quyết khẳng định Ba Lan không tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng không khí. EC đã kiện Ba Lan vì nước này phản ứng chậm trễ trong việc cải thiện chất lượng không khí kém do hoạt động đốt than đá và rác thải tùy tiện trên cả nước. Sau khi ECJ đưa ra phán quyết trên, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nhấn mạnh cuộc chiến chống khói bụi là một trong những ưu tiên của chính phủ nước này.
(còn tiếp)