Ngày 23-5, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án luật sửa đổi 13 luật liên quan đến quy hoạch.
13 luật được sửa đổi gồm: Luật Hóa chất; Luật Điện lực; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật An toàn thực phẩm; Luật Dược; Luật Công chứng; Luật Trẻ em; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Khoa học công nghệ; Luật Xây dựng; Luật Quy hoạch đô thị.
Theo Bộ trưởng Dũng, việc ban hành luật sửa đổi 13 luật liên quan đến quy hoạch sẽ tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch ngành. Điều này góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh và đảm bảo nguồn kinh phí cho việc lập quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030.
Tờ trình dự án luật của Chính phủ cũng nêu rõ việc loại bỏ các quy hoạch sản phẩm đang tồn tại hiện nay sẽ loại bỏ những giấy phép trái quy luật của kinh tế thị trường là bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đồng thời để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với Luật Quy hoạch. Đây sẽ là giải pháp quan trọng để thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh đảm bảo công khai, minh bạch, thông thoáng và hiệu quả…
Tại phiên thảo luận tổ về luật này, đại biểu Phạm Minh Chính cho rằng: Luật Quy hoạch là vấn đề rất quan trọng và đã được xây dựng phù hợp với tình hình phát triển.
Ông Chính cho rằng “sửa luật cần phải phân cấp nhiều hơn nữa để trung ương thì chịu trách nhiệm về những vấn đề gì thuộc tầm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của trung ương, còn của địa phương thì theo chức năng, quyền hạn của tỉnh, huyện, xã”.
Đi vào chi tiết, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) cho rằng để Luật Quy hoạch đi vào hiệu lực thì phải sửa 27 luật.
“Riêng nhóm xây dựng và quy hoạch đô thị nếu chúng ta sửa như trong dự thảo này thì trong kỳ họp thứ 6 sẽ tiếp tục thảo luận về Luật Quản lý phát triển đô thị hay còn gọi là quản lý đầu tư đô thị. Như vậy, chúng ta lại tiếp tục sửa Luật Xây dựng một lần nữa và như thế thì không biết người ta làm thế nào” – ông Kiên nói.