Ngày 18/5/2018, Hội thảo “Tham gia giám sát và đánh giá quản trị rừng ở Việt Nam: Phương pháp, kết quả và ý nghĩa chính sách” đã được tổ chức tại Đà Nẵng.
Hội thảo được tổ chức với mục đích kết nối các tổ chức xã hội, các cơ quan quản lý lâm nghiệp tại các địa phương và các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm thực hiện giám sát – đánh giá quản trị rừng gắn liền với các sáng kiến lâm nghiệp về REDD+, FLEGT và PES.
Dựa trên các chia sẻ về kết quả giám sát, đánh giá, Hội thảo đã thảo luận và góp ý cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết thực hiện một số điều của Luật Lâm nghiệp với tầm nhìn về thúc đẩy quản trị rừng tốt hơn.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ về các phương pháp, công cụ và mô hình đánh giá quản trị rừng ở cấp cảnh quan, cấp lưu vực, cấp quốc gia, bên cạnh các kinh nghiệm thực hiện giám sát thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng; giám sát tái cơ cấu quản lý và sử dụng đất của các công ty lâm nghiệp…
Bằng việc sử dụng các nguyên tắc quản trị, ba nhóm vấn đề của dự thảo Nghị định đã được các đại biểu tập trung thảo luận, gồm: giao rừng và cho thuê rừng; quản lý gỗ hợp pháp; và chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Các kết quả thảo luận tại Hội thảo sẽ được tổng hợp nhằm đóng góp cho quá trình soạn thảo Dự thảo quy định thực hiện Luật Lâm nghiệp, đồng thời kết nối, thúc đẩy các tổ chức xã hội cùng phối hợp xây dựng và thí điểm khung giám sát quản trị rừng độc lập trong thời gian tới.
Hội thảo do Trung tâm Con người và Rừng (RECOFTC), Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF-Việt Nam) và Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp tổ chức trong khuôn khổ Dự án Tiếng nói vì Rừng Mê Kông (Voices for Mekong Forests) do Liên minh Châu Âu tài trợ.