Bất ổn tại dự án kim loại màu gần 1.300 tỷ lớn nhất nước

Để có mặt bằng phục vụ cho việc triển khai dự án Tổ hợp đồng Sin Quyền, hơn 50 hộ dân thôn Minh Trang, xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát (Lào Cai) đã tìm nơi ở mới.  Tuy nhiên, do thiếu tầm nhìn quy hoạch, sau nhiều năm và nhiều lần di chuyển, họ vẫn chưa thể an cư, lạc nghiệp.

Khu vực người dân sinh sống ngay sát khu vực tuyển đồng

Năm 2003, dự án Tổ hợp đồng Sin Quyền được khởi công xây dựng trên địa bàn 2 xã Cốc Mỳ và Bản Vược thuộc huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai. Đây là dự án kim loại màu lớn nhất cả nước khi đó với tổng vốn đầu tư gần 1.300 tỷ đồng. Dự án bao gồm 2 khu: Mỏ tuyển và nhà máy luyện đồng. Để có mặt bằng, hàng trăm hộ dân thuộc hai xã Bản Vược và Cốc Mỳ đã phải di chuyển đến nơi ở mới nhường đất cho dự án.

Riêng hơn 50 hộ dân ở thôn Minh Trang, xã Cốc Mỳ đã phải di chuyển đến 3 lần khiến cho đời sống bà con nơi đây vô cùng khó khăn. Ông Lê Minh Tuyên, trưởng thôn Minh Trang cho biết, lần di chuyển đầu tiên là vào năm 2003, lúc đó dự án Tổ hợp đồng Sin Quyền bắt đầu xây dựng. Vị trí di dời cách nơi ở cũ vài trăm mét. Lần di dời thứ hai là vào năm 2009, để phục vụ cho việc mở rộng dự án bà con nhân dân trong thôn tiếp tục phải di dời một lần nữa về khu tái định cư cách nơi ở cũ cũng khoảng vài trăm mét.

Trong quá trình khai thác mỏ đã tạo ra lượng bụi rất lớn nên việc gây ô nhiễm môi trường là không tránh khỏi. Chính vì vậy, để bảo đảm đời sống, sinh hoạt của người dân trong thôn, năm 2016, huyện Bát Xát đã có chủ trương di chuyển các hộ dân về khu tái định cư mới.

“Cụ thể thì đến tháng 7/2017 các hộ dân thôn Minh Trang được thông báo sẽ di dời đến khu tái định cư mới được bố trí tại hai điểm đó là thôn 1 và thôn 3 của xã Bản Vược. Chúng tôi rất mệt mỏi vì chỉ hơn chục năm mà phải di chuyển đến 3 lần như vậy rất khó ổn định cuộc sống”, ông Tuyên than phiền.

Ông Lê Minh Tuyên, trưởng thôn Minh Trang

“Chúng tôi thấy lạ một điều là cùng một dự án tại sao các cơ quan chức năng ngay từ đầu không có quy hoạch dài hạn, lường trước việc nhà máy sẽ mở rộng quy mô, rồi cả việc trong quá trình sản xuất bụi, khói, tiếng ồn… ảnh hưởng tới môi trường sống. Để từ đó có cơ sở trong việc bố trí bà con chúng tôi ở xa hẳn khu vực ảnh hưởng của nhà máy đi. Chứ bây giờ phải di chuyển quá nhiều lần thế này thử hỏi dân chúng tôi không an cư thì làm sao lạc nghiệp được”, hộ ông Phạm Văn Thuấn bức xúc.

Theo trưởng thôn Lê Minh Tuyên, cả thôn có 58 hộ thì 100% hộ làm nông nghiệp, không có nghề phụ nào. Tuy nhiên, sắp tới về nơi ở mới mỗi hộ chỉ được bố trí đủ đất để làm nhà chứ không có đất sản xuất. “Mỗi hộ sẽ được cấp 100 mét vuông đất. Với diện tích này chúng tôi chỉ đủ để làm cái nhà để ở thôi. Còn một số hộ được bố trí ở thôn 3 thì nghe nói diện tích sẽ rộng hơn nhưng để sản xuất thì chắc rất khó. Như vậy thì về nơi ở mới sắp tới chúng tôi cũng chưa biết làm gì để sống”, ông Tuyên phân vân.

Trao đổi với NNVN, ông Trần Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Cốc Mỳ cho biết: Những khó khăn đối với nơi tái định cư mới, địa phương đã biết và cũng có hướng chuyển đổi nghề cho bà con. “Cụ thể như ở khu tái định cư thôn 1, xã Bản Vược nằm ngay khu vực cửa khẩu tiểu ngạch. Khu vực này luôn có rất đông lao động tự do làm nghề bốc xếp hàng hóa, rồi hàng ngày có hàng trăm xe chở hàng từ xuôi lên. Chính vì vậy, khi về đây sinh sống bà con có thể mở cửa hàng, quầy tạp hóa buôn bán…”.

Định hướng là vậy, nhưng theo các hộ dân, họ đang rất lo lắng. Bởi bao lâu nay họ chỉ quen với ruộng đồng bây giờ bảo đi buôn bán cũng chưa biết buôn cái gì, bán cái gì. Mấy chục hộ chẳng lẽ nhà nào cũng mở quán bán hàng thì bán cho ai. Chính vì những lo lắng này mà hiện tại 58 hộ dân thôn Minh Trang chưa có hộ nào chuyển về nơi ở mới.

Nhiều người dân đã nhận tiền, nhận đất tái định cư nhưng vẫn lo lắng
Khu tái định cư đã được phân lô cho người dân Minh Trang
Ông Đinh Tiến, PGĐ Chi nhánh Mỏ tuyển đồng Sin Quyền Lào Cai (thuộc Tổng Cty Khoáng sản Việt Nam – TKV) cho biết, quan điểm của đơn vị chủ đầu tư đó là hoàn toàn thống nhất với những đề xuất của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc quy hoạch, tái định cư cho người dân. Việc di chuyển làm sao vừa bảo đảm an toàn cho người dân cũng như thuận lợi cho hoạt động của nhà máy.

Đến thời điểm này, nhà máy đã đầu tư khoảng 70 tỷ đồng cho hai khu tái định cư thôn 1 và thôn 3 xã Bản Vược. Bên cạnh đó, việc đền bù giải phóng mặt bằng, nhà máy cũng sẽ thực hiện theo thống kê của các cơ quan chức năng huyện Bát Xát.

Nguồn: