Trong định hướng phát triển du lịch sinh thái tại Việt Nam, các vườn quốc gia (VQG) với hệ động, thực vật đặc sắc, đa dạng được coi là nguồn tài nguyên đặc biệt quý giá. Tuy nhiên, việc khai thác, quản lý du lịch ở các VQG nước ta còn bộc lộ nhiều hạn chế, đòi hỏi phải có ngay những giải pháp để giảm những ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững.
Hiện Việt Nam có 32 VQG, trong đó có 11 VQG ở miền bắc, 12 VQG ở miền trung và Tây Nguyên, chín VQG ở miền nam. Việc tổ chức các ban quản lý VQG giúp thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ quan trọng: Bảo vệ, hồi phục rừng cùng các tài nguyên, di sản tự nhiên, văn hóa lịch sử; phục vụ việc nghiên cứu, thực nghiệm khoa học; tuyên truyền, giáo dục việc bảo vệ rừng, hướng nghiệp lâm nghiệp; đồng thời góp phần nâng cao đời sống của người dân vùng đệm theo mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững. Song tổng diện tích VQG ở nước ta chỉ chiếm 3% diện tích lãnh thổ so với mức trung bình 6% của thế giới, vì thế VQG càng cần được bảo vệ, khai thác đúng hướng.
Những năm gần đây, ngày càng đông khách du lịch quan tâm tìm hiểu và tìm đến các VQG, tạo nên sức ép không nhỏ đối với hệ sinh thái và môi trường. Chưa kể đến tác động gây ra từ những dự án hạ tầng du lịch được triển khai tại nhiều VQG, khu bảo tồn thiên nhiên. Mới đây, trong kiến nghị về quản lý du khách thăm vườn quốc gia của Công ty TransViet, một số hoạt động tiêu cực của khách tham quan rừng Cúc Phương đã khiến nhiều người, nhất là giới chuyên môn bức xúc.
Ðó là tình trạng du khách tụ tập đốt lửa trại, nhậu nhẹt la hét, tổ chức hát ka-ra-ô-kê ồn ào, đua xe… khiến thú rừng hoảng sợ, cây cỏ thiên nhiên bị giẫm đạp, tiềm ẩn nguy cơ gây cháy rừng. Rõ ràng, nếu không có những giải pháp để quản lý tốt hoạt động du lịch tại đây, những hành động như trên không sớm thì muộn cũng sẽ phá hủy nghiêm trọng hệ cân bằng sinh thái tự nhiên ở các VQG.
Theo các chuyên gia, VQG không thể là nơi để phát triển du lịch vô tội vạ với tiêu chí càng nhiều khách đến càng tốt. Du lịch VQG không dành cho tất cả mọi người mà chỉ hướng đến những du khách quan tâm và thích thú với rừng từ khía cạnh kiến thức cũng như bảo tồn. Ðây phải là những khách du lịch sinh thái thật sự có nhận thức tốt về trách nhiệm đối với môi trường; đồng thời sẵn sàng chi trả cao hơn cho những dịch vụ vệ sinh, bảo vệ, bảo trì đường sá, giao thông nội vườn dù dịch vụ có đơn sơ hơn.
Tại tọa đàm “Khu bảo tồn thiên nhiên trước làn sóng phát triển du lịch ở Việt Nam” do Trung tâm Con người và thiên nhiên phối hợp Tạp chí Bảo vệ rừng và môi trường tổ chức cách đây không lâu, GS, TS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng khẳng định: Việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên là để phục vụ người dân, do đó phát triển du lịch là xu hướng hợp lý. Nhưng trong quá trình khai thác tài nguyên để phục vụ du lịch, cần đặt lợi ích bảo tồn lên trên lợi ích kinh tế, tính toán hợp lý sức chịu tải của từng VQG, khu bảo tồn thiên nhiên một cách có trách nhiệm nhằm hướng đến sự phát triển bền vững. Ðể làm được điều này không chỉ phụ thuộc vào các cơ quan chức năng, nhà quản lý mà còn cần tới ý thức của khách du lịch.
Mới đây, sau chuyến khảo sát VQG Cúc Phương, nhằm kêu gọi việc nâng cao ý thức bảo vệ rừng của công chúng, nhất là du khách tham quan các VQG cùng những thay đổi trong công tác quản lý của các cơ quan chủ quản VQG tại Việt Nam; đội ngũ cán bộ hãng lữ hành TransViet đã đề xuất những kiến nghị cụ thể liên quan đến ba tồn tại lớn ở các VQG Cúc Phương hiện nay là: Rác thải ngập ngụa, đốt lửa tràn lan và giao thông ách tắc.
Cụ thể, đối với vấn đề xử lý rác thải, ban quản lý các VQG cần đặt thêm các thùng rác, điểm thu gọn rác, thường xuyên dọn dẹp hơn vào ngày cao điểm, phụ thu ngày lễ hoặc tăng giá vé để có ngân sách trong việc xử lý rác thải. Ðối với vấn đề quản lý đốt lửa, các VQG cần tuyệt đối cấm đốt lửa tại khu vực không được phép, xây dựng những khu nướng bảo đảm an toàn, có thiết bị phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp, cắt đặt nhân viên kiểm soát việc đốt lửa, thu phí với những người muốn đốt lửa trong khu vực này.
Liên quan đến xử lý giao thông, nhất là trong những dịp lễ, Tết khi lượng khách quá tải, cần cấm hoàn toàn xe máy cá nhân và xe ô-tô nhỏ vào trong rừng, mở rộng khu vực đậu xe tại cửa rừng; xe ô-tô chở đoàn (từ 24 chỗ trở lên) được vào VQG nhưng mỗi lần vào phải đăng ký; mở một số tuyến đường đi bộ trong rừng song song với đường cái, nối các trạm với nhau; không làm đường bê-tông mà chỉ cần phát quang và làm phẳng cho dễ đi, có thể dùng vật liệu thân thiện môi trường và cảnh quan. Các kiến nghị này được rút ra từ kinh nghiệm tham quan hơn 20 VQG tại bốn châu lục trên thế giới và quan sát từ những chuyến đi tới 14 trong số 32 VQG tại Việt Nam cũng như qua tìm hiểu tài liệu khoa học và thông tin chung của TransViet.
Theo TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Ðại học Quốc gia Hà Nội), để nâng cao hiệu quả quản lý du lịch ở các VQG, vấn đề quan trọng nữa là cần đào tạo nâng cao chất lượng và có cơ chế tạo điều kiện làm việc cho nhân lực làm du lịch sinh thái tại các VQG để chuyên nghiệp hóa hoạt động, góp phần tuyên truyền nâng cao ý thức về môi trường, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên. Ngoài ra, cần có chính sách và quy định đối với các tổ chức kinh doanh du lịch để bảo đảm có sự chia sẻ lợi nhuận bằng vật chất cho cộng đồng địa phương, bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường, nơi các tổ chức này khai thác phát triển du lịch.