Ưu đãi doanh nghiệp có mối quan hệ, lại nảy sinh nhiều rủi ro trong vấn đề đất đai thời gian qua đã khiến Đà Nẵng mất điểm trong cộng động doanh nghiệp.
Chiều 15.5, TP. Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo “Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)”.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng chỉ rõ, trong hệ thống chỉ số thành phần của Đà Nẵng năm 2017, chỉ số “Môi trường cạnh tranh bình đẳng” có điểm số thấp nhất.
Năm 2017, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đà Nẵng tụt xuống vị trí thứ 2, xếp sau Quảng Ninh.
Có 5 chỉ số thành phần giảm điểm và tụt hạng, trong đó đáng chú ý là “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin” của Đà Nẵng đạt con số thấp nhất trong 5 năm qua, xếp vị trí 20, tụt 20 bậc.
Đặc biệt, chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng” tụt hạng một cách nghiêm trọng tới 19 bậc và xếp vị trí 37 toàn quốc.
Đáng chú ý, doanh nghiệp khảo sát cho rằng các hợp đồng, đất đai và các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu rơi vào tay các doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ với chính quyền thành phố.
Những điểm tối được PCI 2017 cũng chỉ ra rằng, doanh nghiệp cảm thấy phiền hà trong việc tiếp cận đất đai. Sự rủi ro trong việc bảo đảm quyền sử dụng đất và tính minh bạch của môi trường kinh doanh của các tỉnh, trong đó có Đà Nẵng cũng chưa cao.
Bên cạnh đó, đất đai là lĩnh vực dễ nảy sinh tham nhũng. Sự thiếu minh bạch cũng chính là điều kiện thuận lợi cho cán bộ gây nhũng nhiễu, phiền hà, thậm chí tham nhũng ảnh hưởng đến sự phát triển.
Bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, thời gian qua Đà Nẵng gặp phải rất nhiều vấn đề về đất đai như các dự án tại Sơn Trà, đất công sản.
Tất cả những điều này nảy sinh là do sự thiếu minh bạch, sự ưu ái của chính quyền với những doanh nghiệp lớn, các cá nhân. Điều này làm cho tính cạnh tranh của doanh nghiệp không còn bình đẳng.
“Chính quyền Đà Nẵng cần đối thoại, lắng nghe doanh nghiệp và cả người dân nhiều hơn nữa để cùng tháo gỡ những vướng mắc. Đà Nẵng cũng cần có định hướng phát triển để tạo nên những “luật chơi”.
Ví dụ như Sơn Trà, sức hút của nơi này là thiên nhiên chứ không phải là một khu du lịch bị bê tông hoá. Những điều chính quyền Đà Nẵng đã làm sai trong thời gian trước cần phải được sữa chữa. Thậm chí là việc thu hồi các dự án và trả lại tiền cho doanh nghiệp.
Tương tự như việc Đà Nẵng vừa đóng cửa hai nhà máy thép gây ô nhiễm, nhiều doanh nghiệp cho rằng điều này gây khó khăn nhưng thực tế thành phố phải lựa chọn cái gì cho phát triển của mình và các doanh nghiệp sau này phải tuân thủ theo quy định đó” – bà Huyền chia sẻ.