Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Wy (Cty Ea Wy) tiền thân là Cty Lâm nghiệp Ea Wy, được thành lập năm 2010 với tổng diện tích đất được UBND tỉnh Đắk Lắk giao và cho thuê là 11.654,10ha. Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành kết luận thanh tra quản lý, sử dụng đất tại Cty Ea Wy và chỉ ra:
Năm 2014, tổng diện tích đất tự nhiên Cty quản lý, sử dụng là 11.626,07ha, so sánh giữa diện tích đất tự nhiên Cty được giao và cho thuê với kết quả kiểm kê năm 2014 đã được UBND tỉnh phê duyệt thì có sự chênh lệch giảm về diện tích là 28,03ha.
Thanh tra việc quản lý và sử dụng đất của Cty Ea Wy từ 1/1/2012 đến tháng 10/2016 cho thấy, Cty không tổ chức thực hiện công tác giao, nhận rừng và đất rừng tại thực địa, dẫn đến không phát hiện và xác định được cụ thể đất rừng tự nhiên đã bị người dân lấn chiếm, xâm canh và sử dụng trái phép.
Trong đó có 1.930,20ha đất nông nghiệp, đất nương rẫy trong lâm nghiệp trên tổng diện tích 10.849,54ha đất tự nhiên mà Cty đang quản lý đã bị người dân xâm canh, lấn chiếm sử dụng trồng các loại cây nông nghiệp dài ngày (như: Cây điều, hồ tiêu, cao su, cà phê…) từ trước năm 2012.
Cụ thể: Có khoảng 1.020,73ha đất bị người dân xâm canh, lấn chiếm sử dụng từ trước năm 2008 (trước khi Cty được Nhà nước giao, cho thuê đất); từ năm 2008 đến năm 2012 có khoảng 909,47ha đất bị người dân xâm canh, lấn chiếm sử dụng.
Kết luận cũng chỉ rõ, từ năm 2012 đến tháng 10/2016 còn để xảy ra nhiều vụ phá rừng nhưng Cty Ea Wy không bắt được quả tang, dẫn đến khó khăn cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trong việc điều tra, xác minh, xử lý đối tượng vi phạm.
Để xảy ra tình trạng trên, theo UBND tỉnh là do công tác tuần tra, bảo vệ rừng của Cty Ea Wy không được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Mặt khác, do lâm phần Cty Ea Wy quản lý rộng, lực lượng tuần tra, bảo vệ rừng của đơn vị mỏng, thiếu công cụ hỗ trợ; trình độ dân trí, điều kiện sinh hoạt của người dân (chủ yếu là người đồng bào dân tộc tại chỗ như: Ê Đê, Ja Rai và đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc di cư vào như Tày, Nùng, Dao) sống gần rừng còn thấp, sống phụ thuộc vào rừng và canh tác nương rẫy; tình trạng dân di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào làm ăn sinh sống tại địa phương còn nhiều; người dân thiếu đất sản xuất, những năm gần đây giá hồ tiêu tăng cao dẫn đến việc chặt phá rừng lấy gỗ làm trụ trồng tiêu, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy ngày càng gia tăng.
Ngoài ra, việc phối hợp, hỗ trợ với chủ rừng để xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật về rừng và đất rừng của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng chưa được quan tâm đúng mức, một số vụ việc chưa được xử lý kiên quyết, triệt để nên sau khi bị xử lý các đối tượng này lại tiếp tục vi phạm; các vụ tự ý xây dựng công trình và nhà ở trái phép trên đất lâm nghiệp, mặc dù đã được đơn vị chủ rừng báo cáo và chuyển hồ sơ nhưng không được chính quyền địa phương quan tâm xác minh, xử lý nghiêm, dẫn đến khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất rừng của đơn vị chủ rừng.
Bên cạnh đó, Cty Ea Wy chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với diện tích 105.057.295m2 đất nông nghiệp được UBND tỉnh Đắk Lắk cho Cty thuê tại Quyết định số 2954/QĐ-UBND ngày 5/11/2008.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Cty Ea Wy tăng cường công tác quản lý và bảo vệ rừng, phối hợp tốt với Hạt Kiểm lâm, UBND huyện Ea HTeo, UBND các xã, tổ chức tuyên truyền, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; rà soát, thống kê, phân loại các hộ đã nhận khoán theo Nghị định 135/NĐ-CP và xử lý theo quy định tại Điều 10, Nghị định số 168/2016/NĐ-CP của Chính phủ; xây dựng phương án thu hồi để trồng lại rừng hoặc vận động thỏa thuận, ký hợp đồng giao khoán đất theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP để trồng lại rừng và quản lý đối với diện tích khoảng 791,69ha bị các hộ dân xâm canh, lấn chiếm sử dụng làm nông nghiệp nằm trong phương án sử dụng đất đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành liên quan trong việc thực hiện bàn giao 1.020,73ha đất về cho UBND huyện Ea HTeo quản lý.
Yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Ea HTeo tập trung chỉ đạo sớm giải quyết dứt điểm các trường hợp tự ý xây dựng công trình, nhà ở, cư trú trái pháp luật trong phạm vi đất, rừng do các Cty quản lý, đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để đảm bảo tính răn đe của pháp luật…
Tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan về những khuyết điểm, tồn tại đã nêu.