Chiều ngày 13-5, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Ban Quản lý Công viên địa chất Lý Sơn tổ chức Tọa đàm khoa học “Giá trị di sản Công viên địa chất tại Quảng Ngãi”.
Công viên địa chất Lý Sơn, theo kết quả nghiên cứu ban đầu của các nhà khoa học trong và ngoài nước có giá trị địa chất, địa mạo, văn hóa, sinh thái và cảnh quan nổi bật. Về giá trị địa chất, cụm núi lửa biển Lý Sơn – Bình Châu và các vùng phụ cận có nhiều loại đất đá tiêu biểu cho nhiều chế độ phun khác nhau trong các giai đoạn từ 13 triệu năm, thậm chí nhiều khu vực trong phạm vi đề xuất có nhiều loại đất đá tồn tại hàng tỉ năm.
Về văn hóa, khu vực này còn nhiều dấu ấn của các nền văn hóa khác nhau như văn hóa đồ đá, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm Pa, văn hóa Đại Việt… giao thoa và tiếp biến lẫn nhau.
Về sinh thái, vùng biển và vùng núi trong khu vực có độ da dạng sinh học cao với nhiều loài động thực vật. Về cảnh quan, trong khu vực có nhiều thắng cảnh địa chất như Hang Câu, chùa Hang, chùa Đục, cổng Tò Vò trên cạn, cổng Tò Vò dưới nước, An Hải sa bàn, Gành Yến, mũi Tổng Bình…
Vì vậy, Ban chỉ đạo và Ban quản lý Công viên địa chất Lý Sơn đã được UBND tỉnh ra quyết định thành lập. Hiện nay, Ban quản lý Công viên địa chất Lý Sơn đã xúc tiến một số công việc để lập hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất Lý Sơn, trong đó có việc hợp đồng với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản để khảo sát, đánh giá giá trị địa chất và tư vấn lập hồ sơ, phối hợp với các đơn vị liên quan lập kế hoạch chi tiết và thực hiện các hoạt động nhằm nộp hồ sơ trình UNESCO.
Tại buổi tọa đàm, ông Setsuya Nakada, thành viên Ban cố vấn Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, chia sẻ, ông đã đến vùng Lý Sơn cách đây 2 năm trước, Công viên địa chất Lý Sơn có diện tích khá rộng, tuy nhiên các giá trị, ý nghĩa khoa học mang tầm quốc tế trong nghiên cứu vẫn khá hạn chế. Giờ đây, Công viên địa chất được mở rộng ra rất nhiều khu vực và các vùng lân cận Lý Sơn. Ông Setsuya Nakada đánh giá cao triển vọng của công viên địa chất này, đồng thời cho rằng, các đơn vị cần phải có cơ cấu, tổ chức, quản lý hiệu quả, xây dựng kế hoạch vận hành, hướng đến việc xây dựng công viên địa chất để cộng đồng địa phương hưởng lợi, như vậy cần phải có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương, qua đó, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng đưa ra những ý kiến về giải pháp bảo tồn, quy hoạch Công viên địa chất; những kiến nghị đối với tỉnh Quảng Ngãi trong nhiều năm tới để nâng cao giá trị Công viên địa chất tại Quảng Ngãi.
PGS.TS Trần Tân Văn – Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, khẳng định, sự hình thành của đảo Lý Sơn là điều rất đặc biệt, đa dạng và có sức ảnh hưởng đến sự hình thành các khu vực lân cận, do vậy, trong thời gian tới, khu vực quy hoạch Công viên địa chất sẽ rộng hơn, trong đó bao gồm các khu bảo tồn như Khu bảo tồn biển Lý Sơn, Khu bảo tồn Cà Đam – Trà Bồng, Khu bảo tồn Tây Ba Tơ.
Song song với chương trình bảo tồn rùa biển châu Á sẽ có những hoạt động bảo tồn loài và sinh cảnh tại Lý Sơn; bảo tồn và nghiên cứu giá trị về khu khảo cổ học dưới nước, các giá trị về Hải đội Hoàng Sa, các thương cảng cổ cho đến các giá trị lịch sử như Khu chứng tích Sơn Mỹ… đều sẽ nằm trong quy hoạch.
Cũng theo Viện trưởng Trần Tân Văn, trong tương lai, Ban soạn thảo tài liệu Công viên địa chất sẽ cố gắng chuyển hóa những nội dung mang tính chất khoa học chuyên môn sâu một cách dễ hiểu nhất theo khuyến cáo của UNESCO. Hiện tại, trong thời gian giải trình hồ sơ Công viên địa chất, tỉnh Quảng Ngãi cần có những hoạt động tăng cường quản lý, vệ sinh môi trường, bảo tồn các giá trị và giáo dục để người dân hiểu biết về công viên địa chất này.