Mới đây, dư luận xôn xao về vụ xây dựng công trình trái phép, được gọi là “Phủ công chúa”, trên diện tích 9.750m2 đất nông, lâm trường của Công ty cổ phần Việt Mông tại xã Yên Bài (huyện Ba Vì). Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp cá biệt. Thực tế, thời gian qua, tình trạng vi phạm đất nông, lâm trường diễn ra rất phức tạp và bộc lộ những lỗ hổng trong công tác quản lý.
Ngang nhiên xây dựng trái phép
Theo UBND huyện Ba Vì, công trình trên được xây dựng trái phép trên diện tích 9.750m2 đất do Công ty cổ phần Việt Mông giao khoán cho bà Doãn Thị Kim Quy (phường Cống Vị, Hà Nội) từ 15-8-2003, sau đó bà Quy bán lại cho ông Lê Viết Long vào thời điểm tháng 5-2017. Mặc dù là đất nông nghiệp nhưng ông Long đã xây dựng công trình kiên cố 2 tầng với diện tích 116m2 , có cổng vào khá đồ sộ… Ngay khi bắt đầu xây dựng, UBND huyện và xã đã nhiều lần lập biên bản đình chỉ thi công và yêu cầu chủ công trình tự tháo dỡ trước ngày 4-5-2018, nhưng đến nay công trình vẫn tồn tại.
Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bài Nguyễn Quốc Huy cho biết: “Ngoài những trường hợp xây dựng nhà trên đất giao khoán của Công ty cổ phần Việt Mông tồn tại từ nhiều năm trước, xã vừa lập biên bản đình chỉ, tạm giữ nhiều xe tải chở nguyên vật liệu của gia đình ông Vũ Ngọc Anh xây dựng nhà xưởng quy mô 1.000m2 trên đất do Công ty cổ phần Việt Mông quản lý”.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho biết, đến nay, huyện chưa thống kê được số vụ vi phạm liên quan đến việc sử dụng đất nông, lâm trường sai mục đích trên địa bàn bởi phần lớn diện tích do Bộ NN&PTNT là chủ sở hữu; nhiều nông trường chưa bàn giao đầy đủ cho địa phương… gây khó khăn trong công tác quản lý.
Thực tế, sau khi cổ phần hóa, các nông, lâm trường đã buông lỏng quản lý, không phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương làm tốt công tác quản lý đất đai, dẫn đến nhiều vi phạm. Đơn cử như đất thuộc Công ty cổ phần Việt Mông, mặc dù đang quản lý 51,92ha đất nông, lâm trường tại huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây, nhưng theo Chủ tịch UBND xã Yên Bài Nguyễn Xuân Chiến, trụ sở công ty ở nông trường thường xuyên trong tình trạng đóng cửa, chỉ có giám đốc công ty thỉnh thoảng đến làm việc.
Công tác quản lý đất nông, lâm trường gặp nhiều khó khăn không chỉ với diện tích thuộc Bộ NN&PTNT mà cả với diện tích thuộc thành phố quản lý. Đơn cử, tại huyện Sóc Sơn, theo ông Đào Văn Sửu, Đội trưởng Đội thanh tra xây dựng huyện, từ năm 2006, Thanh tra Chính phủ đã có Kết luận số 754/TTCP ngày 17-4-2006 về việc xây dựng công trình trái phép, chuyển đổi mục đích công trình trên đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng Sóc Sơn, trong đó, có nhiều công trình trên đất rừng và kết luận rõ các trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, việc xử lý rất khó khăn. Hiện trên địa bàn huyện không chỉ tồn tại các trường hợp vi phạm từ năm 2013 trở về trước chưa xử lý được mà còn phát sinh thêm 10 trường hợp xây dựng công trình kiên cố trên đất rừng, đất nông, lâm trường…
Theo Trưởng phòng TN&MT huyện Sóc Sơn Nguyễn Trường Giang, toàn huyện hiện có khoảng hơn 4.000ha đất rừng, đất nông, lâm trường. Trong đó, có khoảng 2.000ha do địa phương quản lý; diện tích còn lại do Ban quản lý rừng phòng hộ – đặc dụng Hà Nội quản lý. Đặc thù đất rừng, đất nông, lâm trường của huyện Sóc Sơn là “người có trước, rừng có sau” nên đất ở của người dân nằm trong đất rừng khiến việc kiểm soát vi phạm gặp nhiều khó khăn…
Những “lỗ hổng” cần xử lý
Theo Trưởng phòng Đo đạc bản đồ và Viễn thám (Sở TN&MT Hà Nội) Dương Văn Chỉnh, để siết chặt quản lý đất nông, lâm trường, UBND TP Hà Nội đã có Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 25-4-2013 về tăng cường công tác quản lý, sử dụng đất tại các công ty nông, lâm nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa và các nông, lâm trường, trạm trại trên địa bàn Hà Nội.
Thực hiện Chỉ thị 09, Sở TN&MT Hà Nội đã có Văn bản số 1031/STNMT-CCQLĐĐ ngày 15-2-2017 hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã và các nông, lâm trường, trạm trại trên địa bàn thành phố thực hiện rà soát, lập quy hoạch, phương án sử dụng đất của nông, lâm trường, trạm trại, đất rừng trên địa bàn thành phố và Văn bản số 2463/STNMT-ĐĐBĐVT ngày 31-3-2017 đôn đốc, triển khai nội dung trên…
Tuy nhiên, đến nay mới thực hiện được bước đo đạc bản đồ và cắm mốc ranh giới sử dụng đất. Công tác rà soát, lập quy hoạch, phương án sử dụng đất của các đơn vị sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn triển khai chậm.
Để siết chặt quản lý đất nông, lâm trường và khắc phục triệt để những lỗ hổng trong công tác quản lý trạm trại, đất rừng, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Minh Mười cho rằng, các nông, lâm trường cần khẩn trương chủ động tập trung rà soát, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo hướng dẫn.
Căn cứ vào chỉ đạo của UBND thành phố tại Chỉ thị số 09/CT-UBND thì phần diện tích đất các nông, lâm trường, trạm trại đề nghị giữ lại sử dụng, cần tiến hành lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Phần diện tích đất không sử dụng, cần bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng theo quy định.
Theo Chánh thanh tra Sở TN&MT Hà Nội Trần Anh Dũng, để thúc đẩy việc thực hiện Chỉ thị 09, từ đầu năm 2018, Thanh tra Sở đã lập 4 đoàn công tác tiến hành kiểm tra việc lập quy hoạch, phương án sử dụng đất của các nông, lâm trường, trạm trại và các đơn vị quản lý sử dụng đất rừng trên địa bàn thành phố. Việc thực hiện Chỉ thị 09 sẽ giúp vấn đề quản lý đất nông, lâm trường hiệu quả hơn; đồng thời, chấm dứt tình trạng “mua đi – bán lại”, xây dựng những công trình trái phép trên đất nông, lâm trường như thời gian qua…
Theo thống kê của Sở TN&MT Hà Nội, hiện thành phố có 10 nông, lâm trường, trạm trại thuộc Bộ NN&PTNT quản lý với diện tích hơn 7.200ha; TP Hà Nội đang quản lý 15 nông, lâm trường, trạm trại với diện tích hàng chục nghìn héc ta.