Từ lâu, các nhà khoa học đã nghi ngờ một số hạt nano trong không khí có thể xâm nhập vào máu và làm hư các mạch máu, tuy nhiên phải cách đây hơn một năm, điều này mới được chứng minh.
Lý do của sự chậm trễ này là do các hạt nano chủ yếu là các hợp chất carbon và việc tìm thấy chúng trong các dạng sống dựa vào carbon như bản thân chúng ta là vô cùng khó khăn. Do đó, các nhà nghiên cứu tại Đại học Edinburgh, Anh đã sử dụng vàng, chính xác là các hạt nano vàng vô hại và yêu cầu các tình nguyện viên hít chúng vào để theo dõi quá trình chúng tiếp xúc, thậm chí xâm nhập vào máu.
Trong vòng 15 phút, các hạt nano bắt đầu xuất hiện trong máu các tình nguyện viên và điều gây sửng sốt là chúng vẫn có thể tìm thấy trong máu và nước tiểu 3 tháng sau đó.
Tiếp theo, các nhà nghiên cứu tiếp nhận một vài bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật để hít thở các hạt nano vàng. Họ phát hiện ra rằng khi các hạt nano xâm nhập vào cơ thể, chúng tích tụ trong các mảng bám chất béo có thể phát triển bên trong động mạch, gây ra các cơn đau tim và đột quỵ.
Trong khi các hạt nano vàng hoàn toàn trơ (không phản ứng) thì các hợp chất được tìm thấy trong không khí ô nhiễm lại có thể gây ra tất cả các loại ảnh hưởng xấu, từ làm giảm sự co lại của mạch máu đến thúc đẩy đông máu, Trưởng nhóm nghiên cứu Mark Miller cho biết.
Không dừng lại ở việc chứng minh các hạt mịn ô nhiễm có thể xâm nhập vào máu và gây bệnh, Nhóm nghiên cứu tiếp tục điều tra xem liệu các hạt nano vàng có đi vào não hay không bởi ô nhiễm không khí dường như cũng làm tăng nguy cơ rối loạn não với các biểu hiện như: sa sút trí tuệ, bệnh Alzheimer và Parkinson, thậm chí một nghiên cứu gần đây còn tìm thấy các hạt sắt nhỏ có trong não người có thể bắt nguồn từ khí thải động cơ.
Có thể thấy phát hiện của các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Edinburgh đã làm sáng tỏ mối nghi ngờ bấy lâu về cái cách mà ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Tuy nhiên, điều thực sự đáng lo ngại là các luật hiện hành và các nỗ lực của cộng đồng để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí lại đang tập trung vào các hạt không đúng.
Nhà nghiên cứu David Newby, Đại học Edinburgh nhấn mạnh: “Chúng ta đang nhầm lẫn”. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ô nhiễm không khí dẫn đến cái chết sớm của hàng triệu người trên toàn thế giới mỗi năm. Ngay cả ở châu Âu, nơi sở hữu không khí trong lành cũng có tới 400.000 người chết trẻ trong một năm mà “sát thủ” đáng ngờ nhất chính là
ô nhiễm không khí. Hầu hết các trường hợp tử vong này là do có nguy cơ cao về bệnh tim mạch tức chỉ cần tiếp xúc với tình trạng ô nhiễm cao trong một thời gian ngắn là có thể gây ra các cơn đau tim và đột quỵ, trong khi phơi nhiễm lâu dài sẽ gây tổn thương mạch máu.
“Thủ phạm” thì đã quá rõ, song làm thế nào để có thể kiểm soát được thực trạng xả thải? Các luật về chất lượng không khí ở châu Âu và các quốc gia khác tuy có quy định về giới hạn hạt nhỏ hơn 2,5 micromet (được gọi là PM2.5), song đây là giới hạn trên tổng khối lượng của các hạt này trong một mét khối không khí chứ không phải là tổng số lượng. Trên thực tế thì hàng ngàn hạt siêu mịn có thể nhẹ hơn so với một vài hạt tương đối lớn.
Trong vài thập kỷ qua, khối lượng PM2,5 trên một mét khối không khí đã giảm ở hầu hết các nước giàu, tuy nhiên, do số lượng phương tiện dùng dầu diesel tại châu Âu ngày càng tăng nên David Newby nghĩ rằng số lượng hạt siêu mịn cũng tăng lên trong thời gian này.
Vậy luật pháp nên thay đổi như thế nào? Vấn đề khó khăn hơn cả là việc đo chính xác số lượng hạt siêu mịn và điều này không thể được thực hiện bằng cách sử dụng các thiết bị lề đường vốn dùng để đo ô nhiễm không khí. Nói như nhà nghiên cứu Mark Miller thì “Chúng tôi sẽ đo lường số liệu nhưng không có công nghệ ở đây”.
Chính phủ Anh hiện đang tìm cách trì hoãn kế hoạch giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí – một kế hoạch mà họ đã đưa ra sau khi thua một loạt các vụ kiện từ Nhóm môi trường ClientEarth. Mặc dù các trường hợp của ClientEarth xoay quanh những vi phạm về các giới hạn của châu Âu đối với khí nitơ dioxit chứ không phải các hạt, song một số biện pháp cần thiết để giảm nồng độ nitơ dioxit như ngưng sử dụng phương tiện giao thông dùng dầu diesel thì cũng sẽ góp phần giảm lượng hạt trong không khí.