Chiều 11/5, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức khởi động dự án “Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã” với sự tham gia của đại diện Đại sứ quán Anh, Nam Phi, Hoa Kỳ… tại Việt Nam, 15 tổ chức quốc tế cùng các bộ, ban, ngành Việt Nam…
Ngài Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink chia sẻ: “Dự án Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã” do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ không chỉ là cam kết giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ mà còn kết nối với nỗ lực của các tổ chức khác trong và ngoài Việt Nam có tham gia phòng chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã.
Các quần thể voi, tê giác giảm mạnh trên toàn thế giới, thậm chí tình trạng tê giác ở châu Á còn “tồi tệ” hơn. Con tê giác cuối cùng ở Việt Nam đã chết. Hiện còn tám loài tê tê còn tồn tại trên thế giới và đây là động vật hoang dã có vú bị buôn bán trái phép nhiều nhất. Để có thể giải quyết được vấn đề toàn cầu này, chúng ta phải cùng nỗ lực và hợp tác chặt chẽ.
Tiến sỹ Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá: “Các nỗ lực nhằm tăng cường bảo vệ những loài quan trọng như tê giác, voi, hổ, tê tê, ngoài việc đóng góp trực tiếp cho hoạt động bảo tồn các loài động vật này còn mang ý nghĩa biểu tượng, tạo động lực cho việc bảo tồn tất cả các loài động vật hoang dã khác, góp phần ngăn chặn các loại thảm họa thiên nhiên, duy trì các dịch vụ sinh thái quan trọng đối với đời sống và sự phát triển kinh tế-xã hội của cộng đồng người dân, địa phương, quốc gia và quốc tế. Việt Nam đã có kinh nghiệm trong việc quản lý giảm thiểu nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ gấu và tê giác, tuy nhiên muốn nâng cao nhận thức phải phối hợp với các cơ quan truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với các quốc gia trên thế giới.”
Với gần 10 triệu USD hỗ trợ không hoàn lại, dự án hỗ trợ Chính phủ Việt Nam phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã sẽ thực hiện ba mục tiêu tích hợp và bổ trợ lẫn nhau gồm kiện toàn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tội phạm về các các loài động, thực vật hoang dã; tăng cường thực thi pháp luật, truy tố tội phạm về các loài động, thực vật hoang dã; giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm bất hợp pháp từ động, thực vật hoang dã.
Dự án tập trung vào ba nhóm loài nguy cấp gồm tê giác, voi và tê tê ở các khu vực địa lý trọng điểm bao gồm các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, tại các điểm nóng về buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã tại các vùng biên, hải cảng và sân bay.
Dự án do Cơ quan Quản lý công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp Việt Nam phối hợp với một số cơ quan thực hiện.