Một trong những nguyên nhân dẫn đến thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường, hư hại nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh Hà Giang trong thời gian qua là do việc quản lý hoạt động khai thác khoáng sản của các địa phương, ngành chức năng còn lỏng lẻo.
Cấp phép tràn lan
Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh Hà Giang, trên địa bàn có 54 mỏ và điểm mỏ đã được UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác cho 44 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp ngoài quốc doanh và tư nhân. Những năm trước đây, hoạt động khai thác khoáng sản mang lại lợi nhuận rất lớn do khai thác thủ công, quy mô nhỏ và vừa, chỉ dừng lại ở mức quặng và tinh quặng để xuất khẩu. Tổng doanh thu ngành khai khoáng của tỉnh Hà Giang từ năm 2007 – 2010 đạt hàng trăm tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước mỗi năm hàng chục tỷ đồng, góp phần tạo việc làm cho một bộ phận lao động tại địa phương.
Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác quản lý tài nguyên môi trường, trong đó có việc cấp phép tràn lan cùng những hạn chế về năng lực, kỹ thuật, tài chính và công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản của các doanh nghiệp khai khoáng, dẫn đến nguồn tài nguyên quốc gia có nguy cơ cạn kiệt, môi trường bị tổn hại.
Báo cáo tổng kết công tác năm 2017 của Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang nêu rõ: Một số huyện, thành phố chưa làm hết trách nhiệm trong công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn… Hệ quả là, không chỉ tồn tại vấn nạn khai thác khoáng sản trái phép, mà ngay cả những mỏ đã được cấp phép cũng xảy ra nhiều sai phạm như: Khai thác ngoài diện tích được cấp phép, chưa tuân thủ thiết kế và yêu cầu kỹ thuật, an toàn khai thác mỏ.
Vắng bóng cơ quan quản lý
Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Hà Giang – nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang Cao Hồng Kỳ cho biết: Việc tiếp cận thông tin của đơn vị rất khó khăn và trở ngại cả về phía doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Về phía doanh nghiệp thì muốn trốn tránh các nhà nghiên cứu, cơ quan nhà nước thì có cơ quan ủng hộ, có cơ quan không muốn cung cấp tài liệu, bằng chứng, chứng cứ để đưa vào báo cáo… |
Đại diện UBND xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê – một trong những điểm nóng về ô nhiễm môi trường do khai thác mỏ ở Hà Giang, cho biết: Trước phản ánh của người dân, chính quyền xã không có thẩm quyền cũng như chuyên môn trong lĩnh vực khoáng sản. Bởi, theo quyết định của UBND tỉnh, UBND xã có trách nhiệm quản lý về hành chính, con người, chứ không thể đánh giá cụ thể… Thực tế, cơ quan chức năng đã nhiều lần về lấy mẫu đưa đi phân tích, nhưng kết quả ra sao xã không hề biết.
Ngoài ô nhiễm nguồn nước, người dân còn khốn khổ bởi bụi và tiếng ồn, đường giao thông bị băm nát, đi lại vô cùng khó khăn. Dân bức xúc kêu lên xã, xã lại kêu huyện, kêu nhiều quá, mới đây doanh nghiệp cũng cho sửa con đường vào xã Minh Sơn. Gọi là sửa chứ thực chất chỉ là cho xe lu nền qua những chỗ “ổ trâu, ổ voi” khoảng 1km chứ không sửa cả con đường. Nhưng với tần suất xe tải lớn chở quặng như hiện nay thì chẳng được bao lâu, con đường sẽ trở về nguyên trạng.
Để có góc nhìn đầy đủ hơn, phóng viên đã tìm đến Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang để đặt lịch làm việc, thế nhưng mọi cố gắng đều không được. Chánh Văn phòng Sở Vũ Ngọc Hà cho biết: Vấn đề khoáng sản do Giám đốc Sở trực tiếp phụ trách, nhưng lãnh đạo Sở bận họp, nếu cần sẽ trả lời bằng văn bản.
Đến nay đã hơn 1 tháng trôi qua, câu hỏi của phóng viên về việc xử lý vi phạm của các doanh nghiệp cũng như giải quyết ô nhiễm môi trường tại các điểm mỏ trên địa bàn xã Minh Sơn nói riêng, các điểm mỏ trên địa bàn tỉnh nói chung vẫn chưa được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang phúc đáp. Phải chăng, đây là sự thờ ơ, buông lỏng quản lý của ngành chức năng đối với lĩnh vực khai thác khoáng sản, để rồi bỏ mặc doanh nghiệp khai thác tự tung tự tác, bất chấp quy định của pháp luật, trong khi người dân tại các điểm mỏ đang từng ngày, mỏi mòn chờ đợi cơ quan chức năng giải quyết?!