Vị đắng từ đầu tư Trung Quốc

Sau khi tiếp nhận các khoản đầu tư khổng lồ từ Trung Quốc, không ít quốc gia nếm trái đắng: môi trường bị tàn phá, tài nguyên bị hút cạn và sập “bẫy nợ ngoại giao”…

Giới chức ngoại giao Đài Loan vừa lên tiếng chỉ trích Cộng hòa Dominica “tham vàng bỏ ngãi”. Quốc đảo vùng Caribe này đã tuyên bố chấm dứt quan hệ đồng minh kéo dài 77 năm với Đài Loan hôm 1-5 sau khi nhận gói đầu tư và vay nợ hơn 3,1 tỉ USD từ Trung Quốc (TQ).

Vỡ mộng

Gói đầu tư được cho là để “dụ dỗ” Cộng hòa Dominica đến từ nền kinh tế số 2 thế giới, bao gồm 400 triệu USD xây dựng 1 cao tốc mới, 1,6 tỉ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng và 300 triệu USD xây dựng 1 nhà máy điện khí đốt tự nhiên mới.

Cư dân nhiều làng chài ở Gambia cáo buộc Công ty Golden Lead của Trung Quốc hủy hoại môi trường sống Ảnh: REUTERS

Những khoản tiền đổ vào cơ sở hạ tầng được ví như “mật ngọt” này của TQ đang mang lại nhiều hy vọng đổi đời cho người dân quốc đảo nhỏ bé. Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo Cộng hòa Dominica cần hết sức tỉnh táo để không trở thành nạn nhân mới nhất của bẫy nợ TQ.

Những bài học xương máu về “con dao hai lưỡi” của đầu tư TQ từ hàng loạt quốc gia đã sập bẫy ngày càng chồng chất và chưa có điểm dừng. Chưa đầy 2 năm trước, các cư dân của làng chài Gunjur, cách thủ đô Banjul của Gambia khoảng 1 giờ chạy ôtô về phía Nam, từng chia sẻ một cảm giác háo hức tương tự khi chào đón một nhà máy bột cá TQ mang tên Golden Lead tại địa phương. Quốc gia châu Phi Gambia từng là đồng minh của Đài Loan nhưng đã tái thiết lập quan hệ ngoại giao với TQ vào năm 2015.

Cư dân Gunjur hy vọng công ty mới sẽ mang lại nhiều cơ hội việc làm cho một khu vực vốn chủ yếu trông cậy vào nguồn lực khiêm tốn từ du lịch và đánh bắt cá. Tuy nhiên, họ không phải đợi lâu để vỡ mộng. Chỉ sau vài tháng nhà máy mở cửa, mùi hôi thối bắt đầu đậm đặc, kéo theo đó là tình trạng nước hồ và bờ biển địa phương chuyển sang màu đỏ bất thường và cá chết la liệt tấp lên bờ biển. Những người bơi lội trong hồ nước của làng bắt đầu phàn nàn về các bệnh da liễu.

Được báo động về tình trạng xả thải trực tiếp vào nước biển và phá hủy một số khu rừng ngập mặn của khu vực, Cơ quan Môi trường quốc gia (NEA) đã nhanh chóng đệ đơn kiện doanh nghiệp TQ vào tháng 6-2017. Giữa lúc này, một cuộc biểu tình nổ ra ở ngôi làng Kartong kế bên phản đối một công ty TQ khác. Cư dân tại Kartong nói rằng làng này không cho phép công ty TQ hủy hoại môi trường bởi điều đó sẽ xua du khách châu Âu khỏi các bãi biển xinh đẹp của họ.

Trong đơn kiện, NEA cáo buộc Golden Lead xả trái phép nguồn nước thải độc hại xuống bãi biển ở Gunjur. Tuy nhiên, dưới sự can thiệp của chính quyền Gambia vốn đang trải thảm đỏ cho đầu tư TQ, hai bên đã nhất trí dàn xếp ngoài tòa, trong đó phía công ty TQ cam kết sẽ bỏ các đường ống xả thải, thực hiện đánh giá sinh thái toàn diện và khôi phục lại những gì đã tàn phá.

Những biểu hiện thiếu tôn trọng cam kết của phía công ty TQ khiến cuộc đối đầu giữa cộng đồng địa phương và doanh nghiệp này kéo dài dai dẳng cho tới ngày nay. Trang gunjur.online hồi cuối tháng 4-2018 cho biết Tổ chức Phong trào Môi trường Gambia cam kết sẽ hành động để buộc Golden Lead phải chịu trách nhiệm sau khi xuất hiện hình ảnh cá chết trên bãi biển Gunjur giữa lúc Golden Lead lắp đặt đường xả thải mới ra biển.

Mâu thuẫn chết người

Nhiều quốc gia châu Phi vốn giàu tài nguyên nhưng kinh tế kiệt quệ và quản lý lỏng lẻo đã thấm thía bài học này khi dễ dãi gật đầu với các khoản đầu tư của TQ.

Các công ty TQ ở lục địa đen thường xuyên bị cáo buộc gây ô nhiễm môi trường để khai thác tài nguyên xuất khẩu về nước trong nhiều vụ việc được ghi nhận ở các mỏ khoáng sản ở Guinea, các giếng dầu tại Cộng hòa Chad hay những cánh rừng ở lòng chảo Congo… Sự việc xảy ra gần nhất vào hồi đầu tháng 4 cho thấy tình trạng đụng độ chết người và tàn phá môi trường dâng cao liên quan tới các công ty TQ khai thác vàng trái phép tại Cameroon buộc các tổ chức vận động bảo vệ môi trường ở quốc gia Trung Phi phải lên tiếng báo động.

Người dân tại ngôi làng nhỏ Longa Mali nằm trong “điểm nóng” của cơn sốt khai thác vàng sống trong bất an bởi liên tục xảy ra mâu thuẫn giữa cư dân địa phương và người TQ về các hoạt động khai thác vàng. Bốn công ty mới đây đã bị cấm đào vàng ở khu vực phía Đông Cameroon. Trong số này có công ty tai tiếng Lu&Lang từng gây phẫn nộ sâu sắc sau khi nhân viên của họ bị cáo buộc sát hại một người dân Cameroon tìm vàng tại khu đất mà công ty này khai thác. Bạo động đã xảy ra và dân làng Longa Mali ném đá giết chết nghi phạm TQ.

Theo một số tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động khai thác vàng ở Cameroon của các công ty TQ đã cướp đi sinh mạng của 34 người trong năm 2017. Mặt khác, trong quá trình khai thác vàng, nhiều công ty TQ còn bị cáo buộc phá hủy các con sông địa phương và khiến nhiều động vật bị mắc kẹt trong các hố khai thác bỏ hoang.

Giữ vị trí đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư lớn nhất vào châu Phi, những khoản đầu tư khổng lồ từ nền kinh tế số 2 thế giới vẫn không ngừng đổ vào khắp các nước ở lục địa đen. Tuy nhiên, đầu tư của TQ chủ yếu dưới dạng các “khoản vay mềm”, nên các nước này phải đánh đổi bằng chính tài nguyên của mình. Chẳng hạn, để đổi lại việc TQ xây dựng tuyến xe lửa ở Bắc Namibia, nước này đã phải nhận lời để phía TQ khai thác mỏ uranium với “giá mềm”.

Mặt khác, kỳ vọng lớn nhất của cư dân địa phương khi các dự án TQ đổ về là cơ hội việc làm được thúc đẩy. Thế nhưng, họ sớm nhận ra thực tế phũ phàng khi các công ty TQ luôn đem theo một số lượng lớn lao động của họ đến châu Phi. Chẳng hạn, sự nở rộ của đầu tư TQ vào Nam Phi khiến nước này giảm 75.000 việc làm từ năm 2000-2011. Tại Nigeria, sự xuất hiện ồ ạt của hàng dệt may giá rẻ TQ đã khiến 80% các công ty trong nền công nghiệp dệt may của nước này đóng cửa.

Kỳ tới: Chiến lược ngoại giao bẫy nợ

Cựu Bộ trưởng Thương mại Zambia, ông Dipak Patel, thốt lên: “Lao động TQ làm cả những việc như đẩy xe vật liệu. Đó không phải là loại đầu tư mà chúng ta muốn. Tôi hiểu là họ có tới hơn 1,2 tỉ người nhưng họ không cần phải gửi dân mình tới châu Phi”.
Nguồn: