Điện gió cần cơ chế linh hoạt để phát triển

Trước những thách thức về tình trạng thiếu điện và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu trong những năm tới thì kế hoạch phát triển “điện xanh” từ các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời, gió, thủy triều, sóng biển được xem là giải pháp khả thi nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.

Năng lượng tái tạo là một nguồn năng lượng bền vững, không thải ra các chất ô nhiễm gây thiệt hại cho môi trường và có thể được khai thác mà không gây tổn hại đến các hệ sinh thái. Hiệp ước toàn cầu về biến đổi khí hậu năm 2015 đã đưa ra thỏa thuận về việc sử dụng năng lượng trên toàn cầu, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải chuyển đổi từ sử dụng năng lượng hóa thạch truyền thống sang các nguồn năng lượng sạch thay thế, bao gồm năng lượng gió, năng lượng mặt trời nhằm hạn chế mức tăng nhiệt trái đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp…

Theo nghiên cứu của Đại học Stanford trong năm 2016 dành cho 139 nước trên thế giới, viễn cảnh 100% năng lượng tái tạo năm 2050 là hoàn toàn khả thi và điều này cũng tương đồng với kết luận Báo cáo “Kịch bản bền vững cho ngành điện Việt Nam tầm nhìn đến năm 2050” của WWF và Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam công bố ngày 12/5/2017. Báo cáo nhấn mạnh đến năm 2050 năng lượng tái tạo có thể đáp ứng 100% nhu cầu điện của Việt Nam, đồng thời giảm được đáng kể lượng khí thải các-bon độc hại có liên quan tới biến đổi khí hậu. Việt Nam hiện cũng là một trong 48 thành viên tham gia Sáng kiến Diễn đàn tổn thương khí hậu (CVF) tháng 11/2016 đồng ý thực hiện cam kết sử dụng 100% năng lượng tái sinh vào năm 2050 cùng với các quốc gia Afghanistan, Haïti, Philippines, Bangladesh, Honduras, Rwanda, Barbados, Kenya, Ethiopia, Nepal, Tuvalu, Fiji, Niger, Vanuatu, Ghana, Palau, Grenada, Papua New Guinea, Yemen, Guatemala…

Khi lựa chọn phương án sử dụng năng lượng tái tạo thay vì các loại nhiên liệu truyền thống, nhiều ý kiến còn quan ngại về vấn đề giá thành cao. Tuy nhiên, các cơ sở dữ liệu mới của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã cho phép chính xác hóa nguồn thông tin dữ liệu cũng như các khu vực tập trung năng lượng tái tạo cao cùng công nghệ nối lưới điện thông minh giúp đảm bảo vấn đề kỹ thuật và giá thành.

Năng lượng gió là một dạng năng lượng xanh đã phát triển mạnh trong 10 năm gần đây dưới dạng các cánh đồng gió với công suất từ vài MW đến hàng ngàn MW, đặc biệt đã xuất hiện các cường quốc điện gió Trung Quốc, Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Ấn Độ (hình 1) với công suất lần lượt là 170 GW, 80 GW, 50 GW, 30 GW, 25 GW. Theo số liệu thống kế của Hiệp hội năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA, 2017), tổng công suất điện gió toàn cầu tăng mạnh từ không đáng kể vào năm 1980, gần 60 GW năm 2005 và đến năm 2016 đạt tới gần 500 GW với tốc độ trung bình 20 GW/năm (hình 1).

Hình 1: Tổng công suất điên gió toàn cầuvà  5 cường quốc điện gió

Giá cả trên đơn vị MWh thay đổi nhanh chóng trong lĩnh vực năng lượng đang được thúc đẩy bởi nhu cầu tiêu dùng đối với năng lượng sạch. Tháng 2/2017, trong báo cáo đánh giá tài chính của công ty đầu tư Lazard thuộc hãng Bloomberg, Mỹ về chi phí năng lượng (LCOE) năm 2016 cho các công nghệ phát điện khác nhau, các nguồn năng lượng tái tạo bây giờ là nguồn điện rẻ nhất có sẵn. Giảm chi phí công nghệ điện từ năng lượng gió và năng lượng mặt trời hiện nay là hình thức rẻ nhất.

Công ty đầu tư Lazard sử dụng phân tích LCOE để xác định mỗi đơn vị điện (đo bằng mega watt-giờ, hay MWh) sẽ tạo ra bao nhiêu chi phí trong suốt cuộc đời của bất kỳ nhà máy điện nào. LCOE được tính bao gồm mọi thành phần chi phí – chi phí vốn để xây dựng, vận hành và bảo dưỡng, và chi phí nhiên liệu để chạy – trải rộng trên tổng số mega watt-giờ tạo ra trong suốt vòng đời tồn tại của nhà máy.

Hình 2: Xu thế giá thành điện gió

Theo Lazard, chi phí gió đã giảm 66% kể’ từ năm 2009, từ 140USD/MWh xuống 47USD/MWh. Trong khi giá thấp nhất của thế hệ đốt nhiên liệu (than, khí) thông thường hiện nay – các nhà máy nhiệt điện chạy bằng khí đốt tự nhiên có LCOE trung bình là 63 USD/ MWh. Đầu tư cho điện gió toàn cầu đạt hơn 100 tỷ USD/năm (hình 3)

Hình 3: Vốn đầu tư cho điện gió toàn cầu

Các chính sách quốc tế và quốc gia hỗ trợ giảm giá và thuế thúc đẩy chi phí năng lượng tái cho gió và cho năng lượng mặt trời còn xuống thấp. Những mức giá thấp này không chỉ rẻ hơn việc xây dựng các nhà máy khí đốt tự nhiên mới mà còn rẻ hơn nhiều nhà máy điện nhiên liệu hóa thạch khi tính đến các chi phí biên (chi phí vận hành, bảo dưỡng, nhiên liệu…).

Cơ hội phát triển điện gió Việt Nam

Theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng phát triển nguồn điện gió từ mức không đáng kể hiện nay lên 1% vào năm 2020, khoảng 2,7% vào năm 2030 và khoảng 5% vào năm 2050; định hướng phát triển nguồn năng lượng mặt trời từ mức không đáng kể hiện nay lên 0,5% vào năm 2020, khoảng 6% vào năm 2030 và khoảng 30% vào năm 2050.

Năng lượng gió được xem như là một lĩnh vực trọng tâm do Việt Nam được xem là nước có giàu tiềm năng nhất không chỉ trong khu vực Đông Nam Á mà còn trên thế giới. Các vùng ven bờ Nam Trung Bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận, Vũng Tàu) với tốc độ gió đạt khoảng 10 m/s, và mật độ năng lượng gió đạt ngang tầm các khu vực có mật độ cao nhất thế giới với hơn 1000 W/m2), các khu vực có tốc độ gió trung bình rất phổ biển ở Việt Nam, chứng tỏ tiềm năng khai thác điện gió là rất tốt trên phần lớn lãnh thổ Việt Nam tại tầng 100 m (hình 4).

Hình 4. Bản độ mật độ năng lượng gió Việt Nam tầng 100 m (Nguồn: Atlas gió toàn câu, 2017)

Tính đến hết 2017, tổng công suất nguồn điện gió nối lưới của Việt Nam là 197 MW tại các tỉnh Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu. Các trang trại gió đi vào hoạt động (hình 5) theo các năm hoạt động là Tuy Phong, Phú Quý (Bình Thuận), Bạc Liêu (Bạc Liêu), Phú Lạc (Bình Thuận), Hướng Linh (Quảng Trị), Đầm Nại (Ninh Thuận), Trường Sa. Lớn nhất là trang trại gió Bạc Liêu (giai đoạn 1 và 2) với công suất lắp đặt 99,2 MW và gần 320 triệu kW/h/năm, mang lại nguồn thu nhập rất lớn cho ngân sách trung ương và địa phương. Trong năm 2018, Bạc Liêu 3 sẽ lắp đặt xong 142 MW điện gió với dự án Khai Long, ở Cà Mau là 100 MW. Năm 2019, các trang trại Trung Nam – Ninh Thuận là 90 MW, Sóc Trăng -99 MW. Năm 2020 là 117 MW, dự án Hanbaran – Ninh Thuận 117 MW.

Trên hình 4 cũng đưa ra các trang trại gió đang triển khai ứng dụng từ nay đến giai đoạn 2025, tầm nhìn đến 2030 tại Việt Nam. Khu vực ven bờ Đồng bằng Sông Cửu Long có gần 70 dự án từ tỉnh Tiền Giang đến Kiên Giang với công suất lắp đặt lên đến 7,6 GW, khu vực biển cách bờ Bình Thuận 1,2 GW và 1 số tiểu dự án công suất vài chục MW trên đất liền. Như vậy có thể thấy tổng công suất của các dự án hiện nay và dự kiến là khoảng 9 GW với hiệu suất trung bình 40% thì công suất điện gió sẽ tương đương nhà máy điện than 4GW.

Hình 5. Bản đồ các trang trại điện gió hoạt động và dự kiến của Việt Nam

Bên cạnh những thuận lợi về mặt tiềm năng và định hướng chính sách, phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam hiện vẫn vướng một số rào cản như: khó tiếp cận nguồn gió và năng lượng mặt trời có chất lượng cao; dự báo nguồn năng lượng còn sai lệch về độ tin cậy và quan niệm sai về chi phí cao hòa lưới nguồn tái tạo.

Nguyên nhân chậm triển khai các dự án điện gió, theo các nhà đầu tư là do giá của điện gió hiện quá thấp nên không hiệu quả về mặt tài chính. Trong khi đó, việc tăng giá mua điện gió trong bối cảnh hiện nay là không hề dễ dàng khi nó tạo thêm áp lực lên giá bán điện. Các công ty điện gió của Việt Nam chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ và thi công các trang trại điện gió, kỹ thuật và chính sách nối điện lưới, điện áp còn nhiều bất cập. Các số liệu thô về gió và quy hoạch điện gió còn chưa sẵn sàng, thiếu và yếu. Giá điện gió mới chỉ có theo dự án, riêng Bạc Liêu có giá cao nhất là 9,8 cent, còn lại là 7,8 cent, thấp hơn mức giá 15 cent của các quốc gia khác. Điện gió trên biển rất tiềm năng nhưng thiếu cơ chế, chính sách, chưa có Luật năng lượng tái tạo.

Do đó, để thúc đẩy năng lượng điện gió, Việt cần sớm ban hành Luật năng lượng tái tạo Việt Nam; thành lập Ủy ban năng lượng tái tạo quốc gia; điều tra cơ bản, xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên gió sơ cấp quốc gia; linh hoạt cơ chế, giá cả, cấp phép thi công, triển khai với điện gió trên đất liền, đặc biệt điện gió trên biển gắn liền với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, hải đảo; nội địa hóa và ưu đãi đầu tư vào phát triển, nghiên cứu, chế tạo các chuỗi sản phẩm của công trình điện gió; huy động nguồn vốn, tài chính quốc tế cho điện gió; chuyển giao công nghệ điện gió từ các hợp tác quốc tế; đào tạo nguồn nhân lực điện gió.

Dư Văn Toán