Nông nghiệp là lĩnh vực quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định xã hội, đóng góp 70% nguồn thu nhập cho dân số nông thôn Việt Nam. Tuy vậy, ngành này đã, đang đối mặt với những khó khăn về nội tại như nguồn giống, dịch bệnh, kỹ thuật, phương thức sản xuất và đặc biệt là từ những yếu tố bên ngoài như thời tiết, khí hậu, thiên tai.
Còn nhớ, năm 2017 thiệt hại về nông nghiệp trong các cơn bão, mưa lũ vô cùng lớn đối với nông dân nhiều tỉnh, thành phố. Sau mỗi cơn bão, trận lũ, lại có người nêu câu hỏi vì sao nông dân vẫn không tham gia bảo hiểm nông nghiệp, trong khi nếu làm điều đó sẽ giảm bớt thiệt hại, nỗi lo nợ nần do thiên tai, dịch bệnh…
Thực tế, bảo hiểm nông nghiệp được thí điểm thực hiện từ năm 2011, nhưng đến nay vẫn chưa phát huy hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân khiến người dân không mặn mà với loại bảo hiểm này, trong đó nguyên nhân chính là sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn phân tán, manh mún, nhỏ lẻ. Cùng với đó là cách thức nuôi trồng thiếu bài bản và không theo quy trình chuẩn, thiếu các giải pháp phòng vệ và quản lý rủi ro khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Chưa kể, nhiều người dân còn chưa biết đến chính sách bảo hiểm nông nghiệp. Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia về quy mô và mức độ tổn thất lại không đầy đủ và chi tiết nên không có cơ sở định phí rủi ro phù hợp. Trong khi đó, rủi ro trong sản xuất nông nghiệp rất lớn, nếu kinh doanh bảo hiểm đơn thuần thì không doanh nghiệp nào muốn triển khai loại hình bảo hiểm nông nghiệp vì nguy cơ thua lỗ cao.
Những bất cập kể trên hy vọng sẽ được tháo gỡ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18-4-2018 về bảo hiểm nông nghiệp nhằm mở ra hướng đi mới, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện bảo hiểm nông nghiệp, đồng thời đưa ra nhiều loại hình bảo hiểm để nông dân lựa chọn như bảo hiểm rủi ro, bảo hiểm về thu nhập, bảo hiểm theo chỉ số năng suất…
Có thể thấy, đây là một chính sách ưu việt, rất cần đưa vào cuộc sống. Trong đó, các doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy chương trình này. Về lâu dài đây cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển các loại công cụ tài chính vi mô, mở rộng thị trường, phát triển các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp khác.
Thời gian qua, phần nhiều bà con nông dân chưa đồng tình, thỏa mãn về quyền lợi khi tham gia bảo hiểm: Phạm vi, quyền lợi bảo hiểm còn hẹp; vẫn còn những vướng mắc, bất cập cần điều chỉnh, bổ sung về quy định… Nguyên nhân này một phần xuất phát từ sự vào cuộc chưa quyết liệt của một số địa phương. Vì vậy, rất cần khắc phục vấn đề này, đồng thời phát huy vai trò các đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội trong tuyên truyền, vận động người dân tham gia.
Một trong những nguyên tắc của bảo hiểm nông nghiệp là những người tham gia phải thực hiện đầy đủ quy trình sản xuất quản lý giảm rủi ro. Điều này rõ ràng sẽ giúp cho sản xuất bảo đảm an toàn hơn, năng suất chất lượng hơn, giảm giá thành, làm tăng thu nhập của nông dân. Tham gia vào lĩnh vực này, vừa là một thử thách với người nông dân nhưng bù lại bà con cũng được làm quen và thích ứng với nền nông nghiệp công nghệ cao.
Việt Nam có rất nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới về sản lượng như: gạo, cà phê, hạt tiêu, điều, thủy sản… Do đó, việc người dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp là rất cần thiết. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới chỉ ra rằng, bảo hiểm nông nghiệp là một công cụ hiệu quả để giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp và bảo đảm an sinh xã hội.