Chặn cơn sốt đất đặc khu Vân Phong

Giá đất tại khu vực quy hoạch Đặc khu kinh tế Vân Phong (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) đã tăng hàng chục, thậm chí hàng trăm lần, tuy nhiên, đó là tăng giá ảo. Giới đầu tư đất tại Vân Phong đang đứng ngồi không yên sau quyết định tạm ngừng chuyển đổi, chuyển nhượng đất tại đây.

Khu vực quy hoạch đặc khu Vân Phong có nhiều lợi thế phát triển du lịch biển khiến giới đầu cơ quan tâm

Trong tương lai, những lô đất đã giao dịch thành công có thể bị mất giá hàng trăm lần nếu Nhà nước thu hồi trắng để làm đặc khu.

Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung Đặc khu kinh tế Vân Phong trên diện tích 150.000ha. Mới đây, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch – Đầu tư và các bộ, ngành liên quan soạn thảo cơ chế hoạt động cho các đặc khu, trong đó có Đặc khu kinh tế Vân Phong để trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp sắp tới. Trước những thông tin này, trên địa bàn huyện Vạn Ninh đã xảy ra tình trạng sốt đất chưa từng có, giá đất bị đẩy lên gấp nhiều lần khi nghe thông tin Đặc khu kinh tế Vân Phong sớm được phê duyệt. Việc đẩy giá đất không chỉ tạo nên nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản mà làm bất ổn xã hội địa phương. Một cán bộ huyện Vạn Ninh cho biết, theo kế hoạch, gần như toàn bộ diện tích của huyện sẽ được quy hoạch làm đặc khu, nên hiện nay đất đai đang nằm trong diện thu hồi của Nhà nước. Trong thời gian qua, việc đầu cơ đất, đổ tiền vào Vân Phong khiến thị trường đất tại đây biến động dữ dội. Ở huyện Vạn Ninh, nhiều người thấy giá nhà đất lên cao nên đã bán, nhưng giờ khó mua lại nhà đất vị trí tương đương do giá đã bị đẩy lên quá cao.

Theo một công ty môi giới bất động sản tại Nha Trang, sốt đất ở huyện Vạn Ninh xảy ra từ cuối năm 2017, chủ yếu do “cò đất” thổi giá, hứa hẹn hỗ trợ làm dự án du lịch tại các đảo. Vì vậy, thời gian này, tình trạng mua bán chuyển nhượng tràn lan, nhiều đối tượng gom đất, phá rừng, phá thảm thực vật… diễn ra. Theo thống kê của UBND huyện Vạn Ninh, chỉ trong quý 1-2018, địa phương đã tiếp nhận và giải quyết hơn 2.250 hồ sơ chuyển nhượng đất đai, bằng 186,4% tổng số hồ sơ so với cả năm 2016, bằng 65,3% tổng số hồ sơ cả năm 2017.

Trước tình hình sốt đất do giới đầu cơ, môi giới đẩy giá tại Đặc khu kinh tế Vân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) tỉnh về việc tạm dừng chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất tại khu vực quy hoạch xây dựng Đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong. Theo đó, tỉnh Khánh Hòa giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong và UBND huyện Vạn Ninh tham mưu, dự thảo văn bản cho UBND tỉnh chỉ đạo tạm ngừng việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện Vạn Ninh. Việc tạm ngừng này có hiệu lực cho đến khi quy hoạch chung xây dựng Đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng nếu không sớm chấn chỉnh, sau này nhà đầu tư vào đặc khu sẽ rất khó khăn trong công tác đền bù, giải tỏa.

Theo một cán bộ Sở TN-MT tỉnh Khánh Hòa, việc tạm ngưng này ảnh hưởng không nhỏ đến giới đầu tư đất tại Vân Phong. Trong nay mai, rất nhiều diện tích đất tại Vân Phong sẽ được Nhà nước thu hồi và sẽ đền bù theo giá Nhà nước. Khi đó, giá đền bù thấp hơn rất nhiều so với giá thực tại, nên người mua đất cuối cùng là người chịu thiệt thòi, nếu không cẩn trọng sẽ có nhiều người ôm nợ do bong bóng bất động sản tại Vân Phong. Nhiều người đầu cơ đất tại Vân Phong cũng tỏ ra khá lo ngại vì nhiều thửa đất nông nghiệp đã mua khó chuyển đổi thành đất ở, đất sản xuất kinh doanh cũng như khó bán.

Chiều 8-5, ông Võ Hoàn Hải, Bí thư Huyện ủy Vạn Ninh, cho biết, sau khi có thông tin Đặc khu kinh tế Vân Phong sắp được phê duyệt cũng như toàn bộ diện tích huyện Vạn Ninh được quy hoạch làm đặc khu, tình hình sốt đất tại địa phương đã xảy ra, gây nhiều hệ lụy cho địa phương trong quản lý. Tuy nhiên, tình trạng sốt đất hiện đã tạm lắng, nhất là trước thông tin ngừng chuyển đổi, chuyển nhượng của tỉnh mới ban hành.

Nguồn: