Những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên có nhiều nỗ lực trong ổn định đời sống cho số dân di cư tự do (DCTD). Nhưng, do không giải quyết tận gốc nên hiện còn hàng chục nghìn hộ dân DCTD đến Tây Nguyên chưa định canh, định cư ổn định.
Trên tuyến biên giới huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk bên cạnh sự đổi thay tiến bộ thì điều khiến chính quyền địa phương các cấp lúng túng là nhiều điểm dân DCTD tự phát trong những cánh rừng tự nhiên đang phá vỡ quy hoạch cũng như những dự án ổn định dân cư.
Chỉ trong một thời gian ngắn, tại một khoảnh rừng sát bên Quốc lộ 29, thuộc địa bàn xã Cư M’lan, hơn 60 hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số từ tỉnh Hà Giang, vừa di cư đến đã lập một thôn mới.
Ông Giàng Seo Nam, một chủ hộ DCTD ở điểm dân cư tự phát này cho biết: “Gia đình chúng tôi mới chuyển từ tỉnh Hà Giang vào từ tháng 9/2017.
Lúc vào đây, để có đất sản xuất tôi đã nhận chuyển nhượng 2 ha đất rẫy của bà con địa phương phát rừng từ trước, với giá 50 triệu đồng/ha”.
Ở nhiều địa phương khác thuộc các tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng, bà con DCTD cũng vào rừng tự nhiên để lập làng.
Cụ thể, điểm DCTD tại xã Ea Đah, huyện Krông Năng, Đắk Lắk, 147 hộ, với 807 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, đã lấn chiếm hơn 300 ha rừng và đất lâm nghiệp thuộc tiểu khu 342 của Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô lấy đất ở và sản xuất.
Tương tự, tại điểm dân DCTD ở xã Ea Kiết, huyện Cư M’Gar (Đắc Lắc), hơn 200 hộ dân DCTD đã phá và lấn chiếm hơn 500 ha đất rừng của Lâm trường Buôn Ja Wầm, để làm ăn, sinh sống cả chục năm nay, trước sự bất lực của chính quyền các cấp và chủ rừng.
Hoặc tại xóm Ea Kiêu, buôn Ea Boa, xã Ea Trang, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk, 47 hộ, với 213 nhân khẩu từ các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng đã di cư ngoài kế hoạch vào tận rừng sâu tự phát lập làng, định cư. Các hộ dân đã phá cả trăm ha rừng để lấy đất ở và đất sản xuất.
Theo ông Y Toan Byă, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Trang: Từ năm 2000, tỉnh Đắk Lắk đã lập dự án hỗ trợ định cư ngoài trung tâm xã, để bảo đảm những điều kiện thiết yếu cho cuộc sống của hơn 200 nhân khẩu, nhưng vì không có đất sản xuất, nên số hộ DCTD này vẫn bám trụ trong rừng.
Năm 2004, tỉnh Đắk Lắk đã phải thành lập thôn mới cho số hộ dân này ở nơi bà con định canh, định cư.
Tại huyện Đắc G’long, Đắk Nông, từ năm 2005 tới nay, có gần 3.700 hộ dân với hơn 17.000 nhân khẩu đã DCTD đến địa phương, trong đó nhiều nhất là người Mông từ các tỉnh miền núi phía Bắc, với 2.100 hộ, hơn 12.000 khẩu.
Theo ông Nguyễn Văn Hợp, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk G’long, vì di cư ngoài kế hoạch, nên để có đất ở và sản xuất, bà con DCTD đã khai hoang, chặt phá rừng bình quân từ 1,5 đến 3 ha/hộ để lấy đất ở và sản xuất.
Thống kê tại tỉnh Đắc Lắc, từ năm 1976 – 2016 đã có hơn 59.000 hộ, với 290.000 nhân khẩu, chủ yếu thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc DCTD đến.
Ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk thừa nhận, việc dân DCTD ồ ạt đến địa phương, khiến chính quyền các cấp bị động, lúng túng trong việc tìm các nguồn lực ổn định đời sống cho bà con.
Nhìn rộng ra cả vùng Tây Nguyên, từ năm 1976 đến nay, có khoảng 189.878 hộ, gần 1 triệu nhân khẩu, chủ yếu là từ các tỉnh miền núi phía Bắc DCTD đến lập nghiệp. Riêng giai đoạn 2005 đến 2017 có 25.732 hộ, với 91.703 nhân khẩu.
Tình trạng dân DCTD đến Tây Nguyên, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy, như: Làm nóng thêm nạn phá rừng, tăng tỷ lệ hộ nghèo, phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp, nhất là các tệ nạn như ma túy, tranh chấp đất đai; làm tăng tỷ lệ hộ nghèo.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2010-2015, Tây Nguyên mất khoảng 180.000 ha rừng; trong đó 45% diện tích rừng bị phá, lấn chiếm nhằm mục đích lấy đất ở và đất sản xuất. Trong tổng số hộ nghèo hiện nay ở Tây Nguyên, thì hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số và dân DCTD chiếm tới hơn 61%.
Từ thực tế trên, những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, các tỉnh Tây Nguyên đã huy động nhiều nguồn lực ổn định dân DCTD.
Kết quả, từ 1976 đến 2004, các tỉnh Tây Nguyên đã bố trí định canh, định cư cho 166.280 hộ. Giai đoạn từ 2005 đến 2016, định canh, định cư cho 14.090 hộ.
Tuy nhiên, những năm gần đây, chương trình ổn định dân DCTD ở Tây Nguyên gặp khó khăn về kinh phí. Cụ thể từ năm 2013 đến 2016, toàn vùng Tây Nguyên xây dựng 30 dự án sắp xếp, ổn định cho 13.225 hộ dân DCTD, với tổng kinh phí 1.612 tỷ đồng, gồm Trung ương hỗ trợ 1.400 tỷ đồng, ngân sách địa phương 212 tỷ đồng.
Nhưng đến năm 2017 mới cấp được 691 tỷ đồng; nên trong 30 dự án mới hoàn thành 2 dự án, ổn định cho 5.274 hộ; còn lại 7.951 hộ chưa được định canh, định cư, do thiếu kinh phí.
Bên cạnh đó, theo kết quả rà soát mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn vùng Tây Nguyên còn 11.642 hộ dân DCTD đang sinh sống phân tán chủ yếu trong rừng và gần rừng, chưa có dự án sắp xếp.
Để ổn định đời sống cho số hộ này, cần nguồn đầu tư hằng nghìn tỷ đồng. Đây thực sự là bài toán nan giải đặt ra cho các tỉnh Tây Nguyên.